Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện đã thay đổi tích cực đời sống người dân Việt

15:06, 18/03/2016
|

(VnMedia) - Phát biểu khai mạc Hội nghị sơ kết đánh giá thi hành Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức sáng nay, 18/3, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã đánh giá, kể từ khi hai Luật có hiệu lực đến nay đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng viễn thông, rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, làm thay đổi đời sống của người dân và xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển mạnh...

Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII ban hành ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện ra đời được đánh giá đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng, nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành viễn thông, phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải, vệ tinh, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện là hai văn bản quan trọng nhất, quyết định đến sự phát triển của ngành Viễn thông. Kể từ khi hai Luật có hiệu lực đã thúc đẩy hạ tầng viễn thông phát triển mạnh mẽ rộng khắp đến tận vùng sâu vùng sa với công nghệ tiên tiến hiện đại. Mọi thành phần kinh tế được đầu tư thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông một cách bình đẳng, tạo nên một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, minh bạch.

Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet đã được đầu tư mạnh mẽ, phát triển mạnh và hoạt động ổn định. Số lượng thuê bao viễn thông di động, Internet băng rộng, đặc biệt là số lượng thuê bao di động băng rộng (3G) của Việt Nam đã tăng nhanh. Số liệu thống kê tính đến tháng 12/2015 ch thấy đã có 7,7 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định, 35,8 triệu thuê bao 3G, đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân. Thông tin di động băng hẹp đã phủ sóng cả nước, vùng phủ sóng thông tin băng rộng ngày càng được mở rộng nhờ việc sử dụng công nghệ mới trên băng tần 900MHz và tăng số lượng các trạm phát sóng vô tuyến điện đã cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ di động băng rộng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội nghị sáng nay, 18/3.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc Hội nghị sáng nay, 18/3.

(ảnh: mic.gov.vn)

Trong lĩnh vực phát thanh truyền hình, những quy định của Luật Tần số Vô tuyến điện và Luật Viễn thông đã mở đường cho việc hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình, tạo điều kiện cho việc đẩy nhanh số hoá truyền hình ở Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần và giải phóng băng tần dành cho thông tin di động băng rộng. Ngoài ra, hàng năm, số lượng bộ đàm thông tin vô tuyến điện dùng ở các sân bay, taxi, bảo vệ, xây dựng, siêu thị, nhà hàng đều tăng nhanh chóng, trung bình từ 15 - 20%/năm. Cả nước đã có 22 cảng hàng không nội địa và quốc tế được trang bị hệ thống thiết bị vô tuyến điện hạ cánh chính xác ILS, với gần 200 đài vô tuyến dẫn đường hàng không để bảo đảm an toàn cho các chuyến bay.

Về hàng hải, 1880 đài tàu biển đã được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc bảo đảm an toàn hàng hải toàn cầu, 10.873 tàu cá xa bờ đã sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF để liên lạc và nhận thông tin từ bờ, bảo đảm an toàn cho ngư dân khi khai thác trên biển.

Khẳng định Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện là hai văn bản quan trọng nhất và quyết định đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, trong 5 năm qua, Viễn thông, Internet tại Việt Nam từ một dịch vụ cao cấp đã trở thành một dịch vụ bình dân, phổ biến trong mọi gia đình, công sở, trường học; từ một dịch vụ bổ sung trở thành một dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải khẳng định, Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện đã tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế đều được tham gia đầu tư thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử. Số lượng các doanh nghiệp viễn thông, Internet tăng nhanh đã tạo nên một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất thế giới đều được áp dụng triển khai vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là thông tin vô tuyến di động băng rộng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngày càng phát triển ổn định và giữ vững thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế, trong đó nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời với chất lượng tốt, giá cước linh hoạt đã đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.

Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, kể từ năm 2010, khi Luật Tần số Vô tuyến điện được ban hành, việc quản lý, phân bổ, tài nguyên viễn thông, đặc biệt là tài nguyên tần số vô tuyến điện được triển khai bài bản, chuyên nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, công tác quản lý tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh đã được tăng cường giúp hài hòa nhu cầu sử dụng phổ tần giữa dân sự và quốc phòng an ninh. Ngoài ra, hoạt động bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh được chú trọng và đã mang lại nhiều thành công, đảm bảo truyền dẫn thông suốt, an toàn thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Chính phủ.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng nhấn mạnh, trải qua quá trình 5 năm thực thi áp dụng, với sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện đã đạt được các mục tiêu đề ra khi xây dựng văn bản. Tuy nhiên, thị trường viễn thông vẫn còn tồn tại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, xuất hiện các nguy cơ tổn hại tới sự phát triển bền vững của thị trường; doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển hạ tầng mạng lưới, mức độ chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông còn thấp, sự xuất hiện dịch vụ mới và ảnh hưởng đến xu thế hội tụ viễn thông và truyền thông. Các vấn đề nói trên đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý và doanh nghiệp viễn thông.

Để góp phần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ tốt hơn cho ngành Thông tin và Truyền thông phát triển, trong buổi sáng nay, Hội nghị cũng đã nghe các báo cáo tham luận với các chủ đề: Quản lý, quy hoạch sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động tại địa phương; quản lý thị trường viễn thông tại địa phương; quản lý tần số vô tuyến điện, chất lượng thiết bị vô tuyến tại địa phương; Quy hoạc, xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông, công trình viễn thông; vấn đề chủ động về công nghệ của doanh nghiệp; phối hợp quản lý và thúc đẩy cạnh tranh trong thị trường viễn thông…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã đánh giá, môi trường kinh doanh, dịch vụ, công nghệ đã có nhiều thay đổi kể từ khi các Luật trên được xây dựng và ban hành. Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng thông qua các cam kết quốc tế rất cụ thể như WTO, TPP, vì vậy cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để hoàn thiện tốt hơn trong thời gian tới. Và Hội nghị này là kênh thông tin tốt để Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ các đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý dưới luật, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo công cụ hữu hiệu để quản lý Ngành tốt hơn, cũng như thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh, quốc phòng.


Ý kiến bạn đọc