Dấu chấm hết cho "Thời đại của Trí tuệ Nhân tạo"!

16:26, 18/03/2016
|

(VnMedia) - Tại Hội thảo IBM BusinessConnect vừa được tổ chức sáng nay, 18/3, IBM Việt Nam đã chính thức giới thiệu với các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam về một kỷ nguyên thứ ba của công nghệ điện toán - đó là Kỷ nguyên của Điện toán biết nhận thức (Cognitive Computing). Điện toán biết nhận thức được coi là đặt dấu chấm hết cho “Thời đại của Trí tuệ Nhân tạo (AI)”.

Theo IBM, “Điện toán biết nhận thức” là khái niệm dùng để mô tả những hệ thống có khả năng học hỏi ở quy mô nhanh và sâu, luận giải có mục đích và tương tác với con người thông qua ngôn ngữ tự nhiên. Lần trình diễn rộng rãi đầu tiên của công nghệ Điện toán biết nhận thức là vào năm 2011, khi chiếc máy tính IBM Watson ra mắt toàn thế giới và đánh bại hai nhà vô địch nổi tiếng giới trò chơi truyền hình Mỹ Ken Jennings (74 lần vô địch liên tiếp) và Brad Rutter (lập kỷ lục về tiền thưởng lớn nhất) trong trò chơi Jeopardy!, một trong những trò chơi truyền hình hấp dẫn nhất trong lịch sử truyền hình Mỹ.

Năng lực của máy tính Watson trong việc trả lời những câu hỏi ẩn ý, phức tạp theo kiểu chơi chữ thể hiện khả năng xử lý những tập hợp dữ liệu ngày càng phức tạp và đã phát triển năng lực tìm hiểu, lý giải và học hỏi vượt xa công nghệ “giải mã”.

“Để hiểu rõ tương lai của Điện toán biết nhận thức, điều quan trọng là phải đặt nó vào trong bối cảnh lịch sử,” ông Eric Yeo, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam nói. “Từ trước đến nay, công nghệ điện toán được chia làm hai kỷ nguyên rõ rệt - Kỷ nguyên của Máy tính bìa đục lỗ (Tabulating, với đại diện là chiếc máy tính đơn giản) và Kỷ nguyên của Máy tính Lập trình được (Programming - từ máy chủ mainframe cho đến máy tính cá nhân, điện thoại thông minh và máy tính bảng đều sinh ra trong kỷ nguyên này). IBM luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của cả hai kỷ nguyên đầu, và chúng tôi tin rằng Điện toán biết nhận thức là giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn mang tính đột phá cao nhất trong lịch sử phát triển của công nghệ điện toán”.

Các hệ thống điện toán biết nhận thức sẽ giúp chúng ta hiểu được 80% lượng dữ liệu "phi cấu trúc" trong số 2.5 ngàn tỷ tỷ tỷ (quintillion) bytes dữ liệu sản sinh ra mỗi ngày từ mạng xã hội, di động, Internet của vạn vật, và từ mọi hoạt động diễn ra trên hành tinh chúng ta. Điều đó cho phép con người theo kịp khối lượng, độ phức tạp và bản chất không dự đoán được của thông tin và các hệ thống trong thế giới hiện đại. Trong 5 năm qua kể từ cuộc thi Jeopardy!, IBM Watson đã được triển khai rộng rãi trên nền tảng đám mây, được hỗ trợ bởi các năng lực công nghệ mạnh mẽ của IBM trong nhiều lĩnh vực, như phân tích dữ liệu, tiêu chuẩn mở, bảo mật cũng như các kiến thức sâu rộng về các ngành nghề.

TS. John E. Kelly III, Phó Chủ tịch cao cấp, Bộ phận Nghiên cứu và phát triển giải pháp IBM trao đổi với báo giới sáng 18/3.
Ông Robert Morris, Phó chủ tịch Bộ phận Nghiên cứu IBM Research, trao đổi với báo giới sáng 18/3.

Được biết, cho tới thời điểm này, hệ thống điện toán biết nhận thức do IBM triển khai đã có khoảng 50 ứng dụng khác nhau. Ứng dụng đầu tiên được triển khai vào năm 2011, đến năm 2012 đã có khách hàng đầu tiên. Với sự phát triển nhanh chóng của Watson, có thể hình dung khái quát về những lĩnh vực ứng dụng của Điện toán biết nhận thức.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực Y tế, Bệnh viện quốc tế The Bumrungrad International Hospital (Thái Lan) hiện đang sử dụng máy tính Watson trong lĩnh vực nghiên cứu ung thư, được phát triển cùng với Memorial Sloan Kettering (MSK), để nâng cao chất lượng chăm sóc và chữa bệnh ung thư tại trung tâm y tế Bangkok của mình cũng như công tác khám bệnh tại các phòng khám ở 16 quốc gia.

Hệ thống này giúp các bác sĩ của Bumrungrad lập phác đồ điều trị hiệu quả nhất cho các bệnh nhân ung thư căn cứ vào hồ sơ bệnh án, biểu hiện lâm sàng của từng bệnh nhân, các kết quả nghiên cứu đã công bố cũng như là kiến thức chuyên môn y tế sâu rộng của MSK. Watson phân tích những khối lượng thông tin khổng lồ và đưa ra kết luận về những khám phá liên quan đến từng trường hợp bệnh nhân, trong đó có những lựa chọn điều trị theo những hướng dẫn của Mạng lưới Ung thư Toàn diện Quốc gia (National Comprehensive Cancer Network - NCCN).

Còn trong lĩnh vực Bán lẻ, vào tháng 12/2016, Thương hiệu The North Face của Mỹ đã ra mắt một trải nghiệm mua sắm tương tác trên mạng mới, được hỗ trợ bởi máy tính IBM Watson, cho phép khách hàng sử dụng ngôn ngữ tự nhiên khi mua sắm trực tuyến thông qua một engine khuyến nghị trực quan dựa vào đối thoại được hỗ trợ bởi Fluid XPS và khách hàng sẽ nhận được những lời khuyên về những bộ quần áo phù hợp với nhu cầu của họ…


Ý kiến bạn đọc