Bất động sản TP.HCM: Tranh chấp chung cư gia tăng

09:43, 05/11/2017
|

(VnMedia) - Báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho biết, tình hình tranh chấp chung cư tại TP.HCM trong 10 tháng qua tiếp tục gia tăng, toàn thành phố có 935 chung cư cao tầng thì đã có đến 105 chung cư đang có tranh chấp.

 

Các tranh chấp chủ yếu là tranh chấp do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban quản trị, chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư, tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê...), tranh chấp về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư của các hộ dân nộp hàng tháng, về chất lượng xây dựng chung cư, chất lượng thiết bị; công trình phòng cháy chữa cháy.

Đặc biệt gay gắt là nhiều trường hợp chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết, chưa làm "sổ đỏ" cho người mua nhà qua nhiều năm, trong đó có nhiều trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp căn hộ và dự án cho ngân hàng mà không giải chấp, hoặc chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã đưa dân vào ở không đảm bảo an toàn.

Về thị trường nhà ở, trong 9 tháng đầu năm 2017, TP.HCM đã có 61 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 28.639 căn (trong đó, có 25.320 căn hộ chung cư, 3.319 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị cần huy động vốn lên đến 61.102 tỷ đồng.

Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.451 căn, chiếm tỷ lệ 26%, phân khúc trung cấp có 13.976 căn, chiếm tỷ lệ 48,8%, phân khúc bình dân có 7.212 căn, chiếm tỷ lệ 25,2%. Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền (trung cấp và bình dân) chiếm tỷ trọng lớn nhất đến 74% trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong 9 tháng đầu năm.

Đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ).

Tuy nhiên, tỷ lệ căn hộ bình dân vẫn còn khá thấp (chỉ chiếm 25,2%) chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang, công nhân lao động, sinh viên, người thu nhập thấp đô thị và người nhập cư.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm nhìn chung vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng, vẫn giữ được sự phát triển tương đối ổn định, nhưng trong trạng thái chững lại, và vẫn còn dấu hiệu tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng thiếu cân đối sản phẩm nhà ở, lệch pha cung - cầu, nguồn cung nhà ở xã hội, căn hộ nhà ở thương mại loại vừa và nhỏ, có 1-2 phòng ngủ, có giá bán vừa túi tiền rất thiếu. trong lúc phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có dấu hiệu cung vượt cầu.

Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; đồng thời với việc gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc