Khách hàng sẽ ngậm trái đắng nếu mua... Sở hữu kỳ nghỉ

06:06, 29/04/2017
|

(VnMedia) - Tại Việt Nam, khái niệm Sở hữu kỳ nghĩ cũng đã xuất hiện, đã có nhiều người tham gia và cũng không ít người lên tiếng tố giác sau khi nhậm trái đắng.

Thời gian gần đây, truyền thông thế giới đã liên tục đưa tin về nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo một số tiền không nhỏ sau khi đăng ký dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ. Những thông tin này đã và đang gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh đối với người dân trên toàn thế giới, nhất là đối với Việt Nam, khi mà thời gian vừa qua, loại hình này đã bắt đầu xuất hiện và gây nên nhiều bức xúc cho khách hàng.

Thế giới cảnh báo về “Sở hữu kỳ nghỉ”?

Theo một thống kê của tờ Telegraph Money, 100.000 hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ được tờ báo này nghiên cứu đều có vấn đề. Số liệu từ ngành công nghiệp này cho thấy khoảng 12% trong số 850.000 dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ tại tại châu Âu là bất hợp pháp. Các chủ sở hữu của nó vẫn chưa được hoàn lại số tiền mà họ đã bỏ ra để sở hữu kỳ nghỉ, chưa kể lãi suất và chi phí pháp lý.

Cũng theo tờ báo này, mặc dù "sở hữu kỳ nghỉ” (timeshare) thường được giới thiệu là các hợp đồng hợp pháp, theo đó, khách hàng sẽ mua gói dịch vụ hàng tuần cố định tại một khu nghỉ dưỡng cố định, tuy nhiên, chính thuật ngữ sở hữu kì nghỉ này cũng cho thấy sự mơ hồ đối với lợi ích khách hàng, bởi nguy cơ mắc kẹt trong những kỳ nghỉ dài hạn với các điều khoản không công bằng là rất cao.

Nhiều người trên thế giới đã ngậm trái đắng với Sở hữu kỳ nghỉ
Nhiều người trên thế giới đã ngậm trái đắng với Sở hữu kỳ nghỉ

Theo đó, các chủ sở hữu kỳ nghỉ sẽ phải trả lệ phí hằng năm rất lớn và hợp đồng kéo dài đến cả nhiều thế hệ sau. Điều này khiến các khách hàng e ngại và lo lắng. Hàng ngàn người Anh đang bị mắc kẹt trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ rắc rối, nơi mà họ buộc phải trả lệ phí hàng năm một cách vô nghĩa.

Điều tra của tờ Telegraph cho biết, nhiều người dân trong các trung tâm chăm sóc người cao tuổi bị buộc phải trả tiền cho những kỳ nghỉ mà họ không dùng tới, thậm chí cả người thân của những người đã qua đời vẫn bị đòi tiền.

Trong khi đó, Hiệp hội những người sử dụng sở hữu kỳ nghỉ (TCA) - một tổ chức hoạt động độc lập đại diện cho các chủ sở hữu sử dụng dịch vụ này cũng cho biết, trong số 850.000 hợp đồng trên toàn châu Âu thì 30% chủ sở hữu không đồng thuận với các nhà cung cấp và nhiều người đã từ chối thanh toán vì cảm thấy nhiều nghi vấn trong dịch vụ.

Tin lời quảng cáo, nếm mùi đau thương

Theo tờ Policecoop (policecoop.org.sg) đưa tin, một khách hàng tên John Tan đã phải trả giá đắt vì quá tin tưởng những lời đề nghị hấp dẫn của loại hình sở hữu kỳ nghỉ.

Theo đó, ông John Tan cùng vợ đã đăng ký trở thành thành viên câu lạc bộ kỳ nghỉ của công ty ABC. Theo giới thiệu, họ sẽ nhận được một kỳ nghỉ miễn phí mọi loại dịch vụ với 10,888 đô-la trong mười năm.

Sau đó, họ tiếp tục được lôi kéo vào một hợp đồng quyền sở hữu kỳ nghỉ mà từ đây, họ trở thành chủ sở hữu một phần căn hộ Penthouse hai phòng ngủ ở Gold Coast, Úc trong 99 năm tiếp theo. Hai trong số họ, cùng với 4 khách hàng khác, sẽ được quyền sử dụng các cơ sở vật chất tại khu nghỉ dưỡng trong một tuần mỗi năm lẻ với giá chỉ 19,500 đô-la.

Dự án của Alma tại Việt Nam đã chào bán nhiều gói sản phẩm Sở hữu kỳ nghỉ
Dự án của Alma tại Việt Nam đã chào bán nhiều gói sản phẩm Sở hữu kỳ nghỉ

Vậy nhưng, kế hoạch nghỉ dưỡng ở nước ngoài của John không được thực hiện do thiếu vốn, và anh bắt đầu cảm thấy rằng mình đã được chi trả vô nghĩa vào việc duy trì kỳ nghỉ và tài sản mà mình không hề được sử dụng ở Gold Coast. John bắt đầu nghiên cứu về sở hữu chung nhà nghỉ và nhận ra sự thực, rằng mình đã mua một chương trình sở hữu kỳ nghỉ. Càng nghiên cứu về dịch vụ này, John càng cảm thấy thất vọng và bị lừa đảo

Khi John có ý định bán lại tài sản cho ABC, nhân viên bán hàng đã nói với anh một cách thẳng thắn rằng công ty không cho phép thực hiện bất kỳ việc chuyển nhượng hoặc bán lại mà họ đã trao đổi.

Vì vậy, anh đã quyết định tìm đến cơ sở pháp lý thông qua Toà án. Anh nộp đơn yêu cầu bồi thường và đã được chấp thuận.Tuy nhiên, John vẫn phải tiếp tục thực hiện trách nhiệm chi trả cho hợp đồng 99 năm của mình. Toàn bộ tài khoản tiết kiệm của họ vì thế mà cạn kiệt. Gia đình John tuyệt nhiên không còn chút hy vọng.

Vào năm 2010, ABC gọi John lên và đề nghị chấm dứt hợp đồng thành viên, và chuyển nhượng quyền sở hữu tài sản cho một cá nhân khác. Điều đáng nói là John sẽ phải trả một khoản "tiền phạt" cho sự kết thúc này, số tiền lên tới 66,000 đo-la. Số tiền này cuối cùng được huy động bằng vay mượn từ bạn bè, người thân và bố mẹ của họ để cắt đứt sợi dây hợp đồng với ABC.

John chia sẻ: "Chúng tôi đã mắc phải sai lầm nghiêm trọng và trả giá đắt vì quá tin tưởng những lời đề nghị hấp dẫn như vậy. Thật khó tin, nhưng sự đã rồi". Tổng cộng, John và vợ của anh đã dành hơn 120.000 đô la để chi trả cho việc duy trì tài sản mà họ đã, đang và sẽ không bao giờ được sở hữu, một giấc mơ về kỳ nghỉ chưa bao giờ được thực hiện.

Tại Việt Nam, khái niệm Sở hữu kỳ nghĩ cũng đã xuất hiện, đã có nhiều người tham gia và cũng không ít người lên tiếng tố giác sau khi nhậm trái đắng. Để làm rõ hơn về khái niệm này cũng như những mập mờ trong hoạt động của Công ty sở hữu kỳ nghỉ, VnMedia sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin liên quan đến vấn đề này.

Hải Hà 


Ý kiến bạn đọc