- Quân đội Nga sẽ nhận được tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tối tân Sarmat – thứ vũ khí có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống phòng không nào hiện nay, Trung tâm Tên lửa Quốc gia Makeev cho biết.
Thông tin về việc ký hợp đồng “sản xuất và cung cấp hệ thống tên lửa chiến lược Sarmat” đã được thông báo ngày hôm qua (16/8) trong diễn đàn Army 2022 đang diễn ra ở Khu vực Moscow.
Thỏa thuận được ký bởi Thứ trưởng Quốc phòng Nga Aleksey Krivoruchko và Tổng Giám đốc Trung tâm Tên lửa Quốc gia Makeev - ông Vladimir Degtyar, hãng tin RIA Novosti đưa tin.
Phát biểu trên truyền hình Nga hồi tháng Năm, ông Degtyar tuyên bố “tên lửa Sarmat không thể đánh chặn” nhờ vào thiết kế “phức tạp đến khó tin của nó” – thiết kế cho phép tên lửa này “vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp nào”.
Sarmat là loại tên lửa đạn đạo liên lục địa sử dụng nhiêu liệu lỏng hiện đại. Hệ thống tên lửa này được thiết kế để thay thế các tên lửa R-36M Voevoda. Sarmat được cho là có khả năng "xóa sổ" cả nước Pháp hay cả bang Texas của Mỹ. Bên cạnh đó, tốc độ “thần tốc” của nó còn có thể “qua mặt” mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới.
Vũ khí chiến lược mới này của Nga được xem là để đối chọi với Hệ thống tấn công chớp nhoáng toàn cầu (PGS - Prompt Global Strike). Các chuyên gia quân sự bình luận, Sarmat là hệ thống vũ khí 'độc nhất vô nhị' chưa tìm được đối thủ 'xứng tầm'. Nó có khả năng bay qua Bắc Cực và Nam Cực, mang theo đầu đạn phân tách tiên tiến, phóng từ các bệ phóng cơ động.
Dự án Sarmat được phát triển bởi một nhóm các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga, đứng đầu là Trung tâm Tên lửa Quốc gia Makeyev - đặt theo tên Viện sĩ V.P. Makeyev.
Mặc dù chưa có nhiều thông tin chính xác về thông số kĩ thuật của Sarmat, nhiều nguồn tin đáng tin cậy ở Nga cho biết, tầm bắn của tên lửa này vào khoảng 10.000km và trọng lượng của nó là 100 tấn, trong đó từ 4 đến 10 tấn là đầu đạn.
Tên lửa Sarmat được trang bị các đầu đạn dẫn hướng độc lập, có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau khi được phóng đi ở kì cuối của đường bay. Nga sẽ trang bị cho tên lửa này nhiều hệ thống chống nhiễu tín hiệu để xuyên thủng được lá chắn tên lửa của Mỹ. Nhiều thông tin cho rằng, nó có thể được sử dụng như một loại vũ khí siêu thanh trong các xung đột phi hạt nhân.
Ngoài ra, có thông tin cho biết, tên lửa Sarmat dự kiến sẽ được trang bị các hệ thống đối phó điện tử tiên tiến, một hệ thống chỉ huy và kiểm soát phức hợp và có khả năng cơ động cao, cho phép nó thâm nhập được vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.