''Để khởi nghiệp thành công phải cần đến 3 loại vốn"

06:16, 16/09/2016
|

(VnMeda) - Chương trình Giao lưu startup tại Hà Nội: Tech Talk: “Những điểm mấu chốt của công nghệ khi đưa sản phẩm vào thị trường” trong khuôn khổ Giải thưởng Nhân tài Đất Việt diễn ra vào tối ngày 15/9 tại Hà Nội. Nhân dịp này, Phóng viên Báo Điện tử VnMedia đã có buổi phỏng vấn Diễn giả Hoàng Đức Minh - được biết đến là một startup của dự án WAKE IT UP - Nền tảng tạo và quản lý chiến dịch xã hội miễn phí cho các cá nhân và tổ chức - Giải nhất cuộc thi "Một triệu đô la thay đổi thế giới" do Forbes Vietnam tổ chức. 

Diễn giả Hoàng Đức Minh - Founder WAKE IT UP

Chúng ta đang nói nhiều đến khởi nghiệp- startup. Song, để khởi nghiệp chứ chưa nói đến khởi nghiệp thành công cũng là cả một vấn đề. Vậy Đức Minh có thể chia sẻ với bạn đọc của Báo điện tử VnMedia về cơ duyên của mình với những vấn đề đã qua để là một startup thành công với dự án: Wake It Up: nền tảng cho hoạt động xã hội? 

Đức Minh: Trước đây tôi là một nhà hoạt động xã hội, mối quan tâm chính của tôi là làm sao nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề như môi trường, biến đổi khí hậu hay bình đẳng.

Trong một lần tham gia vào tổ chức một cuộc thi Hackathon nhằm kết nối giới công nghệ giải quyết các vấn đề xã hội, tôi chợt nhận ra cả một không gian rộng lớn cho các giải pháp công nghệ để có thể tạo ra các thay đổi sâu sắc hơn trong hoạt động xã hội.

Lúc đó, tôi quyết định từ bỏ vị trí Ban tổ chức và thành lập một đội thi tham gia. Chiến thắng trong cuộc thi đó mang lại cho chúng tôi số vốn đầu tiên là 10.000 USD, kể từ đó đến giờ là khoảng 2 năm, chúng tôi vẫn đang theo đuổi Wake It Up như lời hứa năm nào.

May mắn là bên cạnh ưu thế 7 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực xã hội, tôi cũng có nền tảng không tệ về công nghệ khi được học lập trình và thiết kế web từ lúc còn nhỏ.

Một điều may mắn khác là tôi được lựa chọn là 1 trong 30 người đạt danh hiệu 30Under30 của tạp chí Forbes, điều này đã mang lại cho tôi cơ hội tiếp xúc với rất nhiều bạn bè và các anh chị có nhiều kinh nghiệm trong khởi nghiệp. Có thể nói những thành công tới thời điểm này của Wake It Up hội tụ rất nhiều yếu tố may mắn. 

Theo bạn thì mấu chốt thành công của một startup có theo nguyên tắc, niềm đam mê hay động lực cụ thể nào đó không? Với những startup tương lai, để khởi nghiệp thành công, bạn muốn nói với các bạn trẻ ấy điều gì, ví như cách đặt vấn đề, những bài học kinh nghiệm, cách tháo gỡ khó khăn cùng cách suy nghĩ thế nào để bước tiếp...? 

Đức Minh: Tôi học được rằng để khởi nghiệp thành công, bạn cần 3 loại vốn: Vốn kiến thức để phát triển sản phẩm, vốn quan hệ để tuyển dụng, và cuối cùng là vốn tài chính. Nếu thiếu chỉ 1 trong 3, thì bạn có thể đi tìm thêm các co-founder, nếu thiếu cả 3 thì tốt nhất là bạn nên dành thời gian để tích lũy.

Ngoài ra thì startup là mạo hiểm, thành công hôm nay có thể tan biến chỉ sau vài tháng, thực sự là phải trải qua rất nhiều thử thách sai thì một startup mới có thể tìm ra được con đường tương đối chính xác cho mình. Thế nên bên cạnh tinh thần dám chấp nhận và hăng say chiến đấu, bạn còn cần chuẩn bị đủ nguồn lực để có thể thử và sai đủ nhiều.

Khởi nghiệp không ai dạy được, nhưng muốn khởi nghiệp thành công thì nhất định phải học. Từ khi bước chân vào con đường này, lúc nào chúng tôi cũng phải duy trì cường độ học tập liên tục để có thể bắt kịp với sự thay đổi của công ty.

Lẽ tất nhiên, sẽ có những trở ngại trên con đường khởi nghiệp. Trở ngại của bạn là gì, nhất là trong lĩnh vực bạn theo đuổi còn rất mới? Và Đức Minh đã giải quyết các vấn đề ấy như thế nào? Bạn tâm đắc nhất điều gì để lấy đó làm cơ sở giải quyết những trở ngại trên bước đường khởi nghiệp?

Đức Minh: Có thể nói mỗi chặng đường khởi nghiệp là một gian nan khác nhau. Nếu như nói lúc mới bắt tay vào thiết kế sản phẩm, rào cản khó khăn nhất của chúng tôi là hiểu được nhu cầu của thị trường thì đến lúc xây dựng sản phẩm, rào cản khó khăn nhất lại là vấn đề công nghệ.

Tuy nhiên tôi nghĩ rằng ở Việt Nam, khó khăn chung cho tất cả các startup là vấn đề nhân sự. Quá khó để tuyển được người phù hợp và sẵn sàng đi lâu dài với đội ngũ của bạn, chưa kể là khi ngân sách trả lượng của các startup thường luôn hạn hẹp. Bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt về nhân sự của các ông lớn trong nước, chúng ta còn bị chảy máu chất xám quá nhiều.

Chúng tôi cố gắng tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng tại Wake It Up, nơi không bị bó hẹp bởi các quy định cứng ngắc, thay vào đó bạn được tự do lựa chọn team và công việc mà mình thích.

Một nửa thời gian chúng tôi dành cho các cuộc thảo luận và phiên làm việc nhóm thay vì mỗi người với màn hình máy tính của mình. Đó là cách mà chúng tôi đang cố gắng để thu hút và giữ chân những người giỏi.

Nhân tài Đất Việt 2016 năm nay có ý nghĩa đặc biệt,Tập đoàn VNPT sẽ đồng hành cùng các startup. Là diễn giả của Hội thảo bên lề sự kiện Nhân tài Đất Việt 2016 và cũng là startup, nếu nhận được tài trợ, theo Minh, các startup sẽ cần hỗ trợ những vấn đề gì đầu tiên và cách hỗ trợ như thế nào là hợp lý nhất?

  Đức Minh: Tài chính luôn là nỗi lo hàng đầu của các startup, đó là điều chắc chắn. Tuy vậy, đội ngũ lãnh đạo của các startup, phần lớn đều không có chuyên môn và được đào tạo về quản lý, thế nên tôi cho rằng việc cung cấp các tư vấn, đào tạo về kỹ năng quản lý và chiến lược phát triển là rất cần thiết đối với các startup.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc hỗ trợ cơ sở hạ tầng như văn phòng hay máy chủ, đường truyền cũng là cách hữu hiệu để hỗ trợ sự phát triển của các startup Việt Nam.

-Với riêng bạn, Nhân tài Đất Việt 2016 với chủ đề chính năm nay là Startup có ý nghĩa như thế nào với các bạn trẻ trên con đường khởi nghiệp ?

Đức Minh: Người thầy dạy tin học đầu tiên của tôi là anh Nguyễn Hòa Bình, người từng đoạt giải tại Giải thưởng Nhân tài Đất Việt nay cũng đã rất thành công với chodientu.vn và công ty Peacesoft. Wake It Up cũng là một startup trưởng thành qua các cuộc thi, vì thế cá nhân tôi rất vui mừng khi thấy Nhân tài Đất Việt 2016 chọn chủ đề chính là startup.

Cảm ơn Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, cảm ơn Tập đoàn VNPT, cũng như các nhà tài trợ đã quan tâm và đầu tư cho các startup Việt Nam. 

PV: Xin cảm ơn Đức Minh!

Hải Hà (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc