(VnMedia) - Đây là một trong số những ứng dụng của phần mềm Autodesk trong thực tế đời sống mà không phải ai cũng biết, vừa được ông Phan Trung Hiếu, Giám đốc Quốc gia của Autodesk tại Việt Nam và Campuchia chia sẻ mới đây.
Tòa nhà 57 tầng được xây trong chỉ 19 ngày
Việc xây dựng một tòa nhà 57 tầng chỉ trong 19 ngày là điều không tưởng, và cũng chưa từng xảy ra trước đây. Đó là những gì mà Ủy ban Xây dựng Bền Vững (BSB) tại Trung Quốc đã làm. Được xây dựng với tiến độ ba tầng mỗi ngày, tòa tháp bao gồm 800 căn hộ, 19 hội trường, và không gian làm việc cho 4.000 người. Phương tiện sản xuất vật chất đang thay đổi khi cách tiếp cận tới các phương pháp sản xuất phức tạp và ngoại vi trở nên dễ dàng hơn, giúp giảm chi phí và nâng cao chất lượng và giá trị.
Theo ông Phan Trung Hiếu, những kỹ thuật chế tạo mới như sản xuất phụ gia và in ấn 3D chuyên dụng trong xây dựng, và trong tương lai gần là công nghệ robot, máy ủi không người lái, công nghệ kiểm soát CNC, và thậm chí công nghệ xác minh thực địa bằng quét laser sẽ trở thành phổ biến trên các công trường xây dựng và đóng vai trò quan trọng giống như con người trong ngành xây dựng.
Trao gửi “chìa khóa vào xưởng sản xuất đồ chơi
Hiện nay, các nhà sản xuất đồ chơi không còn sản xuất đồ chơi đại trà, mà tập trung vào sản xuất theo quy mô nhỏ để đổi mới mẫu mã liên tục và tạo sự đồng nhất. Một trong những hàng sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới là Mattel (công ty sở hữu hai thương hiệu đồ chơi hàng đầu là Barbie và Hot wheels) đã hợp tác với Autodesk để đưa ra ứng dụng thiết kế ThingMaker trên hệ điều hành iOS và Android và máy in 3D ThingMaker, giúp các thành viên trong gia đình, kể cả trẻ em, có thể thiết kế và sản xuất đồ chơi ngay tại nhà sử dụng công nghệ in 3D.
Thông qua ứng dụng ThingMaker, các gia đình có thể dễ dàng làm theo các mẫu hướng dẫn có sẵn, hoặc thậm chí tự ý sáng tác theo trí tưởng tượng của họ và tạo ra một sản phẩm đồ chơi từ hàng trăm bộ phận. Khi những ý tưởng đã sẵn sàng, các mẫu thiết kế sẽ được đưa trực tiếp vào máy in 3D ThingMaker để in ra theo các khối có thể dễ dàng lắp ghép với nhau bằng các khớp. Đối với Autodesk, mục tiêu trong việc hợp tác với Mattel nhằm thúc đẩy ranh giới của các loại đồ chơi giàu trí tưởng tượng thông qua sự gắn kết giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số. Ứng dụng thiết kế và máy in 3D ThingMaker dự kiến thương mại hóa vào mùa thu năm nay.
Hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật
Những người có những khiếm khuyết trên cơ thể như mất cánh tay, mất chân và đòi hỏi phải sử dụng cánh tay giả, chân giả trong cuộc sống hàng ngày. Hiện nay, những người có nhu cầu thường phải trả mức giá vài ngàn đô la, thậm chí vài trăm ngàn đô la cho những bộ phận có chức năng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể phù hợp với những người có khả năng chi trả và là người đã trưởng thành, bởi cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh, nên kích thước của các bộ phận thay thế đã được cố định. Ở trẻ em, nếu ở giai đoạn này đòi hỏi một bộ phận thay thế, thì khi lớn lên sẽ đòi hỏi một bộ phận mới có kích thước lớn hơn. Việc đòi hỏi thay đổi nhự vậy hoàn toàn không thực tế đối với quá trình thiết kế, cũng như chi phí phải trả.
Ông Phan Trung Hiếu cho biết, Autodesk đã phát triển dự án E-nable, trong đó kêu gọi sự đóng góp thiện nguyện từ cộng đồng và các nhà thiết kế. Trong dự án này, các nhà thiết kế sử dụng phần mềm thiết kế Fusion 360 để thiết kế các module cho các bộ phận thay thế như tay chân giả cho trẻ em, với chi phí cho nguyên liệu rất thấp và hoàn toàn có thể thay thế mới khi kích thước thay đổi. Giá thành cho các bộ phận này chỉ từ USD 30 đến 50 và chỉ mất ba ngày để được in ra bằng máy in 3D. Hiện tại đã có 1,500 trẻ em được hưởng lợi từ chương trình nay.
Hợp tác với Airbus để in máy bay bằng 3D trong trương lai
Một trong những dự án nổi bật về in 3D, tập đoàn Airbus - nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới, đã phối hợp với Autodesk để tạo ra các vách ngăn trong cabin máy bay lớn nhất thế giới được sản xuất bằng cồng nghệ in 3D. Các vách ngăn này là một bức tường ngăn cách giữa khoang ghế ngồi của hành khách và khoang bếp của máy bay và giữ phần ghế cho đội ngũ tiếp viên.
Trong quá trình thiết kế, các chuyên gia đã sử dụng phần mềm Autodesk Dreamcatcher tạo ra một cấu trúc mạnh mẽ hơn, với trọng lượng nhẹ hơn so với quy trình truyền thống.. Trong ngành hàng không, giảm được khối lượng của máy bay đồng nghĩa là giảm nhiên liệu sử dụng. Được thiết kế trong một hình dạng vi mạng kim loại (micro-lattice) trọng lượng nhẹ nhưng cấu trúc mạnh mẽ, vách ngăn mới của Airbus nhẹ hơn 45 phần trăm (tương đương 30 kg) so với thiết kế hiện tại. Khi áp dụng cho toàn bộ cabin và cho những đơn hàng đang sản xuất hiện tại của dòng máy bay A320, Airbus ước tính rằng phương pháp thiết kế mới có thể tiết kiệm lên tới 465.000 tấn khí thải C02 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải của 96.000 xe hơi mỗi năm.
Chuyển tín hiệu Kỹ thuật số bằng ảnh quét 3D cho tàu không gian Apollo 11
Từ trước đến nay, chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng tàu vũ trụ Apollo 11 tại viện bảo tàng, sau khi nó hoàn tất chuyến đi tới mặt trăng vào năm 1969. Giờ đây sau 46 năm, chúng ta đã hoàn toàn có thể tiếp cận và nghiên cứu tàu Apollo 11 một cách thực tế nhất dưới dạng mô hình 3D thông qua công cụ Autodesk ReCap 360. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng ReCap 360 để chụp ảnh và quét laser toàn bộ không gian bên trong và bên ngoài của tàu Apollo 11 ở mức độ rất chi tiết, sau đó tạo ra một mô hình 3D kỹ thuật số. Mô hình 3D này được chia sẻ miễn phí trên Internet cho những ai thực sự muốn tìm hiểu về tàu Apollo 11. Những người quan tâm thâm chị có thể in 3D mô hình này để sử dụng như một mô hình bản sao thu nhỏ.
Hỗ trợ bảo tồn san hô bằng phương pháp kỹ thuật số
Những rặng san hô là đề tài thu hút các nhà khoa học nghiên cứu , khi quá trình biển đối khí hậu đang làm thay đổi hệ sinh thái dưới lòng đại dương. Theo các phương pháp truyền thống, các nhà nghiên cứu sẽ phải lặn xuống để tiến hành đo đạc liên tục để quan sát sự các rặng san hô, sau đó vẽ lại để tổng hợp. Phương pháp này gây rất nhiều khó khăn cho việc nghiên cứu. Giờ đây, việc nghiên cứu đã trở nên dễ dàng hơn với dự án Hydrous của Autodesk, cho phép ghi nhận toàn bộ bề mặt của rặng san hô, và chuyển thành dạng có thể tương tác được trên máy tính, thông qua phần mềm Recap 360 và Memento – phần mêm có chức năng như nặn tượng.
Giúp tạo ra ôtô đầu tiên trên thế giới có hệ thần kinh
Việc tạo ra xe hơi tự động đã trở thành hiện thực, nhưng xe hơi có hệ thần kinh và trí tuệ nhân tạo là khái niệm hoàn toàn mới. Tại Autodesk, một dự án đã tạo ra một chiếc xe chỉ gồm các khung sườn và bánh xe, trên đó đặt rất nhiều bộ cảm biến. Chiếc xe này sau đó được đưa vào chạy thử nghiệm trên sa mạc tại California. Trong quá trình vận hành, mỗi động tác của chiếc xe như rẽ, va chạm… được các bộ cảm biến ghi lại và tổng hợp thành thông tin. Tập hợp của hàng tỉ thông tin sau mỗi lần thay đổi vận hành hoặc va chạm được đưa vào xử lý trong phần mềm Autodesk Dreamcatcher để phân tích nhằm tối đa hóa khả năng vận hành và hiệu quả, từ đó đưa ra các phương án thay đổi thiết kế tốt hơn và thông minh hơn. Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về sự thành công của dự án này tuy nhiên đây là một sự sáng tạo rất đáng được phát triển, trong thời đại của Dữ liệu lớn (Big Data).
Đem kỹ thuật tán xạ ánh sáng 3D vào thế giới thực
Autodesk và Microsoft đã hợp tác trong một dự án tích hợp công nghệ HoloLens và phần mềm Fusion 360 cho việc hợp tác phát triển sản phẩm. Trong dự án này, một kỹ sư cơ khí và một chuyên gia thiết kế công nghiệp có thể làm việc với nhau trong môi trường ba chiều để giải quyết nhiều vấn đề về thiết kế hơn so với phương pháp làm việc thông thường. Sự kết hợp của Hololens và Fusion 360 giúp các chuyên gia thiết kế có thể xem được các nội dung 3D độ nét cao, ở kích thước thực tế và quy mô tương đối so với quy mô thực thế. Ông Hiếu cho biết, giải pháp này cũng cho phép những người không phải chuyên gia thiết kế đưa ra các ý kiến phản hồi dễ dàng và nhanh chóng.
Ý kiến bạn đọc