Mua nhà 3 tỷ nhưng không được vào ở

13:55, 14/04/2017
|

Chủ tịch UBND quận Sơn Trà nói rằng quận không bao che để cho bà Huệ chiếm dụng nhà của ông Cường. Cơ quan thi hành án thì nói việc cưỡng chế ngôi nhà đang gặp khó khăn.

Chiều 13/4, phóng viên Zing.vn đã có cuộc làm việc với bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, và ông Lê Văn Hữu, Chi Cục trưởng Chi Cục thi hành án quận, xung quanh việc ông Đặng Ngọc Cường (trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) mua ngôi nhà hợp pháp nhưng bị người khác chiếm dụng trái phép.

Phải chờ...

Tại buổi làm việc, bà Tâm khẳng định các cơ quan chức năng quận không bao che để cho bà Mai Thị Huệ (thường trú phường Thọ Quang) chiếm dụng trái phép ngôi nhà 3 tầng ở số 32 đường Nguyễn Thị Định (quận Sơn Trà).

Theo bà Tâm, trước đây ngôi nhà và đất nói trên thuộc quyền sở hữu của gia đình bà Huệ. Tuy nhiên, sau đó, người phụ nữ này đã bán cho ông Phạm Phú Sơn và bà Nguyễn Thị Kiều Ngọc Diễm (trú phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu).

Ông Sơn tiếp tục bán nhà và đất cho ông Lương. Đầu năm 2017, ông Lương bán lại ngôi nhà này cho vợ chồng ông Cường với giá gần 3 tỷ đồng. Giao dịch này được các cơ quan chức năng xác định là hợp pháp nên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Sơn Trà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cho người mua lại.

Ông Cường mua nhà (ngôi nhà thứ 2 từ trái qua) hợp pháp nhưng vẫn chưa thể dọn đến ở. Ảnh: 
Ông Cường mua nhà (ngôi nhà thứ 2 từ trái qua) hợp pháp nhưng vẫn chưa thể dọn đến ở. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Làm việc với Zing.vn, người đứng đầu UBND và đại diện các phòng nghiệp vụ của quận Sơn Trà đều khẳng định ông Cường sở hữu hợp pháp ngôi nhà này. 

Tuy nhiên, theo ông Hữu, rắc rối xuất phát từ hợp đồng dân sự giữa ông Sơn và bà Huệ. Theo trình bày của vị lãnh đạo này, sau khi mua nhà và đất xong, ông Sơn cho bà Huệ thuê lại. Ở được 6 tháng, người phụ nữ này không trả tiền nên ông Sơn kiện bà Huệ đòi lại nhà và đất.

TAND quận Sơn Trà buộc bà Huệ trả lại nhà và đất cho chủ sở hữu - khi đó là ông Sơn. "Khi bản án có hiệu lực, chúng tôi chuẩn bị thi hành án thì ông Sơn đã bán nhà và đất cho người khác, rồi rời địa phương, xuất cảnh đi nước ngoài", ông Hữu cho hay. 

Vị lãnh đạo này trích dẫn khoản 2, Điều 54, Luật Thi hành án, cho biết theo quy định, cơ quan thi hành án là đơn vị được giao nhiệm vụ thực thi bản án của TAND. Tòa buộc bà Huệ trả lại nhà cho ông Sơn, nên người đàn ông này phải có mặt tại địa chỉ số 32 Nguyễn Thị Định, thì cơ quan mới cưỡng chế được.

Cưỡng chế xong, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành bàn giao lại tài sản cho ông Sơn (theo phán quyết của TAND). Sau đó, ông Sơn bàn giao nhà theo trình tự cho ông Lương, rồi ông Lương mới giao lại nhà và đất cho ông Cường.  

"Tuy nhiên, do ông Sơn không còn ở địa phương, chúng tôi không thể liên lạc được nên không thể thi hành án. Từ đó đến nay, do ông tìm được người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến bản án của TAND quận nên bà Huệ vẫn cứ ở trong ngôi nhà trên", ông Hữu nói.

Phóng viên đặt câu hỏi, nếu vì một lý do nào đó mà không thể gặp được ông Sơn thì vụ việc này giải quyết như thế nào? Ông Hữu trả lời rằng, trách nhiệm này không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục Thi hành án quận Sơn Trà.

"Chúng tôi đang báo cáo lên cơ quan cấp trên để can thiệp. Trong vụ này, chỉ khi cơ quan tòa án có quyết định 'buộc bà Huệ trả lại nhà và đất cho ông Cường' thì cơ quan thi hành án mới có thể cưỡng chế buộc gia đình bà Huệ ra khỏi nhà. Nếu làm đúng quy trình như thế thì ít nhất cũng phải mất cả năm, ông Cường mới được vào ở trong ngôi nhà của mình", ông Hữu nói.

Nghe ông Hữu trình bày, bà Tâm chỉ đạo Văn phòng UBND quận làm việc với TAND quận Sơn Trà để tìm cách tháo gỡ. "Quan điểm của quận là sẽ cưỡng chế ngôi nhà này. Tuy nhiên, việc cưỡng chế phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Chúng tôi sẽ giải thích cho ông Cường hiểu và chờ các cơ quan chức năng giải quyết thấu tình, đạt lý", bà Tâm nhấn mạnh.

Ban hành văn bản sai?

Do không được vào nhà ở nên mới đây, ông Cường có đơn đề nghị Xí nghiệp cấp nước và Điện lực Sơn Trà cúp nước và điện tại ngôi nhà ở số 32 Nguyễn Thị Định (hợp đồng nước do ông Cường đứng tên ký với hai đơn vị trên). Mục đích của việc làm này là để cho bà Huệ và các thành viên không có điện, nước sinh hoạt, rồi ra khỏi ngôi nhà.

Ông Cường (bên phải) trình bày vụ việc. Ảnh: 
Ông Cường (bên phải) trình bày vụ việc. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tuy nhiên, ngày 17/2, ông Phan Tất Tĩnh, khi đó là Phó chánh Văn phòng UBND quận Sơn Trà, lại có văn bản đề nghị Xí nghiệp cấp nước và Điện lực Sơn Trà cấp nước, điện trở lại cho gia đình bà Huệ sử dụng.

Theo ông Cường, ông Tĩnh ký văn bản trên đồng nghĩa với việc quận đang có động thái “tiếp tay” để bà Huệ liều lĩnh ở lại ngôi nhà số 32 Nguyễn Thị Định. Còn giới luật sư cũng cho rằng, việc quận có văn bản chỉ đạo như trên là trái luật dân sự. Phóng viên đề nghị lãnh đạo quận giải thích thì bà Tâm thừa nhận việc ban hành văn như trên là sai.

Theo bà, sau khi hai đơn vị trên cúp nước và điện ở ngôi nhà 32 Nguyễn Thị Đình thì bà Huệ có đơn "kêu cứu" lên UBND quận. Sau đó, quận cử người xuống kiểm tra thì thấy ở trong ngôi nhà trên, ngoài bà Huệ (thuộc diện gia đình chính sách) còn có đến 8 người khác cùng ở. Trong đó, có một cháu bé mới sinh nhưng bị bệnh tim bẩm sinh.

"Xét thấy nếu việc cúp điện và nước tiếp tục kéo dài thì những người trong ngôi nhà sẽ gặp khó khăn trong sinh hoạt. Vì thương hoàn cảnh như thế nên quận mới có văn bản đề nghị Xí nghiệp cấp nước và Điện lực Sơn Trà cấp nước, điện trở lại", bà Tâm phân trần.

Theo Zing


Ý kiến bạn đọc