(VnMedia) - Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2016 (Vietnam ICT Summit), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo 08 nhiệm vụ và giải pháp để Việt Nam vượt qua thách thức, nắm lấy cơ hội của cuộc cách mạng số mang lại.
Sáng nay, 24/9, Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam 2016 (Vietnam ICT Summit) đã chính thức khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là khách mời đặc biệt của Diễn đàn và có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, nhân loại đang bước sang giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được dẫn dắt bởi những sáng tạo công nghệ vượt bậc, đặc biệt là nhờ sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet. Tạo ra một thế giới kết nối không giới hạn về không gian, thời gian và đối tượng, một thế giới là sự kết hợp của các hệ thống thực (vật lý) với hệ thống ảo (số hóa) cùng những công nghệ đột phá như: trí tuệ nhân tạo, Robot, Internet kết nối vạn vật (IoT), công nghệ in 3 chiều, công nghệ nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng tái tạo...
“Sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế số và xã hội thông tin, sẽ làm biến đổi sâu sắc và nhanh chóng các hệ thống kết cấu xã hội và nền kinh tế toàn cầu; tác động mạnh mẽ, toàn diện lên mọi mặt đời sống con người, từ hoạt động sản xuất đến lối sống, sinh hoạt văn hóa ở tất cả các cấp độ, từ phạm vi toàn cầu đến khu vực, quốc gia, và từng tổ chức, cá nhân. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại những cơ hội và thách thức to lớn cho mọi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam chúng ta” - Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Diễn đàn. (ảnh chinhphu.vn) |
Dù đi sau, vẫn có thể thành công
Theo Thủ tướng, trước hết chúng ta phải nhận thức đầy đủ về những thách thức to lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Chúng ta phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu sang chủ yếu dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo. Nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (như dệt may, da giày,…) sẽ mất lợi thế cạnh tranh, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí bị đào thải. Cùng với đó là tình trạng thất nghiệp, nhất là lao động phổ thông. Nguy cơ bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo và cả cơ hội tiếp cận, khai thác các nguồn lực, tiện ích xã hội gia tăng.
“Muốn thành công, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới, chúng ta cần phải vượt qua được những thách thức kinh tế xã hội cơ bản này. Nếu không, Việt Nam sẽ mãi là một quốc gia, dân tộc tụt hậu” - Thủ tướng phân tích.
Theo Thủ tướng, cơ hội cho chúng ta trong cuộc cách mạng lần này đến từ chính nỗ lực giải quyết những thách thức đó, kết hợp với phát huy tối đa lợi thế của Việt Nam trong thời đại số, trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng. Thủ tướng tin tưởng với không ít lợi thế cạnh tranh về phát triển công nghệ thông tin và lợi thế nguồn lực “dân số vàng”, Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, có chương trình hành động cụ thể, kịp thời và triển khai thực thi quyết liệt, hiệu quả. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết 26, 36a của Chính phủ đã xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và bằng công nghệ thông tin với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.
“Thực tiễn phát triển vừa qua đã khẳng định nhận thức, quan điểm của chúng ta về phát triển và ứng dụng CNTT là đúng đắn, bắt kịp thời đại. Với những bước tiến khá nhanh về phát triển công nghệ thông tin, Việt Nam đã có thứ hạng cao trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới, trong đó xếp vị trí số 1 toàn cầu trong ngành dịch vụ phần mềm thuê ngoài; đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Năm 2016, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng thuộc nhóm các nước có chỉ số phát triển cao, đứng thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2015.
Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn về thu hút đầu tư công nghệ cao, với sự góp mặt của hầu hết các hãng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như IBM, Microsoft, Intel, Apple, Fujitsu, Toshiba, Samsung,…. Chúng ta cũng đã có những doanh nghiệp công nghệ thông tin được thế giới biết đến như VNPT, Viettel, FPT... và đang có ngày càng nhiều các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, những kết quả đạt được trên đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước, chưa đủ để vượt qua những thách thức to lớn mà chúng ta phải đối mặt.
Hành động nhanh, quyết liệt với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cần đươc thực hiện đồng bộ để Việt Nam có thể hành động nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; tạo cuộc cách mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, tạo phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao và các công nghệ số trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin phải là yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, trước hết là khu vực nhà nước, mọi công trình, dự án đầu tư công và phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam thành trung tâm công nghiệp phần mềm, ứng dụng di động và Trung tâm dịch vụ an toàn bảo mật thông tin của thế giới.
Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; đầu tư nâng cao năng lực tiếp thu và làm chủ công nghệ nhất là các công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển; gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo đại học và trên đại học; tạo lập các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, vườm ươm doanh nghiệp trong các trường đại học, viện nghiên cứu.
Thứ ba, thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số. Xóa bỏ mọi rào cản, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng bậc nhất của nền kinh tế.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, tăng nhanh về số lượng và chất lượng đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp với các xu hướng công nghệ SMAC và IoT. Việt Nam phải trở thành một trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế số thế giới.
Trước hết phải thực hiện mạnh mẽ, triệt để cải cách hệ thống giáo dục đào tạo; ưu tiên đào tạo các ngành khoa học, công nghệ và kỹ thuật; tăng cường đạo tạo về công nghệ thông tin trong các ngành, các lĩnh vực và các cấp học; đưa lập trình vào dậy từ bậc học phổ thông. Tiếng Anh phải trở thành ngôn ngữ thứ 2, tiến tới phổ cập tiếng Anh. Phát triển mạnh các mô hình, phương thức đào tạo mới trên nền tảng ứng dụng Internet để tạo thêm cơ hội học tập mọi nơi, mọi lúc cho người dân.
Thứ 5, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng nhanh cấp độ ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tạo tiện lợi, văn minh cho người dân trong giao dịch với cơ quan Nhà nước và tiếp cận dịch vụ công; xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thứ 6, đầu tư hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông tốc độ cao, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, mọi doanh nghiệp dễ dàng và bình đẳng trong việc tiếp cận với các cơ hội số, cơ hội phát triển; chú trọng công tác an ninh, an toàn thông tin; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an toàn thông tin; hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thông tin mạng.
Thứ 7, từng bước xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, đi đầu là các đô thị lớn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng giải quyết những bức xúc xã hội về giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, môi trường,… đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại, nâng cao chất cuộc sống cho người dân.
Thứ 8, toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số, đồng thời quyết liệt đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động của mình. Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ quan tổ chức của Nhà nước, từ Trung ương xuống địa phương.
“Dù phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, chúng ta quyết không bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tạo phương thức phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam hội nhập thành công và vươn lên vị thế cao trong nền kinh tế số và xã hội thông tin toàn cầu, đó là trách nhiệm lịch sử của chúng ta” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nêu bật những thành tựu mà ngành CNTT- TT đã đạt được đồng thời chỉ ra nhiều điểm khó khăn và thách thức trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam để tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng Số. Bộ trưởng chia sẻ các giải pháp đề xuất với Chính phủ để giải quyết những thách thức trong đó có: phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy đầu tư hạ tầng và đầu tư vào ngành CNTT; thúc đẩy ứng dụng CNTT, công nghệ cao; đảm bảo an ninh thông tin; và kêu gọi chung tay của cộng đồng, cá nhân, doanh nghiệp.
Cũng tại Diễn đàn, đại diện của IBM, Microsoft, và Amazon - những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới cũng đã chia sẻ những xu hướng chuyển dịch của ngành CNTT thế giới và giải pháp công nghệ tiên tiến nhất cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân. “Những đột phá tiên tiến của công nghệ theo xu hướng mới, xu hướng của cuộc Cách mạng Công nghệ thứ 4, cụ thể là điện toán đám mây, di động, IoT và Dữ liệu lớn sẽ giúp mang lại những tiềm năng lớn cho từng cá nhân, doanh nghiệp tổ chức, rộng lớn hơn là cả xã hội. Những cơ hội này, nếu nắm bắt kịp thời, sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững”, ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam phát biểu.
Trải qua 5 kỳ tổ chức từ năm 2011, đến nay, Vietnam ICT Summit đã trở thành một diễn đàn chính sách, công nghệ và hợp tác kinh doanh có uy tín cao của ngành CNTT Việt Nam, cả ở trong nước và quốc tế. Diễn đàn đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò đặc biệt của CNTT như là hạ tầng của hạ tầng, công cụ tạo lập phương thức phát triển mới; đồng thời đóng góp thiết thực xây dựng nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy ứng dụng CNTT nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong mọi ngành, lĩnh vực để hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước.
Sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo 4 tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội từ Cách mạng Số. Các phiên tọa đàm có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao các Bộ, Ngành, Cơ quan quản lý và chuyên gia đầu ngành như: Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Thứ trưởng Bộ KH & CN Trần Văn Tùng, GS TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước; TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA; cùng đại diễn của các chuyên gia CNTT, doanh nghiệp công nghệ lớn...
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc