Các đài truyền hình không được liên kết sản xuất chương trình thời sự

19:34, 14/03/2016
|

(VnMedia) - Đó là một trong số những điểm nổi bật được quy định Nghị định 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016, có hiệu lực từ ngày mai, 15/3/2016, về quản lý nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Sau 5 năm triển khai Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg ngày 24/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành "Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền", hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động truyền hình trả tiền đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu tạo hành lang pháp lý rõ ràng hơn, tạo điều kiện thúc đẩy hình thành thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền theo hướng phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh. Tính đến nay, đang có trên 30 doanh nghiệp tham gia thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đạt xấp xỉ 10 triệu thuê bao (tăng gần 7 triệu thuê bao so với năm 2011).
 
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg, một số quy định chưa đủ và chưa theo kịp sự phát triển của lĩnh vực này và do đó chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của công tác quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình. Mặt khác, hiện nay, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, vì vậy, một số tồn tại và bất cập tại Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg cần được sửa đổi, bổ sung và nâng cấp Quyết định của Thủ tướng thành Nghị định của Chính phủ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì buổi họp báo giới thiệu Nghị định 06.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn chủ trì buổi họp báo giới thiệu Nghị định 06.


Cụ thể, Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 gồm 6 Chương và 32 Điều đã thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước về dịch vụ phát thanh, truyền hình, đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 và Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Nghị định sẽ là cơ sở để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình phát triển bên vững.

Bên cạnh việc khắc phục những tồn tại, bất cập từ quyết định 20/2011/QĐ-TTg; Nghị định 06/2016/NĐ-CP còn có một số điểm mới như: Quy định bổ sung dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet để phù hợp với sự phát triển của công nghệ truyền dẫn và thực tiễn phát triển dịch vụ trong nước (Điều 4); Cấp phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền đã quy định các điều kiện, quy trình, thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trên mạng Internet theo phương thức trả tiền (Điều 12); Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật truyền dẫn phát sóng kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Căn cứ vào đó, các Đài phát thanh - truyền hình và các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình sẽ thuận lợi hơn khi xây dựng dự toán chi phí truyền dẫn phát sóng và thực hiện hợp đồng truyền dẫn phát sóng (Điều 27); Quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải công khai giá dịch vụ bằng hình thức niêm yết giá kèm theo các thông tin liên quan đến dịch vụ để người sử dụng biết trước khi quyết định sử dụng dịch vụ (Điều 27)

Nghị định số 06 quy định về hoạt động liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình, được bổ sung và có nhiều điểm mới so với Thông tư số 19/2009/TT-BTTTT ngày 28/5/2009. Theo Nghị định mới, từ ngày 15/3/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ thôi không cấp đăng ký chứng nhận chương trình liên kết, quy định về quản lý các chương trình liên kết sẽ được ghi trong hồ sơ xin cấp phép kênh truyền hình của các đài truyền hình. Hồ sơ cấp phép sẽ ghi rõ các đài truyền hình được liên kết cái gì, được liên kết đến đâu và trách nhiệm của các đài truyền hình trong việc quản lý nội dung liên kết. Việc Bộ TT&TT không cấp phép kênh liên kết là nhằm nâng cao trách nhiệm của các đài truyền hình.

Nghị định mới cũng ra quy định, các đài truyền hình tuyệt đối không thực hiện liên kết sản xuất các chương trình thời sự chính trị. Quy định này được đưa ra là vì nội dung thời sự được đánh giá rất quan trọng, quy định này hoàn toàn phù hợp với Luật Báo chí về vai trò trách nhiệm của các đài truyền hình trong quản lý nội dung.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố nội dung của Nghị định 06/2016/NĐ-CP vừa diễn ra chiều nay, 14/3, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho biết, việc ban hành các quy định quản lý mới là nhằm mục đích phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, cho phép các đài truyền hình huy động nguồn lực của xã hội để sản xuất các kênh truyền hình trong nước, nhất là các kênh truyền hình văn hóa, xã hội, lịch sử.

Hiện nay Bộ TT&TT đang cấp phép cho các chương trình liên kết, nhưng kể  từ ngày 15/3/2016, Bộ sẽ xóa bỏ không thực hiện cấp phép cho các chương trình liên kết, khi thực hiện liên kết các cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm. Việc xóa bỏ cấp phép, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong quản lý chương trình liên kết. Bộ TT&TT không cấp phép mà các cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm.

Nghị định số 06/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 15 tháng 03 năm 2016 và sẽ điều chỉnh toàn diện hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước.

Nghị định gồm 6 Chương và 32 Điều đã thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước về dịch vụ phát thanh, truyền hình, đảm bảo phù hợp với định hướng Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 và Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Nghị định sẽ là cơ sở để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình phát triển bền vững.
 
Chương I. Những quy định chung

Chương thứ nhất của Nghị định bao gồm những quy định bao quát nhất, quan trọng và chi phối toàn bộ các quy định của Nghị định. Chương này gồm 6 Điều (từ Điều 1 đến Điều 6): quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; phân loại dịch vụ; chính sách của Nhà nước; quản lý nhà nước về dịch vụ phát thanh, truyền hình.
 
- Chương II. Quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình
 
Chương này chia làm hai Mục và 6 Điều (từ Điều 7 đến Điều 12).
 
- Mục 1. Quy định về dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá: Nội dung về quyền và nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ; các nguyên tắc cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá.
 
- Mục 2. Quy định về dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền: Nội dung về quyền và nghĩa vụ của đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; quyền và nghĩa vụ của thuê bao sử dụng dịch vụ; các điều kiện, thủ tục, quy trình cấp phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.
 
- Chương III. Quản lý nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình
 
Chương này quy định cụ thể toàn bộ hoạt động về nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, gồm 11 Điều (từ Điều 13 đến Điều 23). Gồm: quy định nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá; quy định nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; cấp phép sản xuất kênh chương trình trong nước; hoạt động liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình; kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; đăng ký kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; biên tập, biên dịch kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; cấp phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; đăng ký danh mục nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền; bản quyền nội dung trên dịch vụ phát thanh, truyền hình; tên, biểu tượng đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình.
 
- Chương IV. Quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, báo cáo nghiệp vụ và giá dịch vụ
 
Chương này quy định một số vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình, chế độ báo cáo nghiệp vụ và công khai giá dịch vụ, gồm 4 Điều (từ Điều 24 đến Điều 27)
 
- Chương V. Thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh
 
Chương này quy định hoạt động thu tín hiệu truyền hình trực tiếp từ vệ tinh để thu xem kênh chương trình truyền hình nước ngoài không qua biên tập nội dung, gồm 3 Điều (từ Điều 28 đến Điều 30)
 
- Chương VI. Điều khoản thi hành
 
Chương này gồm 2 Điều (từ Điều 31 đến Điều 32) quy định về thời điểm có hiệu lực của Nghị định.
 
Quy định việc bãi bỏ và thay thế các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định liên quan.
   
Quy định thời gian chuyển tiếp thực thi các quy định của Nghị định và nêu rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành Nghị định.


Ý kiến bạn đọc