(VnMedia) - Đây là một trong số những chỉ tiêu hoàn thành trong năm 2015 của toàn ngành Thông tin và Truyền thông vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hôm 31/12.
Theo Báo cáo công tác năm 2015 được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trình bày tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm 2016 diễn ra sáng nay, 31/12, với sự vào cuộc quyết liệt trong việc thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, cùng với sự năng động, sáng tạo và quyết tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT năm 2015 tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, góp phần ổn định giá cả thị trường trong nước, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Báo chí, xuất bản - Bưu chính - Viễn thông - CNTT: phát triển bền vững
Trong lĩnh vực Báo chí, đến nay, cả nước có 858 cơ quan báo chí in; 105 cơ quan báo điện tử, 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 66 đài phát thanh, truyền hình với gần 18.000 nhà báo được cấp thẻ đang hoạt động trên khắp mọi vùng miền của Tổ quốc và ở nước ngoài. Nhìn chung, các cơ quan báo chí hoạt động và thông tin đúng tôn chỉ, mục đích và đúng định hướng.
Do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nên nguồn thu chủ yếu của các cơ quan báo chí là từ thu quảng cáo, đặc biệt là báo in, giảm đáng kể; mặt khác do nguồn ngân sách hạn hẹp nên các đơn vị, cơ quan báo chí phải vừa đảm bảo hoạt động chuyên môn chính trị, vừa phải khắc phục khó khăn về kinh phí để đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ.
Hiện cả nước có tổng số 182 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá, gồm: 105 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 77 kênh chương trình phát thanh, quảng bá. Đặc biệt có 06 kênh truyền hình hoạt động không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng, bao gồm các kênh: Truyền hình VOV, Truyền hình Công an nhân dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình quốc phòng, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Nhân dân. Hệ thống truyền hình trả tiền đến hết năm 2015 có 31 đơn vị cung cấp dịch vụ với 73 kênh truyền hình và 09 kênh phát thanh trong nước. Số lượng kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập trên hệ thống truyền hình trả tiền là 40 kênh. Truyền hình trả tiền sử dụng 04 loại công nghệ truyền dẫn, gồm: truyền hình cáp (gồm cả IPTV), truyền hình mặt đất kỹ thuật số, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh và truyền hình di động. Hiện nay, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền khoảng 9,9 triệu, trong đó số lượng thuê bao truyền hình cáp chiếm 80,8%. Tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền là 9.624 tỷ đồng, thu hút khoảng 9.500 lao động.
Ngành xuất bản, in và phát hành vẫn duy trì được chất lượng sản phẩm và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng phần lớn các nhà xuất bản đã khắc phục, chủ động khai thác nguồn bản thảo trong và ngoài nước, tổ chức có hiệu quả việc huy động nguồn lực trong xã hội nên số đầu sách trong giai đoạn này không giảm. Toàn quốc có 63 nhà xuất bản , thu hút khoảng 5.500 lao động, trong đó có khoảng 1.200 biên tập viên. Ngành đã xuất bản được hơn 24.000 đầu sách với hơn 270,4 triệu bản; xuất bản 375 loại văn hóa phẩm với hơn 22,4 triệu bản, trong đó xuất bản trên 200 loại mẫu lịch với trên 16 triệu bản. Có khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Sản lượng ngành in ước đạt khoảng hơn 1.000 tỉ trang in 13x19cm. Hơn 13.700 cơ sở phát hành xuất bản phẩm, trong đó có 117 công ty, đơn vị phát hành sách tỉnh, thành phố, hơn 100 công ty thuộc thành phần kinh tế khác và khoảng gần 13.500 trung tâm, siêu thị sách, nhà sách, hộ kinh doanh, các điểm bán sách trên toàn quốc. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu xuất bản phẩm ước đạt 23 triệu USD, trong đó nhập khẩu là 18,9 triệu USD, xuất khẩu là 4,1 triệu USD. Tổng doanh thu toàn ngành xuất bản ước đạt 5.100 tỷ đồng.
Mạng lưới bưu chính tiếp tục hoạt động ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo toàn an toàn thông tin bưu chính phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước. Hệ thống bưu chính từng bước được mở rộng vùng phục vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin và giao lưu văn hoá của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của đất nước. Mạng lưới bưu chính công cộng hiện nay có 12.757 điểm phục vụ bưu chính , bán kính phục vụ bình quân đạt 2,87 km/điểm, số dân phục vụ bình quân đạt 7.032 người/điểm. Thị trường dịch vụ bưu chính những năm gần đây đã có sự cạnh tranh khá mạnh mẽ giữa các nhà cung cấp dịch vụ với số lượng các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong lĩnh vực này tăng lên nhanh chóng và thành phần doanh nghiệp cũng đa dạng hơn, trong đó có cả các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài.
Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet tiếp tục hoạt động ổn định, thị trường dịch vụ viễn thông và internet cạnh tranh mạnh. Số lượng thuê bao internet băng rộng ước đạt khoảng 7,6 triệu thuê bao. Số lượng thuê bao di động đạt khoảng 122 triệu thuê bao, giảm so với năm 2014 do tăng cường công tác quản lý nên số sim rác giảm. Trong số thuê bao di động, thuê bao 3G có chiều hướng tăng nhanh và số thuê bao 2G giảm mạnh. Số lượng thuê bao cố định tiếp tục giảm chậm, ước còn khoảng 5,9 triệu thuê bao. Doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm 2015 ước đạt 340.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 56.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 46.880 tỷ đồng.
Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh, bền vững, doanh thu cao, có giá trị xuất khẩu lớn. Việt Nam đủ khả năng phát triển, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ CNTT đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, tạo nền tảng để phát triển kinh tế tri thức, góp phần làm chủ các hệ thống thông tin, bảo đảm an toàn thông tin và chủ quyền số quốc gia. Trong điều kiện nền kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và phục hồi chậm nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như: Samsung, LG, Panasonic, Canon, Intel... Các doanh nghiệp phần mềm tiếp tục giữ vững thị trường xuất khẩu, dịch vụ CNTT phát triển khá, đa dạng các loại hình dịch vụ. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT tiếp tục đạt mức cao, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, đóng góp ngày càng tăng vào tăng trưởng GDP cũng như xuất khẩu của cả nước.
Về ứng dụng CNTT, 100% cơ quan nhà nước có Trang/Cổng thông tin điện tử, cung cấp hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến các loại phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống đào tạo nhân lực CNTT tiếp tục được duy trì ổn định với khoảng 290 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và gần 150 cơ sở đào tạo nghề về CNTT-TT.
Một số chỉ tiêu cụ thể đạt được trong năm 2015 bao gồm: Tổng doanh thu phát sinh toàn ngành ước đạt 520.000 tỷ đồng (không tính công nghiệp CNTT); Tổng nộp ngân sách nhà nước ước đạt 63.880 tỷ đồng; Tỷ lệ thuê bao di động đạt 140 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao internet băng rộng cố định đạt 8,2 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động đạt 40 thuê bao/100 dân; Tỷ lệ người sử dụng internet đạt 52% dân số; Tỷ lệ phủ sóng di động đạt 94%; Tỷ lệ số xã có máy điện thoại là 100%; Tỷ lệ số xã có Điểm Bưu điện-văn hoá xã là 98%; Tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt trên 98% diện tích cả nước; Tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt trên 98% diện tích cả nước.
Tái cơ cấu đem lại luồng gió mới cho VNPT
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2015, Tập đoàn VNPT đã triển khai mạnh mẽ việc tái cơ cấu theo Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành việc chuyển giao các đơn vị đào tạo về UBND các địa phương, chuyển Bưu điện Trung ương về Bộ TTTT quản lý. Từ 01/7/2015, Tập đoàn chính thức vận hành mô hình tổ chức mới với việc ra đời và đi vào hoạt động của các Tổng công ty 100% vốn của Tập đoàn: VNPT-VinaPhone, VNPT-Media, VNPT-Net và sắp xếp lại các VNPT tỉnh, thành phố theo mô hình tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc tái cơ cấu các đơn vị thành viên đã đem lại luồng gió mới, tích cực hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Bên cạnh việc hoàn thiện mô hình tổ chức, nhân sự, Tập đoàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kinh doanh, xây dựng các cơ chế kinh tế, cơ chế phối hợp chung trong toàn Tập đoàn nhằm ổn định, tạo động lực cho các đơn vị thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng thị phần, nâng cao hiệu quả kinh doanh...
Tổng lợi nhuận của Tập đoàn năm 2015 đạt 3.280 tỷ, đạt 111,7% kế hoạch, tăng 20% so với thực hiện năm 2014, trong đó lợi nhuận của khối kinh doanh dịch vụ Viễn thông-CNTT đạt 3.050 tỷ, đạt 110,5% kế hoạch, tăng 21,7% so với thực hiện 2014. Tổng doanh thu dự kiến đạt 89.122 tỷ, đạt 102% kế hoạch, tăng 7,5% so với thực hiện 2014, trong đó doanh thu kinh doanh Viễn thông-CNTT đạt 80.811 tỷ, đạt 100,8% kế hoạch, tăng 8,3% so với thực hiện 2014. Tổng nộp ngân sách nhà nước dự kiến đạt 3.555 tỷ, đạt 114,7% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu dự kiến đạt 5,2%, đạt 113,8% kế hoạch, tăng 20,9% so với thực hiện 2014.
Tổng số thuê bao điện thoại của Tập đoàn VNPT đến cuối năm 2015 đạt 33,7 triệu thuê bao, trong đó thuê bao di động VinaPhone là 29,7 triệu thuê bao, tăng 3,3 triệu thuê bao so với cuối năm 2014. Tổng số thuê bao Internet băng rộng đến cuối năm 2015 đạt 3,2 triệu thuê bao, tăng 241 ngàn thuê bao so với cuối năm 2014 (trong đó thuê bao FTTx đạt 800 ngàn thuê bao, gấp hơn 4 lần so với thực hiện 2014).
Ý kiến bạn đọc