(VnMedia) - Là một trong hai chiếc smartphone đình đám được Sony giới thiệu cách đây không lâu, Xperia Z5 có nhiều điểm nhấn ấn tượng nhưng cũng không ít hạn chế không đáng có.
Ưu:
- Thiết kế đẹp
- Chất lượng hoàn thiện cao
- Camera tốt
- Quét vân tay nhanh, chính xác
Khuyết:
- Có vấn đề về nhiệt
- Phần mềm chậm
- Pin không bền như đời máy đầu
Thiết kế
Xperia Z5 mang hơi hướng thiết kế của dòng Xperia Z, tất nhiên là có thêm các chi tiết khác biệt như mép màn hình và cạnh mặt sau hơi sắc, dễ bám bụi khi để trong túi. Z5 có độ mỏng, chỉ 7,3mm nhưng do các mép không được bo tròn nên cầm nắm khó hơn HTC One A9. Sony đã tăng cường khả năng chống nước cho khe Micro-USB và tai nghe headphone. Đây là điều rất đáng khen ngợi trên Z5.
Thay đổi lớn nhất trong thiết kế chính là bộ phận quét vân tay được tích hợp thẳng vào nút power đặt ở cạnh điện thoại. Và đây có thể giải thích cho lý do tại sao Z5 lại có hình vuông bởi chỉ có thiết kế này mới phù hợp với chiều rộng của bộ phận quét vân tay.
Z5 có nhiều màu như đen, trắng, vàng và thậm chí cả màu xanh nhằm đáp ứng phong phú hơn nhu cầu của người dùng.
Nói chung, Xperia Z5 có chất lượng thiết kế và độ hoàn thiện khá tốt. Máy đạt chuẩn IP68 chống bụi, chống nước rất tốt. Bạn có thể dùng Z5 thoải mái ngoài trời mưa mà không gặp vấn đề gì.
Màn hình
Sony từng nói rất nhiều về màn hình của Z5 và chất lượng quả không hổ thẹn với hãng chuyên sản xuất màn hình TV cao cấp. Z5 sử dụng tấm nền LCD cho màn hình kích cỡ 5,2-inch, độ phân giải Full HD và mật độ điểm ảnh 423ppi.
Một chút ngạc nhiên khi độ phân giải màn hình của Z5 chỉ ở mức Full HD chứ không phải 2K (2560 x 1440 pixel). Sony nói rằng hiện vẫn chưa có nhiều nội dung hỗ trợ độ phân giải 2K nên việc trang bị màn hình có độ nét cao hơn Full HD là chưa cần thiết. Tuy nhiên, phiên bản Z5 Premium cao cấp hơn lại được trang bị màn hình lên tới 4K (3840 X 2160 pixels).
Màu sắc hiển thị của Z5 rất đẹp, rất nịnh mắt giống như các đời máy thuộc dòng Z trước đây. Bạn sẽ có nhiều lựa chọn tinh chỉnh màu sắc, chẳng hạn như chế độ X-Reality có màu rất đẹp – không chỉ về hiển thị ảnh chụp mà còn tăng cường đáng kể chất lượng hình ảnh video.
Tuy nhiên, phần tinh chỉnh màn hình của Z5 có hơi chút trục trặc. Chẳng hạn tính năng sáng tự động không chính xác; độ nhạy cảm biến màn hình hơi cao – ngay cả khi không bật tính năng sử dụng găng tay.
Phần cứng
Xperia Z5 được trang bị vi xử lý Qualcomm Snapdragon 810 và RAM 3GB. Khá ngạc nhiên khi Sony vẫn dùng dòng chip Snapdragon 810 từng gặp sự cố quá nhiệt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, thực tế sử dụng cho thấy Z5 chạy mát mẻ và không có hiện tượng nóng bất thường.
Kể cả khi bạn thực hiện nhiều tác vụ cùng lúc như kiểm tra e-mail, lướt web, vào bản đồ, phát video... Z5 vẫn chạy ổn. Chỉ khi chơi game nặng về đồ họa thì Z5 mới nóng lên. Tuy nhiên, độ nóng vẫn chấp nhận được chứ không tới mức nóng rẫy tay.
Z5 đủ nhanh để chạy nhiều ứng dụng tuy thỉnh thoảng vẫn có hiện tượng trễ. Nguyên nhân được cho là do phần mềm chưa được tối ưu chứ không phải hiệu năng phần cứng yếu.
Pin
Xperia Z5 có pin 2.900mAh, nhỏ hơn một chút so với các model trước đây. Sony từng có tiếng về pin "khủng" nhưng có vẻ Z5 lại hơi yếu thế. Tuy Z5 có thời lượng sử dụng pin trọn ngày nhưng rõ ràng nó không thể bằng với các đời máy trước. Bạn nên nâng cấp Z5 lên hệ điều hành Android 6.0 Marshmallow để có thời lượng pin tốt hơn.
Quét vân tay
Rất dễ thiết lập tính năng này trên Z5 và có tốc độ mở khóa rất nhanh. Tuy nhiên, quét vân tay trên Z5 không nhanh và đáng tin cậy bằng Huawei Mate S và HTC One A9.
Phần mềm
Z5 chạy trên nền tảng Android 5.1.1 Lollipop nhưng có thể dễ dàng nâng cấp lên Android 6.0 Marshmallow. Máy được cài sẵn rất nhiều phần mềm của nhà sản xuất nhưng không phải phần mềm nào trong số này cũng hữu ích với người dùng.
Có cảm giác phần mềm trên Z5 chạy chưa được mượt mà. Chẳng hạn khi chuyển từ ứng dụng camera sang xem ảnh rất chậm; hay khi chia sẻ ảnh cũng gặp hiện tượng trễ, khá bất thường so với những chiếc điện thoại Android khác.
Đàm thoại, âm thanh và loa
Chiếc smartphone Android mới của Sony được trang bị 2 loa mặt trước thuận tiện cho nghe nhạc, chơi game và xem phim. Mặc dù chất lượng âm thanh không phong phú bằng loa BoomSound trên dòng One của HTC nhưng trải nghiệm nghe vẫn đáng khen ngợi. Z5 hỗ trợ nhiều định dạng file âm thanh cao cấp kết hợp với khả năng chống nhiễu âm thanh khi sử dụng với tai nghe chuẩn.
Camera
Z5 trang bị cảm biến 1/2.3" độ phân giải 23MP mới cho camera chính với khả năng chống rung quang học, ống kính góc rộng 24mm, công nghệ lấy nét lai Hybrid AF (một dạng lấy nét nhanh kết hợp giữa lấy nét tương phản và lấy nét theo pha).
Z5 có nút vật lý bên cạnh máy để kích hoạt nhanh chế độ chụp ảnh, đồng thời dùng để lấy nét và chụp ảnh. Khả năng lấy nét tự động của chiếc smartphone này khá tốt. Máy có thể lấy nét được vật thể chỉ cách 10cm – có nghĩa là chụp cận cảnh khá tốt.
Cũng cần chú ý rằng không phải lúc nào Z5 cũng dùng độ phân giải 23MP. Khi trong chế độ "Superior Auto", bạn chỉ có thể chụp được ảnh 8-megapixel giúp giảm độ nhiễu ảnh và trông ảnh nét hơn.
Bạn vẫn có thể chọn chế độ chụp ảnh độ phân giải cao hơn khi chuyển sang chế độ chụp thủ công. Tuy nhiên, ở chế độ này cũng có một số giới hạn, kiểu như được cái nọ thì mất cái kia. Nếu bạn bật chống rung quang học thì sẽ không chỉnh được ISO, ngoài ra còn nhiều hạn chế khác.
Camera chính của Z5 có tốc độ nhận dạng khung cảnh tự động rất nhanh. Trong điều kiện ánh sáng đầy đủ, Z5 cho chất lượng ảnh chụp rất đẹp và thực sự ấn tượng. Tuy nhiên, trong điều kiện ánh sáng nhân tạo hoặc kém sáng, chất lượng ảnh của Z5 lại khá thất vọng. Ảnh mất nhiều chi tiết và trông như bị rung tay mặc dù máy vẫn bật tính năng chống rung quang học.
Z5 có thể quay được video ở độ phân giải 4K UHD với tốc độ 30fps và tỉ lệ dữ liệu khoảng 55Mbps. Khi quay video 4K, máy có hiện tượng nóng nên. Cụ thể, chỉ cần quay khoảng 20 phút, máy sẽ bật cảnh báo quá nhiệt. Chính vì vậy, quay video 1080p vẫn là lựa chọn hợp lý nhất trên Z5. Ở chế độ quay video này, chất lượng hình ảnh rất tốt, mượt mà và sắc nét.
Camera 5MP mặt trước của Z5 selfie cũng rất tốt. Nó hỗ trợ tính năng HDR và tối ưu màu da khi chụp.
B.H (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc