Sức mạnh của Internet di động tại Việt Nam

07:04, 27/08/2016
|
(VnMedia) - Theo báo cáo mới được Google công bố, Internet di động đã tạo ra gần 140.000 việc làm và đóng góp vào GDP của Việt Nam khoảng 3,7 tỷ USD trong giai đoạn từ 2010 - 2015. Trong 5 năm tới, dự báo nó sẽ tiếp tục tạo ra 146.000 việc làm và đóng góp khoảng 5,1 tỷ USD vào GDP.
 
Đóng góp vào GDP còn nhiều hơn một số lĩnh vực trọng điểm
 
Cụ thể, được xếp ở nhóm có mức thu nhập bình quân đầu người trung bình thấp song mức thâm nhập internet di động của Việt Nam lại cao hơn so với mức trung bình của nhóm các quốc gia này. Theo số liệu trong báo cáo, tính tới hết năm 2014, mức thâm nhập internet di động của Việt Nam đã vào khoảng 31%. 
 
Việc có tỷ lệ thâm nhập internet di động cao đã có những tác động tích cực tới sự phát triển chung của kinh tế xã hội, giúp tạo ra gần 140.000 việc làm và đóng góp vào GDP của Việt Nam khoảng 3,7 tỷ USD trong giai đoạn từ 2010 - 2015. Mức đóng góp vào GDP còn cao hơn cả đóng góp của các dịch vụ tài chính, Xây dựng, Giao thông…
 
Theo số liệu thống kê của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), tính tới hết tháng 6/2016, Việt Nam có khoảng gần 41 triệu thuê bao 3G có phát sinh lưu lượng, tương ứng với mức thâm nhập internet di động đạt hơn 45%. Dự báo trong vòng 5 năm tới internet di động tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, gần như song song với tốc độ tăng trưởng trung bình của cả khu vực. Mức thâm nhập internet di động vào năm 2020 ước tính sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay - vào khoảng gần 80% tổng dân số cả nước. Với việc đại đa số người dân tiếp cận với internet di động, lĩnh vực này sẽ đóng góp khoảng 5,1 tỷ USD vào GDP và tạo thêm gần 150.000 việc làm cho người lao động.
Số tiền mà internet di động đem lại cho kinh tế Việt Nam theo tính toán có thể đủ để xây dựng hơn 860 km đường cao tốc hai làn mới, triển khai các chương trình tiêm chủng thường xuyên trong suốt 20 năm hoặc hỗ trợ giáo dục tiểu học cho hơn 100.000 trẻ em.
 
Đây là một phần trong báo cáo về tác động của Internet di động đối với sự phát triển kinh tế xã hội của các nước trong khu vực ASEAN trong giai đoạn 2020 - 2015 do Google hợp tác với Oford Economic thực hiện. Theo đó mức thâm nhập internet di động của khu vực ASEAN vẫn đang nằm dưới mức trung bình của thế giới. Từ năm 2012 đến nay, khoảng cách này đã có sự rút ngắn đáng kể và có xu hướng tiếp tục tiến sát hơn tới mức trung bình của thế giới.
 
Tác động của internet di động đối với sự phát triển kinh tế xã hội thể hiện rõ nhất ở hai chỉ số: Hỗ trợ kinh doanh hiệu quả hơn, đem lại năng suất cao hơn, đóng góp vào sự tăng trưởng GDP và tạo ra việc làm cho người lao động.
 
Cụ thể, trong vòng 5 năm, internet di động đã thúc đẩy GDP của các nước trong khối ASEAN tăng thêm 47,2 tỷ USD và tạo ra 900.000 công việc. Dự báo trong 5 năm tới (2016 - 2020), internet di động tiếp tục đóng góp vào GDP khoảng 58,1 tỷ USD. 
Internet di động dự kiến đem lại 58 tỷ USD và 1 triệu việc làm cho các nước trong khu vực ASEAN
Internet di động dự kiến đem lại 58 tỷ USD và 1 triệu việc làm cho các nước trong khu vực ASEAN
Mức đóng góp này chỉ đứng sau 5 lĩnh vực lớn là sản xuất, phân phối, xây dựng, dịch vụ công và Nông nghiệp. Trong giai đoạn này, internet di động dự báo sẽ đem lại khoảng 1 triệu việc làm cho khu vực. Sự gia tăng trong nguồn ngân thu ngân sách sẽ giúp tăng cơ hội đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng trong xã hội. 
 
Việt Nam đã và đang làm gì để thúc đẩy internet di động?
 
Báo cáo đã đưa ra những số liệu đo đếm được cụ thể tác động của internet di động đối với sự phát triển của kinh tế xã hội, một lần nữa cho thấy chiến lược đẩy mạnh phát triển cho băng rộng nói chung và băng rộng di động nói riêng của Việt Nam là đúng đắn. 
 
Trong suốt những năm qua, cơ quan quản lý đã tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước xây dựng và phát triển hạ tầng mạng lưới. Kết quả là Việt Nam đã hình thành được một mạng lưới băng rộng di động phủ sóng rộng khắp, wifi trở nên phổ biến ở khắp mọi nơi, từ công sở tới các địa điểm công cộng, thậm chí là cả quán… trà đá.
 
Nhận thức được tầm quan trọng của băng rộng di động đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đầu năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Kế hoạch phát triển băng rộng giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó đặt ra các mục tiêu: biến hạ tầng viễn thông trở thành nền tảng phát triển kinh tế chung; xây dựng và mở rộng hạ tầng băng rộng hiện đại đạt tốc độ truy cập cao, đáp ứng nhu cầu về dung lượng đang ngày càng tăng lên của người dùng, đồng thời mở rộng vùng phủ sóng; cung cấp các dịch vụ băng rộng chất lượng cao phù hợp và giá thành thấp; tập trung phát triển các nền tảng ứng dụng, đa dạng hóa dịch vụ như e-Government, e-Commerce, e-Banking, e-Learning, e-Health/Telemedicine…
 
Riêng với băng rộng di động, các nhà mạng gần như đã hoàn thành việc thử nghiệm mạng 4G và những việc cần thiết đang được nhanh chóng hoàn thiện để có thể cấp phép triển khai 4G vào quý 4 năm nay. Có thể ngay trong năm 2017, thuê bao di động sẽ được trải nghiệm internet di động tốc độ cực cao trên nền 4G. Dù có thể so với nhiều quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam có phần đi sau trong việc triển khai 4G song thời điểm này thực sự phù hợp với tình hình phát triển thực tế.
Hiện cả ba nhà mạng lớn VinaPhone, Viettel và MobiFone đều đã thử nghiệm 4G
Hiện cả ba nhà mạng lớn VinaPhone, Viettel và MobiFone đều đã thử nghiệm mạng 4G LTE
Với những động thái tích cực từ phía các nhà cung cấp dịch vụ và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, internet di động có thể sẽ còn đem lại nhiều lợi ích hơn cho sự phát triển chung của kinh tế xã hội Việt Nam so với con số trong dự báo.
 
Hoàng Vũ

Ý kiến bạn đọc