Lần đầu tiên, VNPT VinaPhone đưa ra quy trình hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung theo hình thức “một cửa” cùng có lợi để đưa các dịch vụ giá trị gia tăng có giá trị cho khách hàng.
VNPT VinaPhone đã trao đổi với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung để tăng cường hợp tác |
Ngày 15/10/2015, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông - VNPT VinaPhone tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng và giải pháp. Sau khi hoàn thành tái cấu trúc, đây là lần đầu tiên VNPT VinaPhone tổ chức hội nghị với vai trò là một Tổng Công ty kinh doanh đa dịch vụ từ di động, cố định, Internet đến các giải pháp CNTT, giải pháp dành cho doanh nghiệp tổ chức.
Với mong muốn đẩy mạnh phát triển hợp tác toàn diện với các đối tác không chỉ trên nền tảng di động mà là trên tất cả các dịch vụ khác như cố định, Internet, các giải pháp CNTT, VNPT VinaPhone đã mời hơn 100 doanh nghiệp phát triển dịch vụ dịch vụ giá trị gia tăng và giải pháp trên toàn quốc tới dự hội nghị.
Tôn chỉ mà VNPT VinaPhone đưa ra trong Hội nghị là "Hợp tác ba bên cùng có lợi", trong đó VNPT đề cao các chính sách nhằm đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, giảm tối đa những hoạt động kinh doanh làm ảnh hưởng tới khách hàng của mình như tin nhắn rác, spam...
Ngoài ra, hội nghị cũng là nơi VNPT VinaPhone mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp, chia sẻ khó khăn của các đối tác nhằm khắc phục và tạo điều kiện tối đa về môi trường kinh doanh tốt nhất cho các đối tác với những quy trình hợp tác nhanh chóng, minh bạch.
Đại diện VNPT VinaPhone cho biết, trong chiến lược nhà mạng này sẽ ưu tiên phát triển các nhóm dịch vụ theo các xu hướng sau: hệ thống giải pháp, dịch vụ tích hợp với thiết bị đầu cuối (M2M); lĩnh vực thương mại điện tử (Mobile - Commerce); lĩnh vực quảng cáo trên di động (Mobile Advertising); điện toán đám mây (Cloud); dữ liệu lớn (Big Data). Thế nhưng, đối với các dịch vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp thì nhà mạng sẽ có ưu đãi đặc biệt về tỷ lệ ăn chia và sẵn sàng hỗ trợ để triển khai và chấp nhận dịch vụ này có doanh thu thấp miễn là đem lại lợi ích cho khách hàng sử dụng.
Song song với việc phát triển các nhóm dịch vụ, VNPT VinaPhone ưu tiên các dịch vụ được hợp tác cung cấp với các đối tác có thương hiệu tốt trong nước và trên thế giới (Apple, Google, Samsung, Windows Phone, Opera Mini, Blackberry…..). Hợp tác cung cấp tích hợp trên nền các hệ thống dịch vụ phức hợp theo nhiều hình thức tính cước linh hoạt (lượt, sản lượng, dung lượng, ngày sử dụng, gói cước, trọn gói….).
Theo đại diện VNPT VinaPhone, sau khi tiến hành tái cơ cấu thì Tổng công ty VNPT VinaPhone kinh doanh đa dịch vụ. Vì vậy, Tổng công ty VNPT VinaPhone không chỉ muốn hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung cho các thuê bao di động mà cả các giải pháp CNTT. Tổng công ty VNPT VinaPhone sẽ hợp tác với các đối tác trên đa nền tảng, đa dịch vụ chứ không chỉ có dịch vụ di động như trước đây.
Trước đây, quy trình thủ tục hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung khá rườm rà, thậm chí có tình trạng nhũng nhiễu vì nhà mạng đàm phán với nhà nội dung ở thế “cửa trên” còn nhà cung cấp nội dung ở thế “đi xin” nhà mạng. Vì vậy, rất nhiều lần nhà cung cấp dịch vụ nội dung lên tiếng về việc bị nhà mạng chèn ép tỷ lệ ăn chia. Thậm chí, vấn đề này đã được đặt lên bàn của cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, xu thế thoại và SMS bị suy giảm, dịch vụ OTT bùng nổ khiến cho nhà mạng buộc phải thay đổi chính sách nếu họ muốn phục vụ tốt khách hàng của mình.
Trong buổi làm việc này, lần đầu tiên Tổng công ty VNPT VinaPhone đã đưa ra quy trình hợp tác với các doanh nghiệp nội dung theo hướng “một cửa”, nhanh gọn. Cụ thể, thời gian tiếp nhận hồ sơ và ký hợp đồng không quá 16 ngày, thời gian triển khai và nghiệm thu dịch vụ không quá 2,5 tháng, sau khi hoàn thiện thủ tục thời gian thanh toán không quá 7 ngày. Bên cạnh đó, VNPT VinaPhone cũng đưa ra mô hình hợp tác và tỷ lệ ăn chia cho các doanh nghiệp nội dung có mức dao động từ 35 - 80% doanh thu cho đối tác.
Trong bài phát biểu của mình, lãnh đạo VNPT VinaPhone khẳng định: “Phần lớn các đối tác ở có mặt tại đây sẽ sát cánh cùng VNPT VinaPhone, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để đưa ra những dịch vụ với chất lượng tốt nhất cho khách hàng, đem lại doanh thu cho các đối tác và vị thế cho VNPT VinaPhone. Đây cũng là lời hứa, lời cam kết của VNPT VinaPhone và chúng tôi mong muốn các đối tác cùng giám sát lời hứa của chúng tôi”.
Trước đó, một số nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng than phiền với ICTnews rằng họ bị nhà mạng lớn “chơi xấu” bằng cách mời họ sang thuyết trình về dịch vụ để hợp tác sau đó âm thầm “mượn” ý tưởng của họ để biến thành dịch vụ của mình. Ngoài ra, còn có hiện tượng các nhà cung cấp dịch vụ nội dung vi phạm bản quyền dịch vụ của nhau. Vì vậy, tại hội nghị này, nhiều nhà cung cấp dịch vụ nội dung đặt ra vấn đề về việc bảo vệ bản quyền đối với dịch vụ nội dung.
Trả lời về vấn đề đó, đại diện VNPT VinaPhone cho hay, nhà mạng này đảm bảo tôn trọng vấn đề bản quyền cũng như bảo vệ bản quyền của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung. “Khi hợp tác, chúng tôi yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ nội dung phải đưa ra được các chứng nhận về bản quyền để tránh tình trạng vi phạm bản quyền dịch vụ nội dung. Chúng tôi muốn thực hiện vấn đề này một cách nghiêm túc”, đại diện VNPT VinaPhone nói.
Trước khi tái cơ cấu lên Tổng công ty VNPt VinaPhone, VinaPhone đã có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung. Thời điểm đó, VinaPhone cho biết, có tình trạng cung cấp dịch vụ cũ trùng lặp tới 90% nên hiệu quả thấp. Trong khi đó, nhiều dịch vụ nội dung cho mảng y tế, giáo dục, nông nghiệp… vẫn còn trống. Vì vậy, VinaPhone phải tăng cường các dịch vụ trong lĩnh vực này. VinaPhone xác định các dịch vụ mới, ứng dụng nội, nội dung thông tin… không chỉ là dịch vụ “giá trị gia tăng” mà thực sự là dịch vụ xác định vị thế và tương lai của mạng di động. Để hiện thực hóa chiến lược này, VinaPhone sẽ hợp tác xây dựng các hệ thống giải pháp nền tảng, tạo môi trường, công cụ cho các đối tác quy mô vừa và nhỏ hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ đến khách hàng. VinaPhone mong muốn các nhà cung cấp giải pháp, ứng dụng và nội dung nhắm tới các thị trường tiềm năng, trong đó có các nội dung và ứng dụng phục vụ học tập và giải trí, quản lý và phát triển cá nhân và các ứng dụng hỗ trợ điều hành sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cá nhân kinh doanh. |
Theo ICTnews
Ý kiến bạn đọc