- Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm qua (28/9) đã đề xuất một gói biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga với mục đích là để “bắt Nga phải trả giá” vì leo cuộc xung đột ở Ukraine bằng việc tổ chức cái mà bà miêu tả là những cuộc bỏ phiếu “giả mạo” ở vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen |
"Chúng tôi không chấp nhận những cuộc trưng cầu dân ý giả mạo và không chấp nhận bất kỳ vụ sáp nhập nào kiểu thế ở Ukraine. Chúng tôi quyết tâm bắt điện Kremlin phải trả giá vì hành động leo thang như vậy”, bà Ursula von der Leyen cho các phóng viên ở Brussels biết.
Gói trừng phạt thứ tám được đề xuất bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu hơn nữa đối với các sản phẩm của Nga, dự kiến sẽ tước đi thêm 7 tỷ euro doanh thu của Moscow (6,7 tỷ USD), và nhiều lệnh cấm xuất khẩu hơn đối với các công nghệ chủ chốt được sử dụng cho quân đội như các mặt hàng hàng không, linh kiện điện tử và các chất hóa học cụ thể, bà von der Leyen thông báo.
Ngoài ra, gói trừng phạt sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc áp giá trần đối với dầu mỏ và cấm các công dân của Liên minh Châu Âu (EU) ngồi vào các cơ quan quản lý của các công ty nhà nước Nga, vị quan chức của EU cho biết.
“Chúng tôi đang đề xuất một gói trừng phạt mới đối với Nga,” bà von der Leyen cho biết tại một cuộc họp báo. Bà giải thích rằng gói đề xuất mới này sẽ hạn chế thương mại hơn nữa để “cô lập và ảnh hưởng nhiều hơn đến nền kinh tế Nga”.
Các biện pháp trừng phạt mới sẽ phải được 27 quốc gia thành viên EU đồng thuận thông qua trước khi có thể được áp đặt. Tuy nhiên, khối đã bị chia rẽ về vấn đề áp giá trần đối với dầu mỏ. Một số nước thành viên EU phản đối mạnh mẽ đề xuất này, trong đó có những quốc gia có ngành công nghiệp vận tải biển hùng mạnh, kiếm được nhiều tiền từ việc vận chuyển dầu của Nga.
Trước đó, Mỹ đã kêu gọi rằng, các biện pháp trừng phạt trong tương lai đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine nên tập trung vào việc tước đi những gì Moscow cần để tài trợ cho cuộc chiến: đó là, doanh thu từ việc bán dầu và khí đốt của Nga và quyền truy cập vào các mạng lưới cung cấp toàn cầu để bổ sung cho quân đội của Nga.
Trong khi kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn chống lại Nga, các quan chức Bộ Tài chính và Ngoại giao của Mỹ mới đây đã phải đối mặt với những chỉ trích từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa về việc các vòng trừng phạt đầu tiên không gây ảnh hưởng nặng nề hay nhanh chóng cho Nga như chính quyền đã dự báo.
“Những gì chúng tôi được thông báo là đây sẽ là những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay đối với một quốc gia. Chúng sẽ có những tác động nhất định", Thượng nghị sĩ Jeanne Shaheen, một đảng viên Đảng Dân chủ New Hampshire cho biết. Ông này nhắc lại những dự đoán ban đầu từ các quan chức chính quyền Mỹ rằng loạt biện pháp trừng phạt mới sẽ đẩy đất nước Nga vào suy thoái, khiến giá trị của đồng rúp lao dốc và gây ra bất ổn ở Nga. “Và chúng tôi đã không thấy tác động toàn diện như đã được miêu tả cho chúng tôi”, ông Shaheen nhấn mạnh.
EU đã thông qua bảy gói trừng phạt chống lại Nga, nhằm vào lĩnh vực tài chính, các cá nhân và tổ chức của nước này, cũng như than và vàng của Nga cùng một loạt thứ khác. Mỹ và các đồng minh khác cũng tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Tuy nhiên, tuần trước, Bộ Kinh tế Nga báo cáo rằng, bất chấp chế độ trừng phạt của phương Tây, sự suy giảm GDP của Nga dự kiến sẽ thấp hơn nhiều so với tính toán trước đây. Trong một triển vọng được cải thiện, Bộ Kinh tế Nga hiện dự đoán nền kinh tế sẽ giảm 2,9% trong năm nay so với mức giảm 4,2% được dự đoán trước đó vào tháng Tám. Nền kinh tế của đất nước dự kiến sẽ mở rộng 2,6% trong năm 2024-2025, do nhu cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước mạnh mẽ.
Các quan chức hàng đầu của Nga trước đó cho biết nền kinh tế đang tăng trưởng tốt hơn dự kiến khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.