(VnMedia) - Tại Hội nghị đối thoại với Thủ tướng sáng nay (17/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chính thức có ý kiến liên quan đến việc Bộ này đề xuất thanh tra 60 dự án bất động sản.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản số 2000/BTC-TTr ngày 15/02/2017 báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 10285/TB-VPCP ngày 29/11/2016 về việc rà soát việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa.
Đáng chú ý, Bộ Tài chính có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thẩm quyền (quy định tại điều 118 Luật Đất đai năm 2013)".
Tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ vẫn để các chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công dự án để hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà trong dự án;
Trong trường hợp dự án bị thanh tra, kiểm tra thì Hiệp hội đề nghị vẫn cho chủ đầu tư tiếp tục thi công dự án nhưng với điều kiện chủ đầu tư dự án phải có văn bản cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) đối với dự án sau khi đã có kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.
Hiệp hội kiến nghị đối với người mua nhà đã giao kết và thực hiện hợp đồng mua nhà tại các dự án này là bên ngay tình, không có lỗi, nên không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh của chủ đầu tư dự án (nếu có).
Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội bất động sản TPHCM, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết, thời gian qua, báo chí ồn ào về vấn đề này, nhưng thực ra chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao. Vấn đề liên quan đến quản lý và tiền sử dụng đất, Bộ Tài chính đã đánh giá, tổng hợp và đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 2 nội dung:
Thứ nhất là nội dung thực hiện kế hoạch thanh tra năm 2017 thì Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra đối với các dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích đầu tư, sai phạm pháp luật đất đai và xác định giá trị tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước, do vậy chúng tôi trình Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tham khảo cái danh sách 60 dự án này. Là danh sách gửi tham khảo.
Thứ 2 là kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án. Về trường hợp được Thủ tướng Chính phủ đồng ý sẽ tiến hành, nhưng đây chỉ là kiến nghị đối với những dự án chưa đủ thủ tục và sai phạm thì mới dừng.
Chặn cơn sốt đất vùng ven TPHCM
Tại buổi đối thoại, Lãnh đạo Hiệp hội bất động sản TP.HCM nhận định, thị trường bất động sản hơn 4 tháng đầu năm 2017 tuy vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng và phát triển, nhưng vẫn đang tiếp tục xu thế chững lại. Nhìn toàn cục, thị trường bất động sản vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
Nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch vào một số doanh nghiệp lớn và vào phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
Đồng thời đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (chỉ riêng phân khúc bất động sản cao cấp, tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lên đến hơn 60%) và còn có hiện tượng "sốt giá ảo" trong phân khúc đất nền ở các quận ven và một số huyện của TP.HCM như: Quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ...
Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, Hiệp hội đã có nhiều văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các khó khăn này.
Thứ nhất, cần thực hiện "nghiên cứu, đề xuất để thực hiện bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (bù trừ hai chiều)".
Thứ hai, nên cho phép thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại các ngân hàng ở nước ngoài để huy động các nguồn lực tài chính từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, tình hình cơn sốt giá đất nền không chỉ diễn ra tại các quận ven và huyện ngoại thành TP.HCM mà còn diễn ra tại Đà Nẵng, Nha Trang...
Đề nghị Lãnh đạo thành phố công bố rõ hiện nay chưa có chủ trương chuyển đổi huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn thành quận, hoặc thành lập tổ chức hành chính thành phố trong thành phố ở khu đông, khu nam, khu tây TP.HCM.
Đồng thời, Hiệp hội cũng đề nghị Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư khẩn trương trình các dự án đầu tư "Đại lộ ven sông Sài Gòn"; "Thành phố mới Củ Chi"; "Thành phố ven biển (Marina City) Cần Giờ"... để được xét duyệt theo quy định và sớm công bố kết quả xét duyệt để người dân hiểu rõ thông tin, tránh bị giới đầu nậu và cò đất lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất nền ở các khu vực này.
Khánh An
Ý kiến bạn đọc