Đối phó với xu hướng phá hoại tàn khốc của tấn công mạng hiện đại

14:38, 19/11/2015
|

(VnMedia) - “Ngày An toàn Thông tin Việt Nam” - sự kiện truyền thống của giới CNTT-TT Việt Nam lần thứ 8 được Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh và Chi hội An toàn Thông tin phía Nam (VNISA phía Nam) phối hợp tổ chức, vừa khai mạc sáng nay, 19/11.

Nhằm mục tiêu gắn kết giữa Nhà nước - Xã hội - Doanh nghiệp trong việc tăng cường công tác An toàn thông tin (ATTT), hội thảo “Ngày An toàn Thông tin Việt Nam” lần thứ 8 năm nay có chủ đề: “Xu hướng phá hoại tàn khốc của tấn công mạng hiện đại”. Hội thảo là nơi các đại biểu chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm bảo mật tiên tiến nhất, qua đó thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền số quốc gia của Việt Nam.

Hội thảo được khởi động bằng báo cáo thực trạng ATTT khu vực phía Nam do Chi Hội ATTT phía Nam trình bày, cùng nhiều tham luận quan trọng về vấn đề ATTT của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới trong đó có Microsoft. Hội thảo được đánh giá đã rất thành công khi giới thiệu được với khách mời những định hướng chiến lược về ATTT, các vấn đề về xây dựng nguồn nhân lực và chuẩn hóa quốc tế trong ATTT...

Trong bài phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng cho biết, hiện nay lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam đã tăng trưởng mạnh, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước đồng thời với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của CNTT chính là các nguy cơ về an toàn thông tin.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam luôn nằm trong top các nước bị lây nhiễm mã độc rất cao, gây ra những rủi ro rất lớn và ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Trong khi đó, lực lượng cán bộ an toàn thông tin trong nước còn ít, bị động khi đối phó với các sự cố, đồng thời chưa có quy trình hành động khi xảy ra các cuộc tấn công mạng.

“Bộ TT&TT đã triển khai các nội dung, hoạt động nhằm nâng cao khả năng đối phó với các nguy cơ tấn công mạng, nâng cao nhận thức về tình hình an toàn thông tin” - Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho hay.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo.

Là tập đoàn hàng đầu về ATTT và An ninh mạng, với bề dày kinh nghiệm xử lý các bài toán ATTT cấp toàn cầu, Microsoft được mời thuyết trình trong phiên hội thảo chính. Ông Keshav S Dhakad, Thẩm Phán Cao Cấp, Trung tâm Phòng Chống Tội Phạm Mạng Châu Á, Microsoft Châu Á Thái Bình Dương, đã đưa ra phân tích chuyên sâu và chia sẻ về tình hình và xu thế An ninh mạng của thế giới và khu vực kèm các phân tích và nhận định sâu xa của các chuyên gia về xu hướng An ninh mạng trong phần thuyết trình: “Cảnh báo về gia tăng thách thức an ninh mạng; Hoạt động phòng chống tội phạm Công Nghệ & Phương pháp xây dựng Đám mây Tin cậy đảm bảo độ an toàn và riêng tư cho dữ liệu!”.

Bài thuyết trình của Microsoft cũng đưa ra những tóm tắt về trạng thái an ninh, nguy cơ mà người dân và các tổ chức doanh nghiệp tại khu vực bao gồm Việt Nam có thể phải đối mặt. Theo đó, tội phạm mạng đang ngày càng gia tăng một cách nhanh chóng trên quy mô toàn cầu, trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ đô la và gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Tội phạm thiên về sử dụng mã độc đang gây ra hậu quả khủng khiếp nhất cho các chính phủ, cá nhân và các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực tài chính.

Theo đại diện của Microsoft, các mã độc đang gia tăng theo cấp số nhân về cả số lượng, hình thức chủng loại cũng như mức độ đe dọa, gây ra những thiệt hại khó lường nếu không được cảnh báo như trộm thông tin mật, đánh cắp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập, chiếm dụng email/ tài khoản mạng xã hội thông qua việc đánh cắp nhận diện, lấy trộm tài chính và gây ra sự gián đoạn của hệ thống CNTT & các mạng quan trọng, tấn công từ chối dịch vụ…

Nhận thấy hậu quả của tội phạm mạng thiên về mã độc gây ra rất nghiêm trọng, nhằm bảo vệ dữ liệu và bảo mật của khách hàng, cũng như nền tảng và quyền sở hữu trí tuệ của hãng, Bộ phận Phòng Chống Tội Phạm Số (Digital Crimes Unit - DCU) của Microsoft, thông qua các mối quan hệ công - tư trên toàn cầu, nhắm vào các tổ chức tội phạm mạng đang thu lợi bất chính qua việc phát tán các mã độc nguy hiểm.

Trung tâm an ninh mạng của DCU đang tiến hành các hoạt động pháp lý và kĩ thuật để phá bỏ hoặc đánh sập những mạng lưới mã độc (ví dụ như botnets - các mạng máy tính ma) giải phóng các thiết bị đang trong quá trình bị nhiễm độc trên phạm vi toàn cầu, và khiến việc thâm nhập trở nên khó khăn hơn cho bọn tội phạm mạng. Trong nỗ lực đó, các đối tác của DCU với các chuyên gia về tội phạm mạng trong khắp các ngành, các chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật và các học viện cùng xác định và loại bỏ các mối đe dọa về tội phạm mạng đang tác động lên hệ sinh thái kĩ thuật số trên toàn cầu.

Ông Keshav S Dhakad, Thẩm Phán Cao Cấp, Trung tâm Phòng Chống Tội Phạm Mạng Châu Á, Microsoft Châu Á Thái Bình Dương thuyết trình tại Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Keshav S Dhakad nhấn mạnh: "Trong thế giới liên kết nối của di động và điện toán đám mây, niềm tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để củng cố niềm tin đó, Bộ phận Phòng chống tội phạm số của Microsoft đã triển khai một chương trình đặc biệt: Chương trình Thẩm định Nguy cơ an ninh mạng trên toàn cầu (Global Cyber-Threat Intelligence Program) nhằm biến Đám mây trở nên thông minh hơn trong việc ứng phó với các mối đe dọa từ tội phạm mạng, đồng thời nâng cao mức độ bảo toàn cho người dùng khiến họ tin tưởng hơn vào dữ liệu của họ trên đám mây, khiến họ có thể tập trung hơn vào công việc của mình”.

Cũng trong phần thuyết trình, ông Keshav đã chia sẻ những điểm nhấn chủ chốt và những phương pháp tối ưu để các tổ chức, Doanh nghiệp và người dùng tìm ra các giải pháp an ninh tận dụng được hết lợi thế của các giải pháp CNTT mà vẫn luôn đảm bảo an toàn khi triển khai và vận hành CNTT trong các hoạt động Doanh nghiệp.

Bên cạnh các bài tham luận, các báo cáo chuyên môn tại hội thảo, còn có khu trưng bày, triển lãm giới thiệu các giải pháp, sản phẩm CNTT và ATTT của các tổ chức và doanh nghiệp. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của hơn 500 khách tham dự, là lãnh đạo Bộ TTTT, lãnh đạo UBND TP.HCM, lãnh đạo các Sở TTTT phía Nam, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; các nhà cung cấp giải pháp, công nghệ và những chuyên gia ATTT và CNTT…


Ý kiến bạn đọc