(VnMedia) - Vay nóng 800 triệu đồng nhưng không có khả năng trả, gia đình ông V.V. T đã bị chủ nợ ép ký tên công chứng bán nhà có giá trị cao gấp nhiều lần số tiền đã vay.
Năm 2012, ông V.V.T ( tại tổ 1, khối 1B, Đông Anh, Hà Nội) cho chị ruột V. T. N mượn sổ đỏ căn nhà đang ở để vay tín dụng đen của người phu nữ tên H (trú Đông Anh, Hà Nội) số tiền 800 triệu đồng, lãi suất vay 3.000 đồng/triệu/ngày.
Để có thể vay được khoảng tiền này, gia đình ông T đã phải ký vào hợp đồng công chứng mua bán căn nhà cho bà H, kèm theo đó, bà H yêu cầu ông T ký một hợp đồng thuê lại chính căn nhà của mình để ở trong vòng 3 tháng.
Theo ông T, do thiếu hiểu biết về pháp luật và quá tin tưởng vào người chị ruột, ông T đã cho mượn sổ đỏ để vay nóng tiền làm ăn. “Gia đình tôi không có nhu cầu bán nhà và vay tiền. Nhưng, khi chị N đề nghị được mượn sổ đỏ để vay nóng tôi đã đồng ý. Khi họ đề nghị tôi ký hợp đồng công chứng, họ chỉ nói ký để làm tin và sau khi chị N trả hết tiền thì bà H sẽ làm thủ tục công chứng bán lại căn nhà này cho tôi. Tuy nhiên, đến năm 2015, bà H đã cho nhiều đối tượng đến nhà tôi để yêu cầu vợ chồng tôi phải bàn giao ngôi nhà cho bà H. Sau khi tìm hiểu, tôi được biết bà H đã bán ngôi nhà của tôi cho gia đình bà L (trú tại Đông Anh). Hiện tại, sổ đỏ đang đứng tên bà L” - ông T nói.
Bà N (vợ ông T) nhớ lại, sau đó vợ chồng tôi đồng ý cho chị N mượn sổ đỏ để vay, chị N và cô H có đưa vợ chông tôi đến quán nước mía ở cạnh nhà cô H để ký công chứng hợp đồng mua bán căn nhà. Lúc đó, vợ chồng tôi đã thắc mắc có bán nhà đâu mà ký giấy sang nhượng thì được cô H giải thích đây chỉ là thủ tục làm bằng chứng trả nợ, ai vay đều phải làm như vậy. Do không hiểu biết pháp luật, chúng tôi đã tin lời cô H nên ký vào hợp đồng mua bán nhà đất. Chúng tôi không biết rằng, ký vào giấy đó là đã bán nhà cho cô H với giá vài trăm triệu đồng, trong khi giá thị trường căn nhà lên tới gần 3 tỷ đồng. Sau khi ký hợp đồng công chứng, chúng tôi còn được bà H yêu cầu ký khống vào một số giấy tờ khác. Và toàn bộ giấy tờ, sổ đỏ đã được bà H cầm hết.
Đại diện văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Đông Anh cho biết, sau khi nhận được đơn thư của gia đình ông T, ngày 11/4/2017, văn phòng đăng ký đất đai đã tổ chức một buổi đối thoại giữa hai bên. Văn phòng đã hướng dẫn gia đình ông T khẩn trương liên hệ với cơ quan tòa án nhân dân và cung cấp tài liệu chứng minh đã thụ lý vụ việc và có văn bản đề nghị tạm ngừng giao dịch đối với thửa đất nhà ông T.
Bởi theo quy định của pháp luật (điểm b khoản 1 điều 188 Luật Đất đai, điểm b khoản 1 điều 91 Luật Nhà ở) thì một trong những điều kiện để cá nhân, tổ chức thực hiện giao dịch tài sản nhà đất không có tranh chấp. Nếu cá nhân, tổ chức có yêu cầu tạm ngừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì phải chứng minh được là tài sản đó hiện có tranh chấp. Thời gian để chứng minh là 30 ngày.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm tạm ngừng giải quyết thủ tục đăng ký chuyển nhượng khi cá nhân, tổ chức nộp đơn đề nghị tạm ngưng việc thực hiện thủ tục kèm theo các tài liệu chứng minh như văn bản thụ lý giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai; văn bản thụ lý việc giải quyết tranh chấp hợp đồng, giao dịch có đối tượng tranh chấp…
Bà Trần Thị Quỳnh Nga - Giám đốc văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Đông Anh cho biết, thông thường khi làm thủ tục đăng ký biến động đất đai, cơ quan đăng ký chỉ cần căn cứ vào các hồ sơ pháp lý mà cơ quan công chứng đã hoàn thành. Chúng tôi không thể nắm hết được các mối quan hệ dân sự bên ngoài của các bên. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp, chúng tôi có trách nhiêm hướng dẫn các bên liên hệ các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạm dừng việc đăng ký trong vòng 30 ngày để các bên cung cấp hồ sơ tài liệu chứng minh. Đối với trường hợp gia đình ông T, chúng tôi đã tạm dừng nhưng quá thời hạn hai bên không cung cấp được tài liệu chứng mình vì vậy chúng tôi vẫn phải làm thủ tục cho người mua.
Ý kiến bạn đọc