Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực đã khởi kiện UBND quận Ba Đình

21:16, 29/08/2017
|

Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực cho biết, đơn vị đã khởi kiện UBND quận Ba Đình ra tòa án gần 1 năm, tòa đã thụ lý nhưng chưa có ý kiến gì với doanh nghiệp.

Chiều 29/8, ông Lê Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Lê Trực cho biết, đại diện công ty đã kiến nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo dừng ngay việc phá dỡ công trình 8B Lê Trực giai đoạn 2, bồi thường thiệt hại cho người mua nhà và chủ đầu tư do những quyết định hành chính ban hành sai quy định gây ra trong thời gian qua.

Theo ông Hùng, dự án 8B Lê Trực đã được hơn 11 năm kể từ ngày làm thủ tục đầu tư và đã 3 năm tổ chức phá dỡ công trình khi đã hoàn thiện nhưng dự án vẫn bỏ không, án binh bất động, không thể đưa vào khai thác do bị cơ quan chức năng phong toả.

“Quyền lợi chính đáng của của người mua nhà và của doanh nghiệp đang bị xâm hại. Chúng tôi có trách nhiệm với khách hàng, cũng đã làm hết sức, cầu cứu nhiều nơi nhưng không có kết quả. Bất đắc dĩ là chúng tôi phải khởi kiện UBND quận Ba Đình ra tòa án nhân dân TP Hà Nội, nhưng tròn 1 năm rồi, toà đã thụ lý nhưng vẫn chưa có ý kiến gì với doanh nghiệp", ông Hùng thông tin.

Ông Hùng khẳng định, công trình 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND thành phố phê duyệt. Việc cưỡng chế phá dỡ không căn cứ vào quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng là không đúng quy định. Trong khi giấy phép này cấp không đúng Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt và Tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam về nhà ở cao tầng. Công trình cũng thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng.

 

“Thành phố đã phá vỡ cam kết với doanh nghiệp trong việc chủ đầu tư đã bàn giao đất mở đường Trần Phú và được phê duyệt quy hoạch chi tiết với chiều cao công trình là 70m và 20 tầng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng nhắc tới việc phá vỡ giật cấp sẽ ảnh hưởng tới kết cấu chịu lực và tuổi thọ công trình” – ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, để được phê duyệt quy hoạch có quy mô chiều cao công trình 69,1m và 20 tầng, Công ty cổ phần May Lê Trực đã cam kết và thực hiện xong việc bàn giao cho thành phố 1.941m2 đất để mở đường Trần Phú kéo dài với điều kiện không yêu cầu thành phố phải đền bù diện tích tương đương khác. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã bị hồi tố, ép buộc cấp giấy phép với chiều cao công trình chỉ còn 53m và 18 tầng, không giống với thiết kế ban đầu.

Khi được hỏi tại sao tại thời điểm bị hồi tố, cấp giấy phép không đúng với quy hoạch chi tiết (năm 2014) mà phía doanh nghiệp không có phản hồi ngay, ông Hùng nói: "Chúng tôi không kêu ngay từ đầu mà thậm chí khi bị kết luận sai phạm còn xin phá dỡ tầng 19 là để cho êm chuyện, để không có lùm xùm ra ngoài. Nhưng giờ khổ như vậy, bức xúc lắm nên chúng tôi phải nói ra. Đó là cách giải quyết của chúng tôi".

Ông Lê Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Lê Trực. Ảnh: Tùng Lâm
Ông Lê Văn Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Lê Trực. Ảnh: Tùng Lâm

Trước đó, đầu tháng 1/2017, trao đổi với PV VTC News, ông Đàm Văn Long - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc – đơn vị ký hợp đồng tháo dỡ phần vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực cho biết, công ty đã đề xuất dừng thi công phá dỡ giai đoạn 2 và tháo dỡ cẩu trục tháp, vận thăng lồng tại công trình 8B Lê Trực do lo ngại các vấn đề về an toàn.

Cụ thể, phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà sẽ phải bỏ hầu như các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà.

“Từ những lý do trên chúng tôi nhận thấy việc phá dỡ giai đoạn 2 nếu tiến hành nguy cơ mất an toàn rất cao,” lãnh đạo Tập đoàn Phương Bắc cho hay.

Trước nguy cơ mất an toàn, Tập đoàn Phương Bắc “xin đề nghị dừng phá dỡ giai đoạn 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực”.

Liên quan đến vấn phá dỡ phần vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực, PGS.TS, Kiến trúc sư Tôn Thất Đại, Giảng viên trường ĐH Xây Dựng Hà Nội cũng đưa ra nhận định, do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 rất khó khăn. Cụ thể, phá dỡ phần giật cấp của toà nhà sẽ phải bỏ hầu như các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà.

“Trong xây dựng, phá bỏ cột và dầm biên chịu lực của ngôi nhà là vô cùng nguy hiểm. Cũng giống như cơ thể con người, phần bê tông cốt thép chính là “bộ xương” của ngôi nhà. Nếu ta can thiệp vào bộ xương dễ dẫn tới sự sụp đổ của cả tòa nhà. Trong khu vực đông dân cư sinh sống như thủ đô Hà Nội, việc xây dựng một tòa nhà đã là rất khó khăn chứ chưa nói đến phá vỡ. Để tháo dỡ một công trình nhà cao tầng cần lắp đặt cầu trục tháp và vận thăng lồng tại vị trí đó.

Đối với tòa nhà 8B Lê Trực, để tháo dỡ chắc chắn vị trí lắp đặt sẽ trực thuộc tuyến đường Trần Phú - Nguyễn Thái Học. Đây là một khu vực nhiều dân cư sinh sống và giao thông đông đúc trên nên sẽ gây nguy hiểm cho người dân.

Bởi vậy, bên cạnh yếu tố an toàn cho những người thi công phá dỡ còn cần đảm bảo cho người dân qua đường cũng như người dân sống khu vực xung quanh tòa nhà.

Sai phạm của tòa nhà này không chỉ nằm ở việc xây quá số tầng mà mỗi tầng họ còn xây cao hơn so với thiết kế cho phép. Về luật pháp, để xử lý đúng theo quy định chỉ có cách phá bỏ cả ngôi nhà 8B Lê Trực và xây lại hoàn toàn từ đầu theo thiết kế. Câu hỏi đặt ra là có cần thiết phải phá bỏ hay không?

Theo ý kiến cá nhân của tôi, nên ngừng phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực. Ngoài lý do lãng phí nó còn liên quan đến an toàn của công nhân và người dân. Chúng ta phải nhận thức rằng, tòa nhà 8B Lê Trực không sai mà cái sai là người cấp phép, quản lý, thi công và chủ đầu tư xây dựng tòa nhà này.” – PGS.TS Tôn Thất Đại nói.

(Theo VTC)

 


Ý kiến bạn đọc