Vụ C2, Rồng đỏ của Công ty URC nhiễm chì bị "điểm danh" trước Quốc hội

09:11, 07/06/2017
|

(VnMedia) - Tại buổi thảo luận về nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP trong chương trình Kỳ họp thứ 3, vụ URC nhiễm chì tiếp tục bị nên tên.

Ngày 5/6, tại phiên họp của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã có Báo cáo tình hình thực thi chính sách, pháp luật về quản lý ATTP giai đoạn 2011 - 2016. Thảo luận tại Hội trường, Quốc hội biểu dương những cố gắng của đoàn giám sát, sự phối hợp tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình giám sát của Quốc hội.

Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nội dung Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về ATTP giai đoạn 2011- 2016.

Hai sản phẩm tạo cơn sóng gió về an toàn thực phẩm năm 2016
Hai sản phẩm tạo cơn sóng gió về an toàn thực phẩm năm 2016

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2016, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng: Y tế, NN&PTNT, Công thương, Công an, KH&CN, GD&ĐT..., tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755cơ sở vi phạm, chiếm 20,3%.

Về xử lý vi phạm, trong số 678.755 cơ sở vi phạm, mới chỉ có 136.545 cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền 55.714 cơ sở với số tiền 133.905.925.136 đồng.

Việc áp dụng các chế tài xử phạt đã được đẩy mạnh qua các năm, cụ thể: tỉ lệ cơ sở bị phạt tiền (trước đây chỉ là cảnh cáo) tăng từ 30,0% năm 2011 lên 67,1% trong năm 2016; số tiền phạt trung bình 1 cơ sở tăng từ 1,35 triệu (2011) lên 3,73 triệu (2016).

Đặc biệt, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh: Trong năm 2016, Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra Công ty URC, Công ty Coca Cola và Công ty Minh Thái Lộc cung cấp phụ gia thực phẩm cho Công ty URC.

Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm hành chính 3 Công ty này gần 6,5 tỷ đồng, riêng URC là gần 5,9 tỷ đồng. Kết quả xử phạt này đã thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về ATTP.

Trước đó, vào tháng 5/2016 dư luận cả nước chấn động khi 2 lô sản phẩm nước giải khát C2 và Rồng đỏ của Công ty URC bị phát hiện có hàm lượng chì vượt ngưỡng là lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 (NSX 04/02/2016; HSD 04/02/2017); Nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (NSX 10/11/2015; HSD 10/08/2016).

Vì lỗi này, sau đó công ty URC bị phạt gần 5,9 tỷ đồng. Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu công ty TNHH URC Hà Nội thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm vi phạm nói trên. Tuy nhiên, có hơn 40.000 thùng thuộc 2 lô nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì công ty URC không thu hồi được. Tổng giá trị sản phẩm C2, Rồng Đỏ đã bán và không thu hồi được là gần 3,9 tỷ đồng.

Mặc dù đã bị phạt một số tiền rất lớn nhưng con số 40.000 chai đã bán ra thị trường xử lý thế nào vẫn là câu hỏi hóc búa. Đã có rất nhiều đề xuất được đưa ra.

Có ý kiến cho rằng, Công ty URC buộc phải bồi thường cho người tiêu dùng số tiền 3,9 tỷ, số tiền tương đương với con số công ty này đã bán sản phẩm lỗi ra thị trường nhưng không thu hồi được.

Hải Hà 


Ý kiến bạn đọc