(VnMedia) - Tình trạng công trình xây sai phép tại Hà Nội diễn ra ngày càng đáng báo động, điều đáng nói, là những vi phạm không còn ở mức đơn giản như trước, mà thậm chí còn ngang nhiên xảy ra mặc cho lệnh cấm hay cảnh báo từ cơ quan chức năng.
Theo báo cáo của Sở xây dựng Hà Nội, trong giai đoạn năm 2015-2016, Hà Nội có tổng cộng là 973 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng từ đầu năm 2017 đến nay, Thành phố đã xử lý 558/973 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015-2016.
Theo ghi nhận, nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, đồng thời cũng xuất hiện tình trạng mặc cho những vi phạm đã được cảnh báo, nhiều công trình vẫn ngang nhiên thi công, bất chấp quy định của pháp luật.
Mới đây, trong báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội, Đoàn Thanh tra liên ngành đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của 50 dự án được lựa chọn ngẫu nhiên để thanh tra liên quan đến vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng và sử dụng đất. Trong số này, có nhiều dự án vi phạm nhiều lỗi cùng lúc vẫn được phép tồn tại nhiều năm.
Có thể kể tên như: Dự án chung cư số 143, ngõ 85 Hạ Đình (Thanh Xuân), do Tổng Cty TN&MT Việt Nam và Cty CP Đầu tư 135 làm chủ đầu tư đã tự ý xây tăng hàng chục căn hộ, xây dựng 4 căn hộ thông tầng 20 lên 21, xây dựng tầng 22 không có trong giấy phép xây dựng (GPXD).
Ngoài ra, dự án này còn đưa vào sử dụng khi chưa được phê duyệt nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC). Công ty Đầu tư phát triển đô thị và thiết bị vật tư Hà Nội 1, chủ đầu tư dự án khu nhà ở kết hợp dịch vụ công cộng trên đường Nguyễn Tuân thì tự ý xây 2 tầng chung cư ngoài giấy phép xây dựng, xây dựng sai giấy phép nhiều diện tích, chưa nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích sử dụng thêm ngoài diện tích trúng đấu giá, chưa được nghiệm thu PCCC.
Với dự án Skylight 125D Minh Khai (Hai Bà Trưng), do Tổng Cty Cơ khí xây dựng làm chủ đầu tư, đoàn Thanh tra liên ngành kết luận, chủ đầu tư đã tăng số lượng căn hộ các tầng, sử dụng tầng áp mái sai mục đích, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính tiền chênh lệch giữa giá bán và giá thành xây dựng đối với quỹ nhà 20%.
Dự án khu nhà ở Mễ Trì do Cty CP Đầu tư và Phát triển nhà số 68 làm chủ đầu tư bị “điểm danh” 4 vi phạm, bao gồm: Chưa được nghiệm thu tổng thể PCCC, chưa nộp đủ tiền chênh lệch giữa giá thành và giá trị xây dựng đối với 46 căn thấp tầng theo số tiền tạm tính của cục thuế, tự ý bán 10 căn hộ cho Quỹ đầu tư phát triển khi chưa được UBND thành phố chấp thuận, tự điều chỉnh tăng số lượng căn hộ cao tầng, chưa hoàn thành công tác GPMB.
Dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng, chủ đầu tư xây tăng 2 tầng so với giấy phép xây dựng, công trình sử dụng khi chưa được nghiệm thu PCCC.
Dự án Golden West (quận Thanh Xuân) của chủ đầu tư Công ty CP Phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) cũng bị các khách hàng tố hàng loạt sai phạm như: Ép khách hàng nhận nhà khi còn nhiều hạng mục dở dang, khiến người dân rất bất an. Hệ thống PCCC cũng chưa được nghiệm thu.
Dự án Hồ Gươm Plaza cũng vừa bị xử phạt do có nhiều vi phạm nghiêm trọng về xây dựng. Cụ thể, chủ đầu tư đã xây dựng thêm từ tầng 6 đến tầng 10 mỗi tầng 2 căn hộ; từ tầng 11 đến tầng 29, chủ đầu tư cũng xây thêm mỗi tầng 2 căn hộ; từ tầng 14 đến tầng 29, chủ đầu tư còn xây dựng thêm 1 căn hộ (căn H2) tại vị trí trục 10 - 11 giao với trục G - E.. Điều này đã khiến tổng số căn hộ tại dự án tăng thêm 64 căn hộ.
Những vi phạm của các doanh nghiệp vừa được “điểm danh” đều diễn ra công khai, vi phạm có quy mô lớn nhưng chính quyền địa phương, cùng các đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ giám sát đã không phát hiện và xử lý kịp thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng bán đi số căn hộ vi phạm.
Trong lúc chủ đầu tư ngồi thu lợi, thì khách hàng mua những căn hộ vi phạm sẽ phải đánh cược số phận với giải pháp tháo gỡ của thành phố, vì căn hộ vi phạm không được làm sổ đỏ.
Đồng nghĩa, khách hàng đã bỏ “tiền tươi” mua căn hộ vi phạm buộc phải đóng vai như “con tin” cho doanh nghiệp được hợp pháp hóa diện tích vi phạm, bởi căn hộ đã vào ở thì không dễ cưỡng chế.
Khánh An
Ý kiến bạn đọc