(VnMedia) - Việc ông lớn đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy tự xin ngừng kinh doanh đã đặt ra nhiều bài toán hóc búa các cơ quan chức năng quản lí nhà nước về lĩnh vực kinh doanh đa cấp cần phải giải quyết triệt để.
Theo thông tin chính thức từ Cục Quản lí Cạnh tranh, Bộ Công thương Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) đã nộp hồ sơ xin chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Thông tin trên được dư luận đón nhận tích cực bởi sự tồn tại của ông lớn đa cấp TNMU đồng nghĩa với việc cả ngàn người rơi vào cõi u mê, bi kịch. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp này ngừng kinh doanh đa cấp cũng đặt ra nhiều bài toán hóc búa các cơ quan chức năng quản lí nhà nước về lĩnh vực kinh doanh đa cấp cần phải giải quyết triệt để.
Sau đây, là góc nhìn của VnMedia về vấn đề này:
Hoang mang không biết có lấy lại được quyền lợi hay không
Theo ghi nhận của nhóm PV, tại thời điểm 1 ngày trước khi thông tin TNMU chính thức ngừng hoạt động kinh doanh đa cấp được công bố, hoạt động mời chào khách hàng tham gia kí hợp đồng vào TNMU vẫn diễn ra... bình thường. Đồng thời, nhiều người chót tham gia vào TNMU vẫn cầu cứu tới PV về việc hướng dẫn, tư vấn, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của cá nhân những người này tại TNMU.
Thậm chí, nhân vật sư cô trụ trì T.N - người bị cơ sở Phụng Tường 2 thuộc TNMU lừa tham gia vào TNMU số tiền hơn 5 tỷ đồng, vốn tiền xây chùa được nêu trong bài "Đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy lừa "đẹp" 5 tỷ đồng tiền xây chùa của sư trụ trì" vẫn khẳng định với PV qua điện thoại và sáng ngày 24/4: Tôi quyết định không rút tiền ra khỏi TNMU vì họ nói năm 2017 này có nhiều chương trình khởi sắc.
"Tôi rất bất ngờ trước thông tin TNMU ngừng kinh doanh đa cấp, hiện tại tôi Công ty này vẫn chưa giải quyết cho tôi số tiền hơn 1 tỷ mà tôi còn mắc kẹt tại đây dù tôi đã làm đơn đề nghị TNMU mua lại hàng từ tháng 3/2017", bà Nguyễn Thị Hoa, một nạn nhân cho hay.
Ngay trong đêm 24/4, hàng loạt nạn nhân cũng gọi cho nhóm PV để thắc mắc nội dung tương tự như bà Hoa. "Nếu không lấy lại được tiền từ TNMU, tôi chỉ có nước bán nhà hoặc tự tử", bà Nguyễn Thị Thuỷ, trú tại Cầu Giấy, Hà Nội nói.
Trên thực tế, đã có nhiều công ty đa cấp sau khi ngừng hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp đã không đảm bảo các quyền lợi cho người tham gia bán hàng đa cấp nên đã xảy ra tình trạng tụ tập, khiếu kiện đông người tại một số địa phương. Cũng có những nạn nhân vì quá tuyệt vọng bởi không thể lấy được quyền lợi từ đa cấp đã đột tử hoặc dại dột tự tử.
Về vấn đề này, một lãnh đạo Cục Quản lí Cạnh tranh Bộ Công thương cho hay việc chậm trễ trong việc ra quyết định xử phạt cuối cùng đối với TNMU có nhiều nguyên nhân, trong đó có 1 nguyên nhân chính là Cục muốn để người dân tham gia vào TNMU có nguyện vọng rút tiền sẽ rút ra được.
Thời gian qua, mỗi khi nhận được đơn thư kêu cứu từ người dân, Cục cũng lập tức làm văn bản gửi TNMU yêu cầu giải quyết quyền lợi hợp pháp của những người than gia vào TNMU có nguyện vọng huỷ hợp đồng hoặc trả lại hàng. Trường hợp công ty này ngừng kinh doanh đa cấp, chúng tôi sẽ có biện pháp giám sát chặt chẽ để TNMU không thể từ chối chi trả các quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Nhóm PV chuyên trách của VnMedia về đa cấp TNMU cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các nạn nhân đa cấp TNMU trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Vá lỗ hổng pháp lí, chặn nỗi lo "tái sinh"
Một trong những nỗi lo và cũng là nỗi bi quan của nhiều người am hiểu về lĩnh vực kinh doanh đa cấp là khi TNMU ngừng kinh doanh đa cấp thì việc Công ty này sẽ nhanh chóng "tái sinh" dưới hình hài 1 công ty khác bởi trước đó, dư luận từng cho rằng, TNMU chính là một Công ty được tái sinh từ một Công ty đa cấp có tên Sinh Lợi khi Công ty Sinh Lợi bị rút giấy phép bán hàng đa cấp từ năm 2006.
"Việc xin thành lập một công ty và xin giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp là một việc không thể cấm. Nếu họ đáp ứng được các yêu cầu về hồ sơ, pháp lí thì việc cấp giấy phép kinh doanh đa cấp cho những công ty này chỉ là vấn đề thời gian. Giải pháp để ngăn chặn vấn nạn đa cấp lừa đảo phải đến từ hàng lang pháp lí", Luật sư Vũ Khắc Huy, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội nhận định.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Trịnh Anh Tuấn, Cục Phó Cục Quản Lí Cạnh tranh cho hay cơ quan này hiện đang đề xuất việc đưa tội danh lừa đảo trong kinh doanh đa cấp vào Bộ luật Hình sự. "Hiện chúng tôi đã trình các cấp có thẩm quyền và thảo luận với Bộ Tư pháp về vấn đề này", ông Trịnh Anh Tuấn cho hay.
Về vấn đề vá lỗ hổng trong Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lí hoạt định kinh doanh đa cấp, ông Trịnh Anh Tuấn cho hay đã có những sửa đổi căn bản như việc yêu cầu các công ty đa cấp phải đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam; Sơ đồ kinh doanh đa cấp của mọi thành viên đều được truy cập trong hệ thống này; Mọi giao dịch về tài chính trong kinh doanh đa cấp đều phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng; Các công ty đa cấp không được mở các văn phòng kinh doanh đa cấp dạng hộ kinh doanh cá thể mà buộc phải là văn phòng đại diện...
>> VnMedia sẽ tiếp tục thông tin.
Thiên Ngọc Minh Uy sai phạm siêu khủng Theo thông tin từ Cục Quản lí Cạnh tranh, Công ty TNMU đã bị xử phạt ở một loạt hành vi cơ bản của nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh đa cấp như kí hợp đồng với nhiều người không đảm bảo đúng nội dung quy định; Không đảm bảo quy trình đào tạo người tham gia bán hàng đa cấp; Duy trì nhiều hơn một mã với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; Kinh doanh hàng hoá có nhãn mác không đảm bảo đúng nội dung có tính chất bắt buộc với loại hàng hoá đó; Không thông báo với Sở Công thương các địa phương về hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp. Ngoài ra, TNMU còn có tới 80 lượt vi phạm tại các địa phương đối với 13 hành vi được quy định theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quản lí hoạt động kinh doanh đa cấp. Với các hành vi vi phạm trên TNMY đã bị xử phạt số tiền hơn 1,7 tỉ "Với sai phạm như trên, nếu TNMU không chủ động xin ngừng kinh doanh bán hàng đa cấp thì cũng thừa... tiêu chuẩn để cơ quan quản lí nhà nước rút giấy phép kinh doanh đa cấp", Luật sư Vũ Khắc Huy nhận định. |
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc