(VnMedia)
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Trong một khoảng thời gian ngắn, VNPT đã thực hiện tái cấu trúc một cách toàn diện và bước đầu đạt những kết quả khả quan.
Sáng nay (4/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và làm việc với Lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tại trụ sở 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội. Cùng tới thăm và làm việc còn có lãnh đạo các Bộ, Ngành: ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương; ông Trương Minh Tuấn - Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT; ông Trần Văn Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tài chính; đại diện nhiều Bộ, Ngành và Văn phòng Chính phủ…
Tăng trưởng vượt bậc sau tái cấu trúc
Đại diện Tập đoàn VNPT, Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên đã báo cáo Thủ tướng các kết quả đạt được sau quá trình tái cơ cấu. Theo đó doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước và thu nhập của người lao động của VNPT đều tăng so với trước khi tái cấu trúc. Cụ thể:
Tổng doanh thu hợp nhất giai đoạn 2011-2015 đạt 213.165 tỷ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,7%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 15,7%/năm). Tổng lợi nhuận đạt 34.091 tỷ đồng, đạt 92,1% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,7%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 - giai đoạn trọng điểm tái cơ cấu VNPT - lợi nhuận tăng trưởng bình quân 16%/năm). Tổng lợi nhuận hợp nhất giai đoạn 2011-2015 đạt 12.240 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,1%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 17,9%/năm).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn VNPT. Ảnh: Ngọc Ninh. |
VNPT đã triển khai áp dụng mô hình quản trị hiện đại của các doanh nghiệp VT - CNTT quốc tế; Xây dựng hệ thống chức danh, khung năng lực và mô tả công việc và hệ thống công cụ phần mềm quản lý; Tăng cường nhân lực lao động trực tiếp, tinh giản lực lượng cán bộ quản lý. Sau hai năm, lực lượng kinh doanh của VNPT hiện đã chiếm khoảng gần 40% nhân lực toàn Tập đoàn, tăng gấp gần 4 lần so với trước khi tái cấu trúc. Tương ứng với đó, tỷ lệ lao động gián tiếp cũng được giảm xuống. Đặc biệt số lượng lao động quản lý đã giảm xuống chỉ còn một nửa, thậm chí có những đơn vị xuống chỉ còn 1/3 so với trước đây...
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn một lần nữa khẳng định hiện VNPT đã cơ bản hoàn thành các nội dung của đề án tái cơ cấu và đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Hiện VNPT đã tự sản xuất được toàn bộ các thiết bị đầu cuối khách hàng như modem ADSL, wifi, set top box, điện thoại di động…, giúp giảm sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài và tăng cường an toàn thông tin trên mạng. Bộ đánh giá cao nỗ lực của VNPT và đề nghị VNPT tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.
Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương thì lại đánh giá cao việc VNPT thực hiện tái cấu trúc một cách toàn diện mà vẫn ổn định tư tưởng CBCNV. Trước tái cơ cấu VNPT nằm trong nhóm chịu rủi ro lớn, có nguy cơ giảm thị phần mạnh song những kết quả đạt được đã vượt ngoài sự mong đợi.
Chính phủ đánh giá cao kết quả tái cấu trúc của VNPT
Sau khi nghe báo cáo của VNPT và ý kiến của các Bộ, Ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành quả đạt được trong quá trình tái cấu trúc của VNPT. Trong một khoảng thời gian ngắn VNPT đã thực hiện tái cấu trúc một cách toàn diện và bước đầu đạt những kết quả khả quan.
Kết quả này có được là nhờ sự quyết tâm của các cơ quan Đảng, của lãnh đạo và của toàn bộ CBCVN VNPT. Thủ tướng rất ấn tượng với việc VNPT áp dụng CNTT vào quá trình tái cấu trúc như việc đưa vào triển khai mô hình quản trị doanh nghiệp ETOM hay công cụ Thẻ điểm cân bằng (BSC).
Thủ tướng nhấn mạnh, viễn thông là một ngành mũi nhọn có vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Hạ tầng viễn thông mà VNPT đang quản lý là một trong 10 hạ tầng viễn thông hiện đại nhất trên thế giới. Thủ tướng kỳ vọng VNPT sẽ phát huy tốt hơn nữa thế mạnh này.
PV
Ý kiến bạn đọc