(VnMedia) - Trước những cơ hội cũng như thách thức trong quá trình phát triển, Ngành Bưu điện đã luôn thấm nhuần những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “tính quan trọng bậc nhất của TTLL”. Đó thực sự là kim chỉ nam dẫn đường...
Trong thời kỳ đổi mới, ngành Bưu điện đứng trước những khó khăn lớn: cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ công nghệ lạc hậu, vốn cho đầu tư phát triển hạn hẹp, cơ chế chính sách thiếu động lực cho phát triển, trình độ đội ngũ CBCNV còn hạn chế. Trong khi đó yêu cầu của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế đòi hỏi rất cao.
Lúc sinh thời, Bác Hồ dành nhiều sự quan tâm sâu sắc với lĩnh vực thông tin liên lạc. |
Ở thời điểm đó, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, Lãnh đạo ngành Bưu điện đã đề ra những định hướng đúng đắn, giải pháp sáng tạo và quyết tâm tổ chức thực hiện nhằm phát triển, hiện đại hoá mạng lưới bưu chính, viễn thông Việt Nam. Đó là: Táo bạo đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, bỏ qua công nghệ trung gian, lựa chọn công nghệ hiện đại, đồng bộ, tương đồng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; Mạnh dạn phá sự bao vây cấm vận bằng sự mềm dẻo, linh hoạt trong quan hệ quốc tế, lựa chọn đa dạng hoá các đối tác để tranh thủ vốn, công nghệ; Dũng cảm thực hiện cơ chế tự vay tự trả, đi đầu trong chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, phá bỏ độc quyền, chấp nhận cạnh tranh để phát triển; Sáng tạo, nêu cao ngọn cờ truyền thống, xây dựng đội ngũ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới.
Kết quả của quá trình đổi mới, đã hiện đại hoá và phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.
Năm 1995, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị dịch vụ, sản xuất, lưu thông, sự nghiệp về bưu chính-viễn thông thuộc Tổng cục Bưu điện, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông. Theo đó, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt nam (VNPT) là một doanh nghiệp chủ lực của Nhà nước trong lĩnh vực BCVT, được tổ chức hoạt động theo mô hình các Tổng công ty mạnh (Tổng công ty 91) của Nhà nước. Có thể nói, với việc thành lập VNPT, ngành Bưu điện đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, công tác quản lý Nhà nước được tăng cường, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, tốc độ phát triển nhanh với doanh nghiệp chủ lực là VNPT.
Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, ngành Bưu điện Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển, song cũng còn khá nhiều thách thức. Sự hội tụ công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (ICT) đưa thế giới tiến vào xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức. Các dịch vụ bưu chính viễn thông truyền thống không còn thỏa mãn nhu cầu. Trong những năm qua, hạ tầng Bưu điện nước ta được hiện đại hóa một số bước đáng kể nhưng mới ở giai đoạn đầu, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới công nghệ với tốc độ nhanh để tránh nguy cơ lạc hậu mới thích ứng cho dịch vụ thông tin đa phương tiện, khai thác thị trường cả về bề rộng lẫn bề sâu, cả trong nước và quốc tế. Để mạng thông tin quốc gia được thiết lập theo hướng đồng bộ, hiện đại, hợp lý, bắt nhịp được với sự phát triển của công nghệ bưu chính viễn thông khu vực và thế giới, Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đề ra nhiệm vụ của Ngành trong giai đoạn 2001 - 2010 là: “Phát triển mạng lưới thông tin hiện đại và đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong hệ thống lãnh đạo, quản lý và các dịch vụ tài chính, thương mại, giáo dục, y tế và tư vấn. Mở rộng khả năng hòa mạng viễn thông với chi phí có khả năng cạnh tranh quốc tế…”.
Để thực hiện chiến lược phát triển, chuyển từ kế hoạch “Tăng tốc” sang “Hội nhập và phát triển”, ngành Bưu điện xác định mục tiêu và nhiệm vụ của việc đổi mới tổ chức quản lý là một việc quan trọng, trong đó có việc tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng điều hành sản xuất, kinh doanh. VNPT từ Tổng công ty 91 từng bước thực hiện quá trình đổi mới cơ chế quản lý theo lộ trình chung, trở thành Tập đoàn VNPT nhanh chóng, tích cực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông, tin học quốc gia tiên tiến hiện đại với tiêu chí “Tiên tiến - Tương thích - toàn cầu” đáp ứng xu thế hội tụ viễn thông - tin học - phát thanh - truyền hình, đa phương tiện. Cùng với hiện đại hóa mạng viễn thông, mạng bưu chính, phát hành báo chí cũng được củng cố, mở rộng và nâng cao chất lượng, không ngừng đáp ứng tốt nhu cầu xã hội.
Toàn ngành đã thực hiện những chiến lược, giải pháp phát triển mang tính đột phá, táo bạo, từ đó tạo nên sự phát triển có tính bùng nổ của bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin với một số kết quả tiêu biểu: xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin băng rộng quốc gia hiện đại, đồng bộ, công nghệ ngang tầm quốc tế; cung cấp tích hợp hệ thống các dịch vụ Bưu chính viễn thông, Internet và phát thanh truyền hình số phong phú, đa dạng; cập nhật công nghệ mới nhất của thế giới với những tiện ích ngày càng cao, khả năng tương tác ngày càng rộng và giá cước ngày càng hạ; xác lập thị trường bưu chính viễn thông cạnh tranh; đổi mới doanh nghiệp; thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam… và tiến hành lộ trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế.
Hệ thống quản lý Nhà nước về BCVT-CNTT ngày càng được kiện toàn đi lên từ Tổng cục Bưu điện đến Bộ Bưu chính Viễn thông và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông để liên tục đổi mới công tác quản lý nhà nước có nền tảng pháp lý đồng bộ, tương thích sự biến đổi nhanh của công nghệ, nhằm tạo ra những đột phá mới trong ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông ở nước ta. Năm 2007, Thủ tướng ký Quyết định số 674/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost) là Tổng công ty nhà nước do Nhà nước quyết định thành lập. Sau khi chia tách từ Tập đoàn VNPT, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tranh thủ thời cơ, vận hội, khắc phục tồn tại, hạn chế, dần hoạt động ổn định và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Tập đoàn VNPT cũng đã hoàn thành Tái cơ cấu để trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh các sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; hoạt động hiệu quả; có năng lực cạnh tranh cao; giữ vững vai trò chủ lực trên thị trường viễn thông Việt Nam và vươn ra thị trường quốc tế.
Những truyền thống vẻ vang của ngành Bưu điện đã, đang và sẽ tiếp tục được các CBCNV ngành TT&TT nhân lên, phát huy để góp sức đưa ngành TT&TT ngày càng phát triển, góp phần sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và TT như chỉ đạo của Chính phủ. Và như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về “tính quan trọng bậc nhất” của thông tin liên lạc vẫn là kim chỉ nam soi sáng trong mọi thời kỳ phát triển.
Ý kiến bạn đọc