Đã tới thời điểm thương mại hóa 4G tại Việt Nam

17:57, 23/09/2016
|

(VnMedia) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã xem xét để chính thức cấp phép cho 3 nhà mạng là VNPT/VinaPhone, MobiFone và Viettel trên băng tần 1800 MHz trong thời gian sớm nhất. Sau đó, giá băng tần 2.6 GHz sẽ được Bộ cho đấu giá.

Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, theo chỉ đạo của Bộ TT&TT thì 3 nhà mạng là VNPT/VinaPhone, MobiFone và Viettel được cấp phép 4G trên băng tần 1800 MHz. Đây là băng tần mà 3 nhà mạng này đã được Bộ TT&TT cấp phép trước đây cho 2G. Còn với băng tần 2.6 GHz sẽ được đáu giá trong năm 2017.

Tại hội thảo 4G LTE 2016 được tổ chức mới đây tại Hà Nội, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, Bộ TT&TT sẽ quản lý theo hướng trung lập về công nghệ. Bộ TT&TT chỉ cấp băng tần cho các doanh nghiệp nhưng dùng băng tần đó cho công nghệ nào như 3G, 4G, 5G… do nhà mạng tự quyết định. Bộ TT&TT không quy định cụ thể băng tần đó dùng cho công nghệ nào.


Đầu năm 2016, các doanh nghiệp VNPT/VinaPhone, MobiFone và Viettel đều đã cung cấp thử nghiệm dịch vụ công nghệ 4G. Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT, kết quả thử nghiệm 4G của VNPT tại Phú Quốc và TP Hồ Chí Minh cho thấy đã cung cấp được tốc độ truyền dẫn ngang với dịch vụ cáp quang hiện nay mà các nhà cung cấp đem tới cho khách hàng.

Còn ông Lương Mạnh Hoàng, Chủ tịch Tổng Công ty VNPT-VinaPhone chia sẻ: “4G là công nghệ hứa hẹn tạo ra những bước đột phá mới về dịch vụ viễn thông và CNTT. Bên cạnh những trải nghiệm khác biệt đối với người sử dụng, 4G còn là điều kiện phát triển các ứng dụng, giải pháp cho doanh nghiệp, chính quyền trong một giai đoạn "Internet kết nối mọi thứ - Internet of Things". Chúng tôi đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và đầu tư bài bản cả về mạng lưới và dịch vụ 4G, tiến tới sẽ là nhà mạng tích cực triển khai nhanh chóng và hiệu quả dịch vụ 4G tại Việt Nam”.

Bên cạnh việc phát triển hạ tầng mạng 4G, VNPT cũng đã đầu tư cho việc phát triển những công nghệ IoT chạy trên nền tảng 4G LTE hiện đại nhất. Tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2016 tổ chức ngày 18/8/2016 tại Hà Nội, VNPT Technology - doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn VNPT đã trình diễn

Với chủ đề Phát triển tiềm năng 4G LTE hướng tới kỷ nguyên kết nối vạn vật, sự phát triển của 4G LTE đóng một vai trò quan trọng trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến hết quý I/2016, số lượng thuê bao 4G LTE đạt 1,29 tỷ với bình quân 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày được các nhà mạng khai thác.

Hiện tại, trên thế giới đã có 503 mạng 4G LTE được thương mại hóa tại 167 quốc gia tính đến tháng 5/2016 (theo thống kê từ GSA). Tại Việt Nam, đầu năm 2016, Chương trình phát triển băng rộng quốc gia đến 2020 đã được Thủ tưởng Chính phủ Việt Nam phê duyệt và ban hành với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng được hạ tầng băng rộng có thể phủ sóng 3G/4G đến 95% dân số vào năm 2020.

Được biết, song hành cùng xu hướng phát triển và triển khai 4G LTE tại Việt Nam, VNPT Technology những năm qua gấp rút nghiên cứu và phát triển nền tảng IOT Smart Connected Platform (SCP). SCP là một nền tảng mở và duy nhất kết nối vạn vật cung cấp dịch vụ End - to - End. Với SCP và bộ giao diện lập trình ứng dụng (API) mở được VNPT Technology cung cấp, các nhà phát triển ứng dụng có thể chủ động phát triển ứng dụng trong mọi lĩnh vực chạy trên các thiết bị đã chứng thực.

Trên nền tảng 4G LTE được Chính phủ Việt Nam chú trọng đầu tư trong tương lại, nền tảng SCP hứa hẹn thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng 4G LTE với nhiều tiện ích ứng dụng trong đời sống trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Với những ưu điểm vượt trội: Smart Connected Platform (SCP) đóng vai trò như một nền tảng chung và duy nhất định hướng phát triển ứng dụng và cung cấp dịch vụ; ứng dụng cho nhiều lĩnh vực; hỗ trợ kết nối nhiều loại thiết bị từ các nhà cung cấp khác nhau; tạo môi trường phát triển thuận tiện và linh hoạt cho các nhà phát triển; kiến trúc chuẩn hóa, khả năng mở rộng, khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng: Nhà mạng viễn thông, doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ, nhà cung cấp dịch vụ, nội dung và cá nhân có nhu cầu kết nối giám sát tài sản, thiết bị.

Bên cạnh việc giới thiệu Smart Connected Platform (SCP), trên nền tảng sẵn có, VNPT Technology cũng giới thiệu tại khu triển lãm các mô hình SCP phát triển riêng cho một số ứng dụng thuộc các lĩnh vực: Quản lý trong giao thông vận tải, trong nông nghiệp, môi trường, ngôi nhà thông minh, theo dõi và chăm sóc sức khỏe trong y tế, vận hành và giám sát trong nhà máy… Cùng với việc phát triển 4G LTE, những ứng dụng, tiện ích này cùng với nền tảng IOT được dự báo sẽ là những công nghệ nổi bật trong tương lai.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc