Nhiều chung cư chiếm dụng quỹ bảo trì 2%

11:24, 10/10/2017
|

(VnMedia) - Mặc dù đã có quy định của luật pháp song “cuộc chiến” quỹ bảo trì chung cư 2% chưa bao giờ hết nóng, do nhiều chủ đầu tư “nhờn luật” không trao lại quỹ này cho đại diện dân cư.

Chung cư CT12 Văn phú Hà Đông
Chung cư CT12 Văn phú Hà Đông

Mấy năm trở lại đây, “cuộc chiến” về quỹ bảo trì chung cư liên tục diễn ra, mức độ ngày càng gay gắt. Hầu hết các cuộc tranh chấp này đều do chủ sở hữu không bàn giao hoặc không bàn giao hết số quỹ 2% cho ban quản trị.

Công ty CP May Hồ Gươm - chủ đầu tư dự án Hồ Gươm Plaza ở Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) mới trả lại một phần quỹ bảo trì cho cư dân, sau khi cư dân nơi đây kiên quyết đấu tranh đòi lại.

Chung cư cao cấp Keangnam trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm), quỹ bảo trì lên tới hơn 120 tỷ đồng cũng bị chủ đầu tư chây ì và chỉ được trả lại cho quỹ bảo trì sau khi cư dân tòa nhà này đã rất vất vả đấu tranh trong nhiều năm để đòi lại số tiền này.

Cư dân đơn nguyên 1 và 3 tòa nhà CT3, KĐT mới Trung Văn (Nam Từ Liêm) đã gửi đơn ra Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư - công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng, về việc cố tình chây ì bàn giao hơn 6 tỷ đồng quỹ bảo trì.

Ban quản trị chung cư Thăng Long Garden (250 - Minh Khai, Hà Nội) tố giác chủ đầu tư là công ty CP May Thăng Long đã tự ý sử dụng hàng chục tỷ đồng quỹ bảo trì của dự án, đến nay mất khả năng hoàn lại cho cư dân…

Ngoài ra, còn một số dự án trước năm 2005 đã đi vào sử dụng như Linh Đàm, Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Mỹ Đình - Sông Đà… đang vấp phải những khó khăn, do các KĐT này được xây dựng trước năm 2005 chưa có quy định trích quỹ bảo trì 2% dành cho việc sửa chữa, bảo dưỡng các tòa nhà này. Trong khi đó, hiện nay các khu này đang bắt đầu cần phải sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục đã xuống cấp.

Quỹ bảo chung cư tính mỗi hộ gia đình không phải là lớn, chỉ 2% từ tổng số tiền mà người mua nhà phải trả. Tuy nhiên, mỗi dự án có hàng vài trăm, vài nghìn căn hộ, thì QBT 2% cho cả tòa nhà, cả dự án không hề nhỏ.

Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (QLN&TTBĐS) cho hay, những tranh chấp này xảy ra chủ yếu từ những dự án đầu tư xây dựng những năm 2010 - 2011, khi đó, Luật Nhà ở, các quy định quản lý chung cư đang trong quá trình hoàn thiện, trong hợp đồng chưa thể hiện rõ quyền lợi, trách nhiệm của các chủ thể.

Nhưng thực tế, không chỉ những dự án đầu tư xây dựng từ những năm 2010 - 2011 trở về trước, mà những dự án sau thời gian này cũng đang xảy ra các tranh chấp này.

Câu hỏi mà người dân luôn đặt ra: Tại sao số quỹ 2% đã được trích gửi tại các ngân hàng thương mại (NHTM) chủ đầu tư vẫn tự ý sử dụng quỹ đó, mà không được sự đồng ý của cư dân? Phải chăng, NHTM không có vai trò gì trong việc quản lý quỹ? Phải chăng Luật Nhà ở năm 2014 vẫn còn kẽ hở cho các chủ đầu tư thực hiện hành vi này?

Theo Luật sư Nguyễn Quang Ngọc - công ty Luật quốc tế Thiên Việt, ở phương diện pháp lý, đã có quy định của pháp luật về vấn đề bảo trì tòa nhà chung cư, tuy nhiên, lại không có chế tài để những đơn vị đang giữ những khoản tiền đó buộc thực hiện theo quy định của pháp luật.

Thực tế đã có nhiều giải pháp mà các chuyên gia hiến kế, ngay từ khi có giao dịch bất động sản, NHTM cần tách phần phí đó ra để tránh việc chủ đầu tư sử dụng. Khoản tiền đó được phong tỏa ngay tại NHTM, gộp phần lãi nhất định từ khi người mua tham gia giao dịch.

Theo quy định, trong vòng 7 ngày thành lập quỹ bảo trì thì chủ đầu tư phải bàn giao lại quỹ đó. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều BQT được thành lập nhưng chủ đầu tư lại không giao phí.

“Nên có một chế tài nghiêm khắc để buộc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý sử dụng QBT thì sẽ hay hơn các giải pháp mới trong vấn đề này”, luật sư Ngọc hiến kế.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Cục trưởng Cục QLN&TTBĐS, cho rằng đã là luật phải thực hiện theo luật. Vi phạm pháp luật phải bị xử lý.

Câu chuyện vi phạm quỹ bảo trì chung cư cho thấy pháp luật không nghiêm minh, vì nếu nghiêm minh thì không chủ đầu tư nào dám làm sai. Nếu chậm trả lại cho ban quản trị, chủ đầu tư sẽ bị phạt. Chậm nữa thì cấm chủ đầu tư không được đầu tư trên địa bàn và nếu không trả lại thì xử lý hình sự. Tuy nhiên phải quy định rõ trách nhiệm cho một cá nhân cụ thể, không thể quy cho cả tập thể.

Khánh An


Ý kiến bạn đọc