(VnMedia) - Đó là quan điểm được ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương chia sẻ tại Hội thảo Ngày Internet Việt Nam 2015 với chủ đề “Internet của vạn vật - Internet of things” diễn ra trọn vẹn ngày hôm nay, 19/11 tại Hà Nội.
Internet Day đã là sự kiện thường niên của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Internet, các hội viên Hiệp hội Internet Việt Nam trong và ngoài nước, đại diện của các cơ quan chính phủ, các nhà quản lý ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, truyền thông gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ, khẳng định vai trò quan trọng của Internet đã và đang góp phần thay đổi cuộc sống người Việt Nam.
Chủ đề của Ngày Internet Việt Nam 2015 năm nay mang tên “Internet of things” đề cập đến một xu thế đang phát triển mạnh trên thế giới và bước đầu có mặt tại Việt Nam với nhiều ý tưởng, sản phẩm, như nhà thông minh, giao thông thông minh, thành phố thông minh… Trên nền tảng hỗ trợ của 04 trụ cột công nghệ là: Mạng xã hội (Social), Công nghệ di động (Mobility), Phân tích dữ liệu lớn (Analytics), Điện toán đám mây (Cloud), “Internet of things” được dự báo sẽ mang lại một kỷ nguyên mới bùng nổ về số lượng kết nối cũng như các dịch vụ, ứng dụng trên nền internet, tạo động lực mạnh mẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, đổi mới công nghệ, từ đó tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Xu hướng “Internet of things” cũng sẽ đem lại cơ hội chưa từng có cho tổ chức, doanh nghiệp. Đây là xu thế tất yếu cho quá trình đổi mới và ước đoán sẽ mang lại các giá trị tương đương 19.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Hiện nay có khoảng 8 tỷ các thiết bị kết nối, nhưng đến năm 2020 sẽ lên tới 80 tỷ thiết bị. Trên thế giới đã hình thành các liên minh “Internet of things” như liên kết quốc tế giữa các khu vực (EU - Hàn Quốc, EU - Trung Quốc, EU - Nhật Bản…), liên minh các hãng (Intel, Samsung, Dell, Broadcom..).
Tới dự và phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Hồng Hải cho biết, tại Việt Nam những năm qua, cơ sở hạ tầng viễn thông, Internet đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, Việt Nam đã có một mạng lưới viễn thông hiện đại, phủ sóng rộng, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân, cũng như phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thứ trưởng cho hay, tính đến tháng 9/2015, tổng băng thông kênh kết nối internet trong nước đạt 900 Gbps, kết nối internet quốc tế đạt khoảng 1.400Gbps. Mạng truy nhập băng rộng phát triển mạnh tới các vùng miền trên toàn quốc với nhiều loại hình công nghệ truy nhập vô tuyến, hữu tuyến. Trên hạ tầng đó, hiện nay Việt Nam có 120 triệu thuê bao di động, trong đó trên 35 triệu là thuê bao 3G, với tốc độ tăng trưởng trung bình trên 30%. Tổng số thuê bao internet băng rộng cố định đạt trên 7 triệu, trong đó số lượng thuê bao cáp quang FTTH chiếm hơn 40% và đang trong đà tăng trưởng mạnh. Hiện tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam là xấp xỉ 40%, là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về Internet trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, đối với phần đông dân số, đặc biệt là giới trẻ, các dịch vụ Internet đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Có thể khẳng định, với một hạ tầng mạng lưới viễn thông băng rộng đang tiếp tục được đầu tư phát triển, cùng với đặc điểm dân số trẻ, yêu công nghệ, Việt Nam đang có những tiền đề quan trọng, là thị trường tiềm năng để thu hút, phát triển các sáng kiến, ứng dụng trên nền công nghệ Internet of things. Để đón đầu và hỗ trợ kịp thời cho sự phát triển này, Bộ TT&TT đã chủ động ban hành và tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng tiếp tục phát triển hạ tầng mạng lưới và các dịch vụ, ứng dụng trên Internet.
Tại sự kiện kỷ niệm Ngày Internet Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng hi vọng ngày 19/11 hàng năm sẽ chính thức trở thành ngày toàn dân hưởng ứng về Internet ở Việt Nam để việc sử dụng Internet trong học tập, làm việc được nhân rộng hơn nữa, từ đó thúc đẩy sáng tạo, đổi mới và tạo ra nhiều giá trị kinh tế trên nền Internet. Ngày Internet Việt Nam 2015 sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm học tập, sáng tạo, tiếp thu tri thức của thế hệ trẻ, học sinh sinh viên, đoàn viên thanh niên Việt Nam thực hiện chiến lược “Công dân toàn cầu” trong tương lai gần.
ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương chia sẻ thông tin tại sự kiện Hội thảo Internet day 2015. |
Trong bài trình bày của mình tại Hội thảo, ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Đông Dương đã tập trung vào chủ đề Triển khai, tối ưu và khai thác 4G - LTE. Ông Thiều Phương Nam nhận định, 4G chính là hạ tầng cần thiết để các quốc gia trên toàn cầu trong đó có Việt Nam triển khai Internet of things. Mới đây, Qualcomm đã giới thiệu giải pháp modem mới, mang đến kết nối ổn định toàn cầu cho Internet of Things đó là modem MDM9207-1 mới, kết nối trên Cat 1 LTE có khả năng mở rộng, tiết kiệm điện và tối ưu chi phí. Modem MDM9206 mới mang lại đường truyền đến LTE Cat-M (eMTC) và chuẩn NB-IOT.
Theo đại diện của Qualcomm, việc ra mắt hai modem này là một bước đi khác của Qualcomm trong nỗ lực phát triển 4G LTE và thế hệ kết nối di động tiếp theo trong các ứng dụng mới, tiên phong trong việc phát triển những công nghệ mới, tạo cơ sở cho nền tảng 5G thống nhất và hiệu quả hơn trong thập kỷ tiếp theo.
Diễn ra song song với Hội thảo, trong sáng nay, Ban tổ chức sự kiện cũng đã cắt băng khai trương triển lãm nhằm giới thiệu, vinh danh, quảng bá những công nghệ liên quan đến Internet tiên tiến nhất trên thế giới, là cầu nối truyền dẫn công nghệ vào Việt Nam bằng các con đường đầu tư, hợp tác, chuyển giao và bằng những hợp đồng kinh tế. Tham dự sự kiện có các chuyên đề về Internet, công nghệ, viễn thông và đặc biệt thu hút được sự chú ý của giới truyền thông trong nước và quốc tế, sự tham gia tích cực của các tập đoàn lớn như: VNPT, FPT, Mobifone, CMC, Google, Qualcomm, Samsung, Ericson, ZTE...
Internet Day 2015 đã thu hút sự chú ý của gần 500 quan khách tham dự đến từ các công ty kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, các công ty kinh doanh các thiết bị, hạ tầng đến nội dung trên Internet…Các tham luận của các đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương và các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tạo điều kiện chia sẻ, xây dựng cầu nối giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng người sử dụng Internet.
Ý kiến bạn đọc