(VnMedia) - Năm 2017, nguồn vốn ngoại đổ vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) đứng thứ 3 trong các lĩnh vực; ngành kinh doanh BĐS tiếp tục có số vốn đăng ký mới nhiều nhất lên tới 388.376 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo cần cẩn trọng với vốn đổ vào BĐS tăng cao.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến 20/12/2017, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với tổng số vốn 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh BĐS với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhiều dự án lớn được cấp phép
Đến cuối năm 2017, cả nước có 2.591 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 21,27 tỷ USD, tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm trước. Điều này phản ánh một thực tế việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ đã thực sự có chuyển biến rõ nét.
Năm 2017, cả nước cũng đã chứng kiến nhiều dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt cấp phép. Cụ thể: Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất khoảng 1.200 MW.
Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao nhà máy nhiệt điện đốt than với công suất tinh 1.320MW.
Dự án SamSung Display Việt Nam điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại Bắc Ninh.
Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
Dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn tại Kiên Giang.
Dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2, tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư mới mục tiêu kinh doanh bất động sản tại Tp.HCM.
Nguồn vốn đăng ký lớn như vậy nhưng cần đánh giá khả năng hấp thụ dòng tiền; xem nguồn vốn đăng ký đó là nguồn tự có của doanh nghiệp, vay từ ngân hàng hay đầu tư của nước ngoài.
Nở rộ doanh nghiệp bất động sản
Ngoài ra, dự án Luật Hành chính – Kinh tế đặc biệt đang được Chính phủ trình lên Quốc hội bấm nút thông qua cũng đang tạo tiền đề cho dòng vốn nước ngoài vào đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, dịch vụ cảng biển, trung tâm thương mại tài chính…
Trong năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.295.911 tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký.
Số vốn đăng ký của năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016 tiếp tục tập trung cao ở loại hình công ty cổ phần, tiếp đến là loại hình công ty TNHH một thành viên, loại hình công ty TNHH nhiều thành viên, loại hình doanh nghiệp tư nhân…
Khu vực Đông Nam bộ tiếp tục dẫn đầu trong cả nước với số vốn đăng ký là 680.639 tỷ đồng; Đồng bằng sông Hồng đứng thứ hai có 306.260 tỷ đồng; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có 160.297 tỷ đồng. Thấp nhất là Tây Nguyên có 24.118 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong năm 2017, ngành kinh doanh BĐS tiếp tục có số vốn đăng ký mới nhiều nhất là 388.376 tỷ đồng, chiếm 30%; Tiếp đến là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 198.042 tỷ đồng, chiếm 15,3%; Xây dựng có 190.823 tỷ đồng, chiếm 14,7%…
Theo Ts. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, trong nhiều năm trở lại đây, nguồn vốn FDI vào BĐS luôn đứng thứ 2, thứ 3 trong cơ cấu đầu tư FDI, đây là vấn đề không có gì bất ngờ.
Hơn nữa, hiện nay, Nhà nước cho phép các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào BĐS cộng thêm thị trường BĐS ấm lên đã tạo khả năng cung – cầu cao nên hấp dẫn thị trường.
Tuy nhiên, Ts. Nguyễn Minh Phong cũng chỉ ra rằng trên thực tế, nguồn vốn vào FDI cao, nhưng khi thực hiện không khả thi, nhiều dự án đăng ký để đó, trong đó có một số dự án BĐS của Trung Quốc không thực hiện được đã phải bán lại cho các nhà đầu tư trong nước khác.
Đánh giá về nguồn vốn đăng ký trong lĩnh vực BĐS tăng cao, Ts. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng nguồn vốn đăng ký lớn như vậy nhưng cần đánh giá khả năng hấp thụ dòng tiền; đồng thời phải xem nguồn vốn đăng ký đó là nguồn tự có của doanh nghiệp, vay từ ngân hàng hay đầu tư của nước ngoài chiếm tỷ trọng như thế nào.
“Nếu nguồn vốn mà doanh nghiệp vay từ ngân hàng thì cần cẩn trọng bởi nợ xấu của nền kinh tế hiện nay vẫn chưa giải quyết xong”, Ts. Ngô Trí Long cảnh báo.
Khánh An