Nam Định: Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch bán cho dân... nước ruộng?

15:00, 19/07/2017
|

Người dân xã Liên Minh, huyện Vụ Bản (Nam Định) phản ánh, trong nhiều năm qua, họ phải mua nước sạch không đảm bảo dù hàng tháng vẫn phải trả tiền theo giá nước sạch trên 7 nghìn đồng/m3. Người dân địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên đơn vị chủ quản và cơ quan chức năng huyện, tỉnh nhưng cho đến nay, tình trạng này vẫn không được cải thiện.

Người dân bức xúc

Ông Phạm Ngọc Dần (68 tuổi) - Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh đội 6, thôn Nhì Giáp (xã Liên Minh) cho biết: “Người dân địa phương chúng tôi đang sử dụng nguồn nước do Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định với giá trên 7 nghìn đồng/m3. Tuy nhiên, nước sạch mà người dân nhận được luôn trong tình trạng nhiều cặn, rêu và có cả các con bọ nhỏ bơi trong nước. Nhiều khi nước như nước ruộng không thể dùng để sinh hoạt, khi tắm rửa rất ngứa. Điều này khiến cho người dân địa phương vô cùng bức xúc”.

Theo quan sát của PV Thương hiệu và Pháp luật khi xả nước trực tiếp từ vòi nước ra chậu thì phản ánh của người dân là có cơ sở. Tìm hiểu thêm một loạt hộ dân như gia đình bà Phạm Thị Phương (65 tuổi), bà Phạm Thị Hoa (79 tuổi), bà Phạm Thị Bình (62 tuổi), ông Phạm Ngọc Thanh (70 tuổi) đều trong tình trạng tương tự như vậy.

Nước được xả trực tiếp từ vòi nước của hộ gia đình.
Nước được xả trực tiếp từ vòi nước của hộ gia đình.

Bà Phạm Thị Phương cho biết: “Đã từ lâu gia đình chúng tôi không dám sử dụng nước trực tiếp từ đường nước sạch cung cấp tới các hộ dân. Gia đình nào cũng phải xây bể lắng 3-4 khối. Nước được đưa về bể để lắng rồi mới bơm lên téc nước. Từ téc nước cho chạy qua máy lọc nước rồi mới dám dùng để ăn uống. Tuy nhiên máy lọc nước có chạy cả ngày cũng chỉ được vài chục lít nên các sinh hoạt khác như tắm rửa vẫn phải dùng”.

Cũng theo bà Phương, chỉ vài ngày là máy lọc nước của gia đình đen kịt, không thể lọc nổi, phải đưa ra vệ sinh thay quả lọc mới sử dụng tiếp được. Cùng chung suy nghĩ với bà Phương, ông Phạm Ngọc Thanh cho biết: “Gia đình tôi hàng tháng cũng dùng tới cả trăm nghìn tiền nước sạch nhưng nước luôn trong tình trạng có cặn, mùi tanh, vẩn đục, có cả bọ bơi trong nước. Trước đây còn mùi clo nhưng từ lâu không thấy nữa, nghe nói giờ hoá chất clo đắt nên họ cũng không dùng để diệt khuẩn nữa. Lần nào lên nộp tiền nước sạch chúng tôi cũng đều kiến nghị với cán bộ của xí nghiệp nhưng họ chỉ hứa rồi lại để đấy”.

Ông Phạm Ngọc Dần còn cho biết thêm: “Ngay cả trong buổi tiếp xúc cử tri của lãnh đạo huyện Vụ Bản tại xã Liên Minh, trả lời ý kiến của cử tri trực tiếp, đồng chí Bí thư Huyện uỷ đã có ý kiến chỉ đạo Phó Chủ tịch huyện phải ngừng ngay việc cấp nước không đảm bảo cho người dân và tìm nguồn nước khác thay thế. Tuy nhiên, đến nay vẫn không có gì thay đổi”.

Qua tìm hiểu của PV, không chỉ trên địa bàn xã Liên Minh mà cả xã Vĩnh Hào, Kim Thái, Cộng Hoà, Tam Thanh và Thị trấn Gôi, người dân sử dụng nước sạch từ Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản cũng đều trong tình trạng tương tự.   

Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản (Thị trấn Gôi, Vụ Bản, Nam Định).
Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản (Thị trấn Gôi, Vụ Bản, Nam Định).

Vẫn đạt “chất lượng cao”

Theo chỉ dẫn của người dân, PV tìm đến địa điểm mà Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản đang khai thác và sản xuất. Vị trí lấy nước ngay tại gần cầu Tào, nước được lấy từ sông Sắt (giáp huyện Ý Yên) - nơi có nhiều làng nghề truyền thống như đồ gỗ, mây tre đan xuất khẩu, đúc đồng...và cũng được coi là nơi trọng điểm về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước.

Người dân địa phương chia sẻ, tình trạng ô nhiễm từ nhánh sông Sắt (chạy dọc theo quốc lộ 10) đổ thẳng ra sông Sắt đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng. Theo quan sát của PV, nước tại vị trí nhánh ô nhiễm có màu đen kịt, bốc mùi nồng nặc, xác động vật chết trôi nổi... Vị trí nhánh ô nhiễm này chỉ cách đầu thu nước thô của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Vụ Bản trên 50 mét (theo quy định của Bộ Y tế trên phía thượng nguồn 200 mét và xuôi về hạ nguồn 100 mét là không có nguy cơ ô nhiễm môi trường). 

Nước thải đổ thẳng ra sông Sắt chỉ cách đầu thu nước thô của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Vụ Bản trên 50 mét.
Nước thải đổ thẳng ra sông Sắt chỉ cách đầu thu nước thô của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Vụ Bản trên 50 mét.

Qua tìm hiểu được biết, năm 2005, công trình sản xuất, cấp nước sạch Vụ Bản được xây dựng từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Lúc-xăm-bua, với tổng số vốn đầu tư 26 tỷ đồng và gần 3 tỷ đồng do nhân dân đóng góp để lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước vào các hộ dân. Công trình có công suất cung cấp nước sạch cho 5 xã: Liên Minh, Vĩnh Hào, Kim Thái, Cộng Hoà, Tam Thanh và Thị trấn Gôi.

Từ năm 2013, công trình được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định quản lý và Công ty tiếp tục phân cấp quản lý cho Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản. Hiện nay, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản đang đảm bảo công suất 3.600m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 10.030 hộ dân.

Thế nhưng, trong báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản cho rằng luôn chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao quyền lợi cho khách hàng. Dây chuyền sản xuất nước sạch của Xí nghiệp là dây chuyền hiện đại, thường xuyên được các đơn vị cùng ngành đến tham quan, học tập quy mô, quy trình trước khi đầu tư xây dựng mới.

Để công đoạn xử lý, sản xuất nước đạt chất lượng cao nhất, Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định đã đầu tư cho Xí nghiệp một máy sản xuất javen từ muối ăn làm nguyên liệu khử trùng an toàn. Nước trước khi cấp đến các hộ dân luôn được kiểm tra chất lượng trên hệ thống thiết bị máy móc đạt chuẩn, mỗi tháng 2 lần được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra và chứng nhận đạt chuẩn!?

Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nước đầu vào và qua xử lý rồi cung cấp cho hàng vạn hộ dân có “đạt chất lượng cao” hay không lại là câu chuyện khác. 

Theo TH&PL


Ý kiến bạn đọc