- Một quan chức quân sự cấp cao của NATO đã trả lời "chúng tôi đã sẵn sàng" khi được hỏi liệu liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương do Mỹ lãnh đạo đã chuẩn bị cho một cuộc đối đầu trực tiếp với Nga hay chưa.
Ông Rob Bauer - Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO cũng là một đô đốc hàng đầu của liên minh quân sự phương Tây mới đây tuyên bố NATO đã sẵn sàng cho một "cuộc đối đầu trực diện" với Nga.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình của Bồ Đào Nha mới đây, khi được hỏi liệu NATO đã sẵn sàng đối đầu với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc chiến ở Ukraine hay chưa, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO Rob Bauer công khai trả lời rằng: "Chúng tôi đã sẵn sàng".
Nhưng ông Bauer nhấn mạnh ông không nghĩ sẽ xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân giữa hai cường quốc quân sự Nga-Mỹ vì Tổng thống Putin "không mất trí" và vẫn là một người "có lý trí".
Đô đốc Bauer cũng nói với kênh truyền hình RTP của Bồ Đào Nha rằng NATO sẽ chỉ đáp trả nếu Nga vượt qua ranh giới đỏ bằng cách xâm lược một quốc gia thành viên NATO.
Theo lời vị quan chức quân sự của NATO, liên minh này đã bắt đầu di chuyển các nhóm tác chiến dọc theo mặt trận phía đông và đã thành lập thêm 4 nhóm tác chiến sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Ông Bauer nhấn mạnh, bước đi trên là một thông điệp quan trọng để Moscow thấy rằng lập trường của NATO đã thay đổi.
Diễn biến trên diễn ra sau khi Ukraine nhận được cam kết từ phương Tây vào tháng 1 về việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực để giúp nước này chống lại Nga trong cuộc chiến hiện nay.
Ukraine sẽ nhận được 120 đến 140 xe tăng phương Tây trong đợt giao hàng đầu tiên từ liên minh gồm 12 quốc gia, trong đó có Anh và Mỹ.
Một thành viên chủ chốt khác của NATO là Đức cũng nằm trong liên minh các nước cung cấp xe tăng cho Kiev sau khi đồng ý gửi xe tăng Leopard đến chiến trường Ukraine vào tuần trước. Berlin ban đầu hoàn toàn không muốn cung cấp xe tăng cho Ukraine những đã bị thuyết phục bởi Mỹ và hành động đi trước của Mỹ.
Kể từ khi có được cam kết từ các nước NATO về việc cung cấp xe tăng, Kiev đã tiếp tục tăng cường đưa ra những yêu cầu khác về vũ khí, bao gồm cả việc được cung cấp máy bay chiến đấu như F-16 của Mỹ và các tên lửa tầm xa hơn.
Tuy nhiên, phương Tây cho đến nay vẫn từ chối gửi vũ khí có thể được sử dụng để tấn công sâu bên trong lãnh thổ Nga cho Kiev và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả lời thẳng thừng là "không" khi được các phóng viên hỏi liệu Washington có gửi chiến đấu cơ F-16 đến chiến trường Ukraine hay không.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 31/1 cho biết London không tin rằng các máy bay chiến đấu của mình sẽ hữu ích và do việc học lái chúng sẽ mất hàng tháng, nên việc gửi chúng đến Ukraine là không thực tế.
Hôm Chủ nhật cuối tuần vừa rồi, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng xác nhận ông sẽ không gửi máy bay chiến đấu tới cho Ukraine.
Thủ tướng Đức cảnh báo các nước không được làm leo thang tình hình căng thẳng với Moscow. Ông này đã khẳng định với tờ rằng Tagesspiegel: "Không có chiến tranh giữa NATO và Nga." Ông Scholz nói thêm rằng ông sẽ tiếp tục đối thoại trực tiếp với Tổng thống Putin.
Các chuyên gia quân sự nhận định Moscow dường như đang quyết tâm thúc đẩy chiến dịch quân sự trong những tháng tới trước khi Kiev nhận được hàng trăm xe tăng chiến đấu và xe bọc thép mới từ phương Tây. Kiev đang chờ đợi các đợt giao hàng vũ khí mới này để thực hiện một cuộc phản công nhằm tái chiếm lãnh thổ bị chiếm đóng trong năm nay.