Thí sinh Nhân tài Đất Việt "toát mồ hôi" bảo vệ chung khảo

07:39, 19/11/2015
|

(VnMedia) - Được các thành viên Ban giám khảo đặt nhiều kỳ vọng và cũng có nhiều đòi hỏi có phần “khắt khe” hơn so, các nhóm thí sinh bảo vệ chung khảo lĩnh vực CNTT triển vọng không ít lần “toát mồ hôi” trước các câu hỏi khó từ các vị “cầm cân, nảy mực”…

Là nhóm thí sinh bảo vệ đầu tiên trước Hội đồng giám khảo CNTT thành công, anh Nguyễn Duy Khang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư phát triển hạ tầng Viễn thông - Infas Consult (IFC) - Nhóm sản phẩm Thành Công với “Giải pháp thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa” (IFC-ARM) chia sẻ, lần đầu tiên, IFC tham dự Nhân tài Đất Việt, với khoảng thời gian trình bày và trả lời “chất vấn” của Hội đồng giám khảo là vẫn chưa đủ.

Với phần câu hỏi phản biện từ Ban Giám khảo mà nhóm cho là vô cùng sắc sảo, anh Nguyễn Duy Khang  thấy tiếc một điều là thời gian dành cho mỗi sản phẩm, cho mỗi đơn vị khi thuyết trình, phản biện nếu được lâu hơn, nhóm sẽ có cơ hội trình bày để Ban Giám khảo có thể tìm hiểu được sâu hơn về sản phẩm, doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin nhiều hơn nữa.

Anh Nguyễn Duy Khang đang trình bày về sản phẩm dự thi

“Lần đầu tiên tham dự, nhưng chúng tôi thấy Nhân tài Đất Việt 2015 hội tụ được nhiều sản phẩm tốt. Ban Tổ chức làm việc chuyên nghiệp, từ khâu chuẩn bị, hẹn nộp hồ sơ, biểu mẫu hồ sơ rất chi tiết…  Giải thưởng được chia thành nhiều nhóm khác nhau, như nhóm Thành công, nhóm Triển vọng… rất sát với thực tế đời sống. Đặc biệt, đâu đó tôi thấy rõ tính cạnh tranh thực sự giữa các sản phẩm cũng như nhóm sản phẩm tham gia Nhân tài Đất Việt, một môi trường cạnh tranh sòng phẳng, công bằng” - anh Khang chia sẻ.

Dù lần đầu tham dự, nhưng IFC khá tự tin vì đây là sản phẩm đã thành công, ứng dụng được 3-4 năm, và đã mang lại những hiệu quả nhất định cho Tập đoàn Điện lực cũng như người dân. Theo nhóm, Nhân tài Đất Việt thực sự là cuộc thi vô cùng bổ ích.

“Tôi thấy Nhân tài Đất Việt có ý nghĩa thực tiễn vô cùng lớn, vì bất kỳ một công trình nghiên cứu nào, trước khi đưa ra thực tế cần có sự kiểm nghiệm. Và đây cũng chính là sự kiểm nghiệm rất tốt, từ những ý tưởng, từ những sản phẩm thai nghén đến quá trình đưa ra thực tế, đều được kiểm nghiệm khắt khe, công tâm. Giải thưởng đã tạo động lực cho những doanh nghiệp, tổ chức, cho những nhóm thực hiện để hoàn thiện tốt hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia Nhân tài Đất Việt những năm tiếp theo với những sản phẩm khác nữa” - anh Nguyễn Duy Khang nói.

Nếu như đại diện của nhóm thí sinh đầu tiên còn tiếc nuối vì chưa đủ thời gian để trình bày giúp Ban giám khảo hiểu hơn về sản phẩm dự thi của mình, thì với ba nhóm thí sinh còn lại của Hội đồng CNTT lại luôn… lấy thêm thời gian của các giám khảo tới hàng 10-20 phút đồng hồ bởi sự phản biện sôi nổi, nhiều câu hỏi được đặt ra cho các nhóm mà không phải thắc mắc nào cũng dễ trả lời. Vốn là sản phẩm dự thi thuộc lĩnh vực CNTT đã thành công, chính vì vậy, điều mà các giám khảo dành sự quan tâm nhiều nhất với các nhóm thí sinh phản biện đó là năng lực triển khai thực tế, khả năng thương mại hóa của sản phẩm tới mức độ nào?

Khi được biết về tốc độ tăng trưởng doanh thu của Giải pháp ERP trên nền web - FAST BUSINESS ONLINE của Công ty CP Phần mềm Quản lý doanh nghiệp (FAST) trong 3 năm gần đây nhất, giám khảo Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội tin học Việt Nam đã đánh giá, đây là con số phát triển khá tốt. Nhóm thí sinh này được các giám khảo “quay” nhiều nhất về quy mô, độ phức tạp, khả năng quản trị cũng như về khách hàng mà đơn vị này có được khi triển khai, cung cấp giải pháp ra thị trường.

Như với sản phẩm Thiết bị nhúng kết nối kính hiển vi ứng dụng nghe nhìn (NHV-CAM) của Nhóm DESLAB - Khoa Điện tử Viễn thông, Trường ĐH KHTN TP.HCM, các giám khảo nhìn nhận, đánh giá cao khả năng ứng dụng trong đào tạo của sản phẩm. Tuy nhiên, cũng lưu ý nhóm tác giả nếu như áp dụng trong các lĩnh vực khác như y tế thì cần phải quan tâm tới vấn đề y đức, bảo mật dữ liệu tránh  phục vụ vào những mục đích khác.

Dành nhiều sự quan tâm, và quá tới gần 20 phút của Ban Giám khảo đó là sản phẩm bảo vệ thứ 4: Hệ thống bệnh viện điện tử. Sản phẩm này không chỉ nhận được sự đánh giá, phản biện của các vị giám khảo, mà ngay trong buổi phản biện, các thí sinh còn được nghe cả đánh giá, nhận xét từ phía Cục CNTT của Bộ Y tế về sản phẩm khi được triển khai rộng rãi ở nhiều cơ sở y tế trong toàn quốc.  

Nhóm tác giả sản phẩm Hệ thống bệnh viện điện tử bảo vệ chung khảo trước hội đồng.

Hệ thống Bệnh viện điện tử là giải pháp hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây, do đó không phải cài đặt, chỉ cần tập huấn cho người dùng và đưa vào sử dụng. Khi có thay đổi, bổ sung các chức năng thực hiện  nhanh chóng, đồng loạt, không cần phải cài đặt lại từng máy. Các đơn vị triển khai không phải đầu tư cơ sở hạ tầng, máy chủ mà sử dụng lại mạng máy tính hiện có, nếu cần thiết thì trang bị thêm máy in, nâng cấp máy tính cấu hình thấp, do đó triển khai nhanh chóng, chi phí đầu tư ban đầu thấp, chi phí sử dụng hàng tháng không đáng kể. Hệ thống cũng giúp quản lý cơ sở dữ liệu tập trung, xuyên suốt toàn hệ thống: Bệnh viện, Trung tâm y tế, Trạm y tế và Phòng khám đa khoa, kế thừa dữ liệu bệnh án của bệnh nhân, giúp cho quá trình khám, điều trị bệnh hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí cho người bệnh…

Mặc dù còn phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới, như kế hoạch của chính nhóm đặt ra là sẽ tích hợp các tính năng hỗ trợ, bổ sung dành cho lĩnh vực  y tế dự phòng… nhưng Hệ thống Bệnh viện điện tử đều được các giám khảo ghi nhận là đã đi đúng hướng khi được triển khai dựa trên nền điện toán đám mây, giúp ngành Y tế thực hiện tốt chủ trương ứng dụng mạnh CNTT trong quản lý khám, chữa bệnh trên toàn hệ thống…

Như vậy, cùng với Triển vọng và Ứng dụng di động, nhóm sản phẩm CNTT thành công lọt Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2015 đã hoàn thành xong phần bảo vệ trước Hội đồng giám khảo. Ngày vinh danh những Nhân tài Đất Việt đang đến rất gần vào 20h ngày 20/11 tới. Nhóm thí sinh nào sẽ được gọi tên quán quân đang là câu hỏi được mong muốn trả lời nhất. Hãy cùng chờ đợi và hy vọng!


Ý kiến bạn đọc