(VnMedia) - Trong đơn phản ánh vụ giả hồ sơ, chữ ký để bán đất, người dân tố cáo phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng có liên quan, gây ảnh hưởng quyền lợi của đương sự.
Con rể bị "tố" giả giấy tờ cướp trắng đất của mẹ vợ?
Ngày 15/5, Báo Điện tử VnMedia nhận được đơn phản ánh của ông Huỳnh Văn Xí, (SN 1967, trú tổ 89 phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), liên quan việc gia đình bị người khác cướp trắng toàn bộ lô đất và số tiền đền bù đất giải tỏa.
Trong đơn, ông Xi chia sẻ: "Vào năm 2010, mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Tham (SN 1933) có nhận thông báo đền bù với 1 khoản đền bù hơn 800 triệu đồng cùng lô đất mặt tiền đường Hà Huy Tập (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Tuy nhiên, mẹ tôi không biết viết, biết đọc chữ, còn tôi liên tục đi biển nên không ở nhà làm được các thủ tục liên quan. Trong thời gian này, người em rể tôi là ông Trần Văn Minh tự cầm hồ sơ của mẹ tôi đi làm, đồng thời làm giả chữ ký để nhận toàn bộ số tiền đền bù và lô đất mang tên mẹ tôi".
Sự việc chỉ được phát hiện đến năm 2016, gia đình ông Xí mới phát hiện được việc này. Theo đó, ông Trần Văn Minh bán lô đất tại số 14B Hà Huy Tập cho người khác mà cả gia đình không hề hay biết. Đến khi gia đình vợ chất vấn, ông Minh nói lấy toàn bộ số tiền đền bù, bán đất ở Hà Huy Tập, để mua lô đất mang tên ông Minh tại đường Yên Khê 2 (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng)".
Toàn bộ sự việc bán đất đã diễn ra được 5 năm, tuy nhiên cả gia đình không hề hay biết. Cả gia đình té ngửa bởi mỗi lần hỏi hồ sơ đất đai được đền bù, sổ hộ khẩu, anh Minh năm lần bảy lượt lảng tránh, nói rằng lô đất vẫn còn ở đó chứ "có đi đâu mà sợ".
Để điều tra sự việc, chúng tôi đã có mặt tại nhà của ông Xí để tìm hiểu sự việc. Có mặt tại căn nhà chưa đến 50 m2 tại hẻm 119 Yên Khê 2, chúng tôi chứng kiến 9 thành viên cùng sống trong căn nhà nhỏ. Ngồi nói chuyện, bà Tham chia sẻ: "Tôi từ nhỏ đã không biết đọc, biết viết. Ở đây, ai cũng biết việc này. Khi chúng tôi gửi đơn kiện, người con rể dọa lấy lại căn nhà này, vì đây là đất của nó. Bởi sau khi con rể tôi lừa lấy chữ ký, giả làm hồ sơ đất đai, gia đình tôi bị lấy hết đất. Tôi cũng khẳng định tôi chưa từng điểm chỉ lấy bất cứ giấy tờ nào hay đồng ý bán đất thông qua ông Trần Văn Minh. Ngay việc lên phòng công chứng để thỏa thuận bán đất, điểm chỉ lên hồ sơ giấy tờ công chứng là không hề có".
Ông Xí cũng kể thêm: "Sau khi toàn bộ đất đai và nhà cửa của gia đình bị giải tỏa để làm lại đường, chỉ có tên tôi và mẹ tôi trong sổ hộ khẩu. Nên khi thu hồi đất, gia đình được 2 lô phụ nằm ở đường 10,5 m và 5,5 m. Sau đó, ông Trần Văn Minh tự ý làm giấy tờ bán đấy rồi nói bù thêm số tiền 800 triệu vốn là tiền đền bù giải tỏa của gia đình, mới đổi được về lô đất 14B Hà Huy Tập (cũng đã bị ông Minh tự bán - PV) như trong đơn chúng tôi trình bày. Tuy nhiên, trong qua trình này, cả gia đình không hề hay biết. Tất cả hồ sơ, giấy tờ đều do ông Trần Văn Minh tự ý sắp xếp mà không cho gia đình tôi biết. Ngay cả sổ hộ khẩu cũng bị ông Minh giữ mãi đến giữa năm 2016 mới chị trả cho gia đình".
Bức xúc về vấn đề này, gia đình ông Xí mới tiếp tục phát hiện thêm một số giấy tờ công chứng tại văn phòng công chứng số 1 (thuộc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng), hồ sơ công chứng có dấu hiệu giả mạo chữ ký của bà Nguyễn Thị Tham.
"Trong khi mẹ tôi không hề biết đọc, biết viết chữ thì làm sao ký được. Ngay trong bộ hồ sơ công chứng cũng không có người giám hộ và người làm chứng, vì bà người lớn tuổi. Bản thân mẹ tôi cũng không tiến hành sang nhượng đất cho bất cứ ai. Tôi là người con trai sống cạnh mẹ, cũng chưa nhận được bất cứ yêu cầu gì về việc mua bán đất và sang nhượng giấy tờ", ông Xí chia sẻ thêm.
"Nên tôi viết đơn này, cùng những hồ sơ thu thập được gửi cho cơ quan báo chí truyền thông, phản ánh ông Huỳnh Bá Hảo, Trưởng phòng công chứng số 1 - thuộc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, đã có hành vi viết thêm vào hồ sơ công chứng, liên quan đến chữ ký, dấu vân tay mà họ cho rằng là của mẹ tôi, đồng thời giúp ông Trần Văn Minh bán đi lô đất của gia đình, mà gia đình không hề hay biết", ông Xí phản ánh.
Trong hồ sơ chúng tôi có được, gia đình ông Xí cho biết, trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà gia đình tố cáo có giả chữ ký của bà Nguyễn Thị Tham được lập vào ngày 30/3/2012, tại phòng công chứng số 1. Nếu trong văn bản công chứng số 1710-TP/CC-SCC/HĐGĐ, mà Phòng công chứng số 1 đang lưu giữ, xuất hiện hai dòng chữ khác màu: "lấy cký (chữ ký - PV), điểm chỉ ngày 29/3/2012" và "ngón trỏ phải của bà Nguyễn Thị Tham", đều do Trưởng phòng công chứng số 1 Huỳnh Bá Hảo ghi thêm vào.
Tức là, ngày lấy chữ ký, điểm chỉ (ngày 29/03/2012) trước ngày được Phòng công chứng số 1, thực hiện việc công chứng giấy tờ sang nhượng tên chủ đất (ngày 30/03/2012).
Trong khi đó, cũng bản công chứng như trên mà Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Thanh Khê, do phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Anh Hào xác nhận, lại không hề có hai dòng chữ như trên do ông Huỳnh Bá Hảo ghi thêm vào như trong hồ sơ công chứng còn lưu ở Phòng công chứng số 1.
Phó giám đốc Sở nói "ghi thêm cho đầy đủ"
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Huỳnh Bá Hảo, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Đà Nẵng, kiêm Trưởng phòng công chứng số 1, liên quan đơn phản ánh của gia đình ông Huỳnh Văn Xí. Khi hỏi về việc có hay không việc ghi thêm vào công chứng liên quan vụ chuyển nhượng đất đai số 1710, ông Huỳnh Bá Hảo thừa nhận: "Mình có ghi thêm trong bộ hồ sơ thời gian để lưu. Bởi một bộ hồ sơ công chứng thường được lưu ba bản. Mình lưu một bản, hai bản còn lại gửi cho hai bên. Bản lưu mình ghi thêm cho đầy đủ ngày tháng".
Về việc gia đình tố cáo việc bà Nguyễn Thị Tham không lên phòng công chứng để điểm chỉ, làm hợp đồng chuyển nhượng đất đai. Ông Huỳnh Bá Hảo lại phủ nhận: "Tôi chắc chắn rằng bà Tham có lên phòng công chứng và điểm chỉ trực tiếp trước mặt tôi. Không có chuyện bà Tham không có mặt, không điểm chỉ như thế".
Qua trình bày của bà Nguyễn Thị Tham cũng như người đại diện ủy quyền là ông Huỳnh Văn Xí thể hiện bức xúc pha lẫn khôi hài: “Khi tìm hiểu và so sánh thì thấy trong hồ sơ thể hiện trước đó cũng tại Phòng Công chứng số 1 có một công chứng viên đã chứng thực một hợp đồng ủy quyền mà ở đó thể hiện bà Tham ký được tên và ghi được cả họ và tên, chữ đẹp nữa là khác. Mặc dù bà Tham là người không biết đọc viết”.
Kiểm tra và đối chiếu bằng mắt thường thì nhận thấy người viết, ký tên Nguyễn Thị Tham “đẹp” thiệt và khá giống chữ viết của công chứng viên. Ông Xí nói: “Để làm rõ chữ viết này thì chỉ yêu cầu Công an giám định thì biết chữ đó là của ai ngay”.
Liên quan đến hợp đồng công chứng 1170, ông Xí trình bày: “Mẹ ông là người lớn tuổi lại không biết đọc và viết nên khi chứng thực cần phải có người làm chứng hay giám hộ. Thế nhưng trong hợp đồng công chứng bán đất do công chứng viên Huỳnh Bá Hảo không xem xét người yêu cầu công chứng (bà Tham - PV) cần phải có người giám hộ hoặc yêu cầu phải có hai người làm chứng mới được thực hiện công chứng”.
Ông Xí tiếp tục bức xúc: “ông Hảo đã không trung thực khi cho rằng mẹ tôi đã điểm chỉ tại tại Phòng công chứng nhưng thực tế bà chưa bao giờ đặt chân đến Phòng công chứng thì lấy gì mà điểm chỉ. Ông Hảo đã không trung thực khi nói mẹ tôi điểm chỉ tại phòng công chứng. Nếu đã biết chữ và ký tên được thì cần chi điểm chỉ, mà người không biết chữ thì mới điểm chỉ chớ (trong hợp đồng 1170 thể hiện vừa có cả chữ viết và dấu vân tay được cho là của bà Tham). Thế nhưng, ông Hảo cho rằng dấu vân tay là của bà Tham vậy chữ viết Tham và các chữ viết khác có trong hợp đồng đó thì ai ký trước mặt ông Hảo vào ngày 30/3/2012 ”.
Tìm hiểu trong văn bản công chứng và so sánh hai trong số văn bản công chứng, chúng tôi cũng nhận thấy có nhiều chữ viết và chữ ký trong hai văn bản không đồng nhất, bản có bản không có.
Khi chúng tôi yêu cầu xem qua toàn bộ hồ sơ công chứng liên quan thì không nhận thấy tài liệu quan trọng đầu tiên quy trình công chứng đó là “phiếu yêu cầu công chứng” mà bà Nguyễn Thị Tham phải là người thực hiện đầu tiên.
Báo Điện tử VnMedia sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Tú Ân
Ý kiến bạn đọc