HoREA phản pháo kiến nghị giải cứu condotel

16:47, 26/12/2017
|

(VnMedia) - Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa đưa ra văn bản góp ý về các giải pháp “giải cứu” mô hình condotel, officetel của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) vừa có tờ trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Luật Đất đai 2013, trong đó có nhiều nội dung làm rõ tính pháp lý cho condotel và officetel.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ra 2 giải pháp, thứ nhất 1: Các công trình này nếu có chức năng để ở thì xác định là đất ở, thời hạn sử dụng đất của chủ dự án là 50-70 năm theo quy định. Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài.

Giải pháp 2: Vẫn giữ nguyên theo quy định của Luật Đất đai xác định là loại đất thương mại dịch vụ. Thời hạn sử dụng đất của dự án là 50-70 năm theo quy định. Chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong thời hạn dự án.

Theo Bộ TN&MT đối với giải pháp 1, việc quy định chế độ sử dụng đất hỗn hợp condotel và officetel sẽ phá vỡ tiêu chuẩn về loại hình tiêu chuẩn các căn hộ để sử dụng vào mục đích để ở hoặc để kinh doanh làm văn phòng làm việc. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Đối với giải pháp 2 sẽ đảm bảo được việc sử dụng đất đúng mục đích là đất thương mại dịch vụ dùng để kinh doanh và không làm phá vỡ tiêu chuẩn về loại hình căn hộ để ở và văn phòng để làm việc. Tuy nhiên, sẽ không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển của xã hội dẫn đến khó thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư.

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Bộ TN&MT. Nêu tại văn bản này, Hiệp hội cho rằng, cả hai giải pháp nêu trên của Bộ TN&MT đều bất cập và không hợp lý.

HoREA cho biết: Giải pháp 1 thực chất là giữ nguyên quy định hiện nay của Luật Đất đai 2013, vì Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã giải quyết được vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các loại sản phẩm này; thậm chí nếu căn officetel nằm trong cùng một tòa nhà chung cư căn hộ bình thường thì cũng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài. Giải pháp 1 đã không giải quyết được yêu cầu được đặt ra từ thực tế cuộc sống là phải có cơ chế quản lý nhà nước về quyền sử dụng đất một cách hiệu quả, minh bạch, và không làm thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước đối với loại hình bất động sản mới là officetel, serviced apartment, shophouse; condotel, nhà phố, biệt thự trong resort; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lựa chọn Giải pháp 1.

Đồng thời, Hiệp hội cũng nhận thấy Giải pháp 2 có điểm chưa thật chuẩn vì nếu officetel, serviced apartment, shophouse; condotel, nhà phố, biệt thự trong resort “có chức năng để ở thì xác định là đất ở” là chưa thật đúng, bởi lẽ, theo Luật Đất đai thì loại đất ở khác với loại đất thương mại dịch vụ du lịch. Trên thực tế, vấn đề phải giải quyết hiện nay là đối với loại officetel, serviced apartment, shophouse được xây dựng trên đất có chức năng thương mại dịch vụ; condotel, nhà phố, biệt thự trong resort được xây dựng trên đất có chức năng hoạt động du lịch, mà nhiều chủ đầu tư đang “quảng cáo” sẽ cấp sổ đỏ “đất ở không hình thành đơn vị ở” (Vẫn có những thửa đất ở được chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh loại hình officetel, serviced apartment, condotel, nhà phố, biệt thự trong resort).

Khánh An