CNTT là đòn bẩy giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ

06:44, 09/02/2016
|

(VnMedia) - Theo ông Vũ Minh Trí - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, năm 2015 là năm chuyển mình rất ấn tượng của ngành CNTT Việt Nam. Đây sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam dựa trên CNTT sẽ tiếp tục đà phát triển để ngày một mạnh mẽ hơn, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

- 2015 được đánh giá là một năm khá thành công của ngành CNTT Việt Nam. Ông có đồng ý với nhận định này? Nếu có, đâu là điều ấn tượng nhất đối với bản thân ông?

Ông Vũ Minh Trí: Năm 2015 theo đánh giá chung của các chuyên gia, là một năm có nhiều thành tựu và các sản phẩm đột phá thuộc CNTT. Với riêng Việt Nam, năm 2015 là năm chuyển mình rất ấn tượng. Chúng ta hòa nhập cùng xu thế “Ưu tiên Di động, Ưu tiên Đám mây” uyển chuyển với nhiều thành tựu, mà tiêu biểu là chính phủ ủng hộ việc xây dựng Chính phủ điện tử, thử nghiệm 4G, các ứng dụng OTT được các nhà mạng công nhận và tung ra vận hành, ra mắt luật ATTT… Tất cả những điều này sẽ là đòn bẩy giúp Việt Nam dựa trên CNTT sẽ tiếp tục đà phát triển để ngày một mạnh mẽ hơn, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Ông Vũ Minh Trí - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam.

- Là một doanh nghiệp nước ngoài đã hoạt động khá lâu năm trong lĩnh vực CNTT tại thị trường Việt. Năm 2015, những thành công nổi bật nhất của Microsoft, góp phần vào kết quả chung của bức tranh CNTT Việt là gì?

Microsoft gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1996. Sau gần 20 năm hoạt động Microsoft không chỉ khẳng định vị thế là một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới mà còn cho thấy những dấu ấn đặc biệt qua những gì đã chung tay xây dựng cùng Việt Nam trong thời gian đồng hành.

Kể từ khi có mặt tại Việt Nam, Microsoft đã luôn nỗ lực hết mình để có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển ngành CNTT-TT và góp phần phát triển kinh tế đất nước thông qua các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, các dự án giáo dục đẩy mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT. Việt Nam là một thị trường tiềm năng và quan trọng đối với Microsoft trong khu vực, nên những hoạt động của Microsoft luôn gắn liền với chiến lược và tầm nhìn của chính phủ Việt Nam trong việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành một nước mạnh về CNTT vào năm 2020. Cụ thể, Microsoft đặt cam kết mạnh mẽ trong việc chung tay cùng Chính phủ, người dân xây dựng nền kinh tế ổn định phát triển nhờ CNTT, đồng thời mong muốn góp phần hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT tại Việt Nam.

Mới đây, vào tháng 12/2015, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (gọi tắt là AmCham) công bố Microsoft giành giải Cống hiến cho Cộng đồng năm 2015 (AmCham CSR Recognition Award 2015) vì những nỗ lực trong việc trao quyền cho người dân Việt Nam làm được nhiều hơn và đạt kết quả cao hơn. Giải thưởng là sự ghi nhận cho những cam kết của Microsoft trong các hoạt động kinh doanh minh bạch, quản trị tốt, bền vững và phục vụ cộng đồng tạo ra một mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp khác noi theo, đồng thời phản ánh phương thức hoạt động tốt mà AmCham muốn thúc đẩy tại Việt Nam.

Có thể thấy, Microsoft Việt Nam là một doanh nghiệp điển hình, chung tay góp phần vào bức tranh CNTT Việt, giúp nền kinh tế phát triển để ngày càng đơm nhiều hoa thơm kết nhiều trái ngọt.

- Dù đã có những thành tựu khá ấn tượng trong năm 2015, tuy nhiên, với năm 2016 này, theo các chuyên gia, ngành CNTT Việt tiếp tục phải đối mặt với những thách thức như trình độ nhân lực, mức độ cạnh tranh ngày một khốc liệt... Theo ông, ngành CNTT cần phải có những chính sách như thế nào để vượt qua những thách thức đó?

Như chúng ta đã biết, năm 2016 mở ra rất nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng mở ra những thách thức cho Việt Nam. TPP hay sự kiện hội nhập kinh tế ASEAN (AEC) mang lại những cơ hội rất lớn cho Doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, với riêng sự kiện AEC, sẽ mở ra cho chúng ta cơ hội gia nhập thị trường phục vụ hơn 600 triệu người tiêu dùng ASEAN. Đây là thị trường có tầm cỡ gấp hơn 6 lần so với thị trường nội địa truyền thống với khoảng 92 triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Dù cơ hội được mở rộng, nhưng hội nhập đồng nghĩa chúng ta nhận thách thức cũng tương đương: thị trường Việt Nam cũng sẽ trở thành thị trường chung của các Doanh Nghiệp trong khối. Doanh nghiệp Việt Nam buộc sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt tầm ASEAN với cuộc chơi không chỉ dừng lại ở “sân nhà” mà còn diễn ra trên cả “sân khách”. Và Doanh Nghiệp CNTT Việt Nam cũng nằm trong xu hướng này: thị trường mở rộng phục vụ hơn 600 triệu người dùng ASEAN kèm với những bài toán hội nhập.

Việt Nam là thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn cùng dân số trẻ, đông, năng động và nhiều nhân tài. Khi chính thức gia nhập cộng đồng ASEAN, lao động Việt Nam sẽ được tiếp cận rất nhiều cơ hội mới mẻ, và đồng nghĩa là cũng sẽ gặp khá nhiều những thách thức và cạnh tranh. Vậy nên việc cổ vũ, và quan trọng hơn là chuẩn bị hành trang vững vàng cho các lao động Việt Nam hội nhập là một trong những yếu tố quan trọng, giúp Việt Nam có thể phát triển và thịnh vượng. Những chương trình lớn về đào tạo nghề và kỹ năng nhằm thúc đẩy việc khám phá tiềm năng, hỗ trợ thanh niên và người lao động phát triển và mở mang kiến thức sẽ là những dự án thiết thực giúp tạo ra các cơ hội mới cho toàn thể lao động Việt.

Là một tập đoàn công nghệ gắn bó với thị trường hơn 20 năm qua, Microsoft luôn sẵn sàng tư vấn và chung tay ủng hộ nhiệt tình các ban ngành trong công tác xây dựng và phát triển đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam. Ngoài vai trò là nhà tư vấn tin cậy về những giải pháp công nghệ tốt nhất, Microsoft cũng sẽ luôn sát cánh theo nhiều phương thức, nhiều chương trình và dự án linh hoạt giúp hỗ trợ giới trẻ giải quyết mọi thách thức và đi đến thành công.

- Theo ông, đâu sẽ là xu hướng dẫn dắt thị trường CNTT trong năm 2016 và những năm tới?

Thế giới ngày nay đã và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với phần không nhỏ đóng góp từ lĩnh vực công nghệ, theo xu hướng “Ưu tiên Di động, Ưu tiên Đám mây”. Sự phát triển của xã hội sẽ đi theo định hướng tạo ra sản phẩm, dịch vụ  Công nghệ góp phần nâng cao năng suất, mang lại những tiện ích tối ưu cho đời sống cộng đồng. Bởi vậy, những sản phẩm và dịch vụ thuộc xu hướng “Ưu tiên Di động, ưu tiên Đám mây” chắc chắn sẽ tiếp tục là những lĩnh vực vô cùng quan trọng, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như tại chính thị trường Việt Nam.

Việt Nam hiện đã sẵn sàng chuyển đổi sang một nền kinh tế tri thức và CNTT được xác định rõ là ngành mũi nhọn giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, nằm trong chương trình mục tiêu phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 do Thủ tướng phê duyệt.

- Trong những ngày đầu năm mới Bính Thân, ông có thể “bật mí”, Microsoft sẽ tiếp tục đồng hành với sựphát triển của ngành CNTT Việt Nam như thế nào trong năm 2016 này?

Trước cơ hội lớn lao mà hội nhập mang lại, để chuẩn bị cho hành trang dài hạn của Việt Nam, Microsoft cam kết sẽ là nhà tư vấn và triển khai CNTT chiến lược cho Chính phủ thông qua 3 lĩnh vực trọng yếu là Hạ tầng CNTT; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Microsoft đã và đang chung tay cùng các tổ chức chính phủ và các ban ngành, liên tục triển khai rất nhiều các chương trình tư vấn và hỗ trợ, giúp phát triển nền kinh tế xã hội gia tăng cạnh tranh trên thị trường hội nhập.

Một ví dụ tiêu biểu là triển khai thành công những công nghệ dẫn đầu của Microsoft tại khối cơ quan chính phủ và khối DN với hạ tầng Đám mây liên thông, linh hoạt, mạnh mẽ và an toàn. Đây là nền tảng cho những cải cách dịch vụ công của khối nhà nước giúp người dân được sử dụng dịch vụ tốt, minh bạch, tiết kiệm được thời gian và gia tăng sự hài lòng về dịch vụ công.

Dùng Đám mây Microsoft sẽ giảm đáng kể mức đầu tư CNTT, tăng hiệu quả đầu tư và tránh được lãng phí, đồng nghĩa với việc tiền thuế của dân được sử dụng hiệu quả hơn. Hạ tầng CNTT liên thông sẽ kết nối được những dữ liệu quan trọng, giúp các lãnh đạo có được thông tin tổng hợp để đưa ra quyết định đúng đắn và kịp thời nhất. Khi hạ tầng và ứng dụng được xây dựng chuyên nghiệp với tầm nhìn chiến lược, người dân sẽ an toàn và ứng phó tốt với các cuộc tấn công mạng diện rộng. Và hạ tầng của Microsoft mà tiêu biểu là CityNext đáp ứng tốt bài toán hiện đại này…

- Xin cảm ơn ông!

Hiền Mai (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc