(VnMedia) - Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra ngày càng nhiều nhưng công trình vi phạm không bị tháo dỡ, vẫn được tồn tại mà chỉ phạt hành chính, khiến vi phạm ngày càng nhiều vì… “nhờn”.
Phát biểu tại buổi họp báo tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho hay, theo thống kê, cả nước ước chừng có khoảng 60.000 giấy phép khác nhau gồm cả dự án lớn và nhỏ. Tình trạng vi phạm giấy phép (không phép, sai phép) thì phải xem xét trong cả quá trình.
Theo đó, hệ thống văn bản pháp luật quản lý trật tự xây dựng, hướng dẫn cấp phép xây dựng ngày càng được hoàn thiện. Việc xử lý thì có chế tài, theo Nghị định 180 về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị và Nghị định 121 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Hiện tỷ lệ công trình vi phạm giảm đi hàng năm, trong 5 năm qua giảm khoảng 10-20%.
Với các công trình không phép thì phải thực hiện thủ tục xin phép, nếu không thì cưỡng chế phá dỡ. Công trình sai phép thì đối chiếu với giấy phép, nếu không thể thay đổi giấy phép thì cũng buộc phải phá dỡ.
Còn vấn đề hồi tố, với công trình đã xây dựng 5-10 năm trước đây, bản chất cũng là tài sản. Khi giải quyết vấn đề tồn tại, nếu sai phạm này vẫn phù hợp với quy hoạch thì xử lý và yêu cầu nộp phạt phần chênh lệch.
"Quan điểm xử lý của Bộ là sai phép, không phép thì phải đình chỉ thi công. Không giấy phép là phải làm các thủ tục để xin phép, có thể cưỡng chế phá dỡ. Sai phép đình chỉ thi công, đối chiếu giấy phép và quy hoạch. Chưa được cấp phép thì phải hoàn thiện đúng quy định", Thứ trưởng Hùng nêu.
Ông nhấn mạnh: “Cần xem lại bản chất việc xây dựng sai phạm vẫn là tài sản. Nếu đang xây tức thời thì phải xử lý. Còn nếu đã xây xong rồi, nếu phù hợp quy hoạch, sẽ thu phần chênh lệch do sai phạm mà có”.
Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng Bùi Trung Dung cho rằng, Luật Xây dựng 2014 có tư tưởng mới, không hành chính hoá trong hoạt động quản lý nhà nước, theo tinh thần Chính phủ phục vụ. Do vậy, quản lý giấy phép xây dựng trên cơ sở quy hoạch để tránh tuỳ tiện trong việc cấp phép.
Việc quản lý trật tự xây dựng trong giai đoạn trước khi mà công tác phủ kín quy hoạch thấp khiến cơ quan quản lý cấp phép có biểu hiện “xin - cho” tuỳ tiện. Bởi vậy, có những vi phạm khó cưỡng chế phá dỡ vì vẫn thiếu căn cứ pháp lý; có sai phạm chỉ là hành chính hoá. Nếu vi phạm đó không ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc hoặc xảy ra từ trước đó thì không phá dỡ; chỉ phá dỡ khi ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc.
Từ khi có Nghị định 64 về cấp giấy phép xây dựng, quản lý cấp phép xây dựng tương đối thông thoáng, tỷ lệ vi phạm xây dựng giấy phép giảm hẳn. Gần đây, mặc dù Luật Xây dựng đã quy định cụ thể nhưng thủ tục đất đai vẫn chưa quy định rõ lắm.
"Trong khi đó, cấp phép xây dựng thì phải có giấy tờ rõ ràng về nguồn gốc đất đai. Vậy nên, bộ thủ tục đất đai về cấp phép xây dựng cần được hoàn thành sớm với kỳ vọng tháo gỡ khoảng 70% khó khăn về cấp phép xây dựng" - ông Dung phân tích.
Khánh An
Ý kiến bạn đọc