"Cha đẻ" của Bkozone nói gì về máy ozone?

08:11, 18/09/2016
|
Là “cha đẻ” của nhãn hiệu BK ozone, GS Nguyễn Hoàng Nghị - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý kỹ thuật, trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội cho rằng máy sục ozone biết sử dụng sẽ rất tốt.

- Thưa GS Nguyễn Hoàng Nghị, máy sục ozone là sản phẩm của ông cùng với các cộng sự của mình nghiên cứu đã nhiều năm, xin ông chia sẻ ý tưởng sản xuất ra máy khử trùng ozone?

GS Nguyễn Hoàng Nghị: Tôi là nhà vật lý và tôi nghiên cứu chủ yếu là vật lý vô định hình và nano tinh thể nhưng các sản phẩm nghiên cứu chỉ dùng trong quốc phòng được chuyển giao công nghệ cho Nhà máy quốc phòng M1 (Bộ Quốc phòng) để sản xuất các khí tài quân sự. Trong các công trình nghiên cứu của mình, tôi và cộng sự đã áp dụng vật lý vô định hình vào dân sinh đó là công nghệ máy hàn tần số và máy ozone, trong gói chuyển giao này nhà máy M1 đã tiến hành luôn để sản xuất thử máy ozone và từ năm 2005 máy ozone đã được bán ra thị trường được rất nhiều người quan tâm.
Giáo sư Nguyễn Hoàng Nghị
Giáo sư Nguyễn Hoàng Nghị
 
Khác với máy ozone khác, máy ozone do Viện Vật lý Kỹ thuật lúc đó nghiên cứu được làm trên vật lý vô định hình chứ không phải vật liệu ferit như những máy ozone khác. 
 
Sau đó được biết khoảng năm 2005 nhà máy M1 có hợp tác với công ty HCT để cùng sản xuất máy ozone. Mãi sau này, khoảng năm 2012, khi công ty HCT biết tôi là người nghiên cứu chính máy ozone từ vật liệu vô định hình họ đã tìm đến tôi để mời cộng tác. Tôi đã có với công ty này một bản hợp đồng nhưng đây là bản hợp đồng phát triển công nghệ (không phải chuyển giao công nghệ) vì HCT đã sản xuất từ năm 2004.
 
Nhãn hiệu BKozone do tôi đứng ra đăng ký sở hữu bản quyền với Cục sở hữu trí tuệ cùng với các đề tài nghiên cứu khoa học khác là vô định hình, công nghệ nano, CMI và GMI. Sau này, phía công ty HCT muốn xin tôi nhãn hiệu BKozone và tôi đồng ý nhưng không phải là độc quyền của HCT mà tôi yêu cầu ngay kể cả viện Vật lý Kỹ thuật cũng được dùng BKozone.
 
- Giáo sư có thể chia sẻ vì sao ông chọn máy khử trùng ozone để đưa vào sản phẩm dân sinh của mình?
 
GS Nguyễn Hoàng Nghị: Ozone, Clo và oxy là ba chất có tính oxy hoá mạnh trong đó có ozone khả năng oxy hoá rất cao. Người ta chọn ozone vì ozone có nhiều tính ưu việt hơn Clo.
 
O3 cũng là chất nhanh phân huỷ thành O2 trong môi trường, thời gian bán phân huỷ trong môi trường nước của O3 chỉ từ 20 – 25 phút không dư đọng lâu trong nước. O3 còn có khả năng khử màu, khử mùi, khả năng xử lý không khí. Nếu so với clo có tính chất oxy hoá thì ozone có nhiều ưu việt hơn. 
 
Nguyên tắc hoạt động của máy ozone đó là tạo ra các tia sét nhân tạo để phá vỡ oxy thành O1 và O1. Sau đó, các nguyên tử O1 kết hợp với O2 trong không khí tạo thành O3 (ozone). Nhờ khả năng oxy hoá cực mạnh của ozone có thể thể phá huỷ các cấu trúc vi khuẩn, tôi gọi là quá trình khoáng khoa, đối với các hoá chất cũng thế.
 
- Theo ông, máy sục ozone có khả năng đánh bật 99% hoá chất, vi khuẩn không?
 
GS Nguyễn Hoàng Nghị: Con số 99% không thể nói lên điều gì. Nếu chúng ta chỉ có 100 con khuẩn ecoli thì diệt 99% đã là tốt nhưng trong trường hợp có cả triệu con thì 99% đó vẫn còn chưa đủ sạch.
 
Mặt khác, quảng cáo 99% ozone có thể phá huỷ các hoá chất bảo vệ thực vật, hoá chất bảo quản, tôi nghĩ đó không phảo là 99% các loại hoá chất mà nó có thể giảm độc tới 99% trên hoá chất nào đó. Vì thế, con số này không thể nói lên được.
 
- Hiện nay ở Việt Nam chưa có quy chuẩn ngưỡng ozone an toàn mà chỉ “mượn” các chỉ số ozone an toàn của nước Mỹ, vậy theo ông việc sử dụng máy ozone có ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng nó không?
 
GS Nguyễn Hoàng Nghị: Máy khử trùng ozone hay bất cứ thứ gì ví dụ như thuốc chẳng hạn, nếu ta dùng không đúng nó sẽ như con dao hai lưỡi. Chính vì thế, tôi luôn nhấn mạnh phải sử dụng đúng để phát huy tác dụng của nó. Dùng quá ít cũng không tốt mà quá nhiều cũng không tốt. Tất nhiên giới hạn này cũng từng trường hợp cụ thể.
 
Theo quy định của Mỹ, ngưỡng an toàn 0,1 ppm không khí với thời gian là 8h. Tuy nhiên đại bộ phận máy ozone gia dụng có công suất nhỏ vài tram miligam ozone/giờ. Lượng ozone này chủ yếu được sục vào nước để rửa rau quả trong thời gian tương đối ngắn 10 – 20 phút. Một phần lớn ozone hoà tan vào nước và tự phân huỷ khoảng 30 phút lượng ozone thoát ra trong không khí chỉ 20 – 30% nếu nhà bếp rộng 10 mét vuông thì trong thời gian máy ozone hoạt động lượng ozone trong không khí không thể đạt được ngưỡng 0,1 ppm. 
 
Người bình thường cảm nhận được khí ozone với nồng độ 0,1 ppm nhỏ hơn ngưỡng cho phép gấp 10 lần nên cảm thấy mùi ozone trong thời gian ngắn như thế cũng không sao, nếu cẩn thận có thể tạm tắt máy và mở cửa sổ. 
 
Còn về NO2, trong máy ozone thông thường người ta dùng cao áp không quá 7 kv, cao áp này tạo ra điện trường đủ để phá huỷ nguyên tử O2 để tạo ra O3 trong khi đó năng lượng liên kết của nguyên tử nitơ lớn gấp đôi oxy với điện trường đó không thể phá huỷ được, nguyên tử nitơ khó tạo ra được NO2 do đó nồng độ khí NO2 đồng hành cùng với O3 là rất ít. Trong khi đó ngưỡng cho phép của NO2 lại rất lớn, từ 25 đến 50 ppm cao gấp hàng trăm lần khí O3, thấp hơn nhiều so với quy định cho phép nên người dân không lo ảnh hưởng đến sức khoẻ. 
 
Xin cảm ơn Giáo sư!
 
Theo Phương Thúy (Infonet)

Ý kiến bạn đọc