Rủi ro trong mua nhà hình thành trong tương lai là câu chuyện đã được nhiều chuyên gia khuyến cáo. Tuy nhiên, các hình thức, thủ đoạn của những doanh nghiệp làm ăn bất chính đang ngày càng tinh vi và nghiêm trọng hơn.
Trong buổi Tọa đàm sáng 3/5, với chủ đề “Nhà ở hình thành trong tương lai, làm gì để hạn chế rủi ro”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã nêu ra 4 thủ đoạn lừa khách mua nhà của một số doanh nghiệp hiện nay.
Thủ đoạn thứ nhất, là thay đổi tên của dự án. Đây là trường hợp những dự án “chết”, dự án dính tai tiếng trước đây được đổi tên để xóa dấu vết nhưng thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ”.
Thứ hai là, thay đổi luôn cả tên chủ đầu tư. Trường hợp này cũng xảy ra với những chủ đầu tư làm ăn chụp giật, bị báo chí phản ánh, sau đó đổi cả tên doanh nghiệp.
Thứ ba là, làm lại quy hoạch 1/500, mà quy hoạch 1/500 nó tăng thêm những tiện ích không có thật (tức là lừa dối về mặt thông tin đối với khách hàng). Không những vậy, có những trường hợp doanh nghiệp tự ý thay đổi quy hoạch 1/500. Dù cơ quan chức năng chưa phê duyệt nhưng họ đã đem bán.
Thứ tư là, thủ đoạn tăng giá so với cam kết giữa các bên với nhau. Ví dụ như chủ đầu tư giao bán 300 triệu/ nền, nhưng đơn vị rao bán lên đến 400 - 500 triệu/nền. Cuối cùng không giao hợp đồng cho khách hàng, dẫn đến tranh chấp.
Theo ông Châu, hiện nay có chuyện người mua nhà không nhận được nhà, đưa tiền cho chủ đầu tư nhưng chủ đầu tư bỏ trốn, rồi cùng một nhà mà bán cho nhiều người… diễn ra rất nhiều. Có điều tôi rất băn khoăn: Đây là giao dịch dân sự hay giao dịch này là phi pháp. Hiện nay có doanh nghiệp lừa hàng vài trăm người, thậm chí có trường hợp một căn bán cho vài người, mà hiện nay báo chí đã nêu rất nhiều về các doanh nghiệp này.
“Và còn nhiều thủ đoạn, cho nên chúng tôi nói rằng hiện nay chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ việc bán nhà hình thành trong tương lai, nếu không phần thiệt sẽ thuộc về người tiêu dùng. Chúng ta cũng thấy trong thời gian vừa qua, nói về một đơn vị mà phát hành chứng chỉ tiền mua nhà thì chứng chỉ này đã bị cơ quan chức năng “thổi còi”. Cho nên hậu quả này là người dân đang mắc phải” - ông Châu nói.
Theo Vietnamnet
Ý kiến bạn đọc