- Theo tờ Thời báo Phố Wall (Wall Street Journal), khi những yêu cầu đòi Berlin phê chuẩn việc vận chuyển xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard tới Kiev có nguy cơ làm rạn nứt liên minh cầm quyền của Đức, các quan chức cấp cao của Đức cho rằng Mỹ nên đồng ý gửi xe tăng Abrams đến cho đồng minh Ukraine trước.
Ba Lan, Phần Lan và Đan Mạch đều đã tình nguyện gửi một số xe tăng Leopard mà họ sở hữu cho quân đội Ukraine, nhưng một động thái như vậy sẽ cần phải có sự cho phép của Đức. Berlin vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào về vấn đề này, các quan chức ở Berlin cho tạp chí Thời báo Phố Wall biết.
“Các quan chức cấp cao của Đức” đã nói với hãng tin này rằng Đức sẵn sàng chấp thuận lời đề nghị của các nước về việc cung cấp xe tăng cho Ukraine nhưng chỉ khi Mỹ tuyên bố sẽ gửi cho Kiev một số xe tăng Abrams của riêng nước này trước.
Thủ tướng Olaf Scholz đã miêu tả Đức có mối "liên kết chiến lược" với các bạn bè và đối tác của mình khi đưa ra quyết định về cách hỗ trợ Ukraine. Khi được hỏi ngày hôm qua (18/1) về tình hình liên quan đến vấn đề cung cấp xe tăng Leopard, ông Scholz đã nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos rằng ông lo ngại về viễn cảnh cuộc xung đột ở Ukraine leo thang.
“Người Ukraine có thể dựa vào sự hỗ trợ của chúng ta trong cuộc chiến dũng cảm của họ nhưng rõ ràng là chúng ta muốn tránh làm leo thang cuộc chiến này thành một cuộc chiến giữa Nga và NATO,” Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh.
Trong khi khẳng định rằng Mỹ và các đồng minh không phải là các bên trong cuộc xung đột, các nước này cũng lập luận rằng "Nga phải thua" và vì vậy cung cấp cho Kiev tài chính cũng như một loạt vũ khí ngày càng nặng hơn.
Liên minh của Thủ tướng Scholz được cho là đang chia rẽ về vấn đề này, với Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ việc trao ngay cho Ukraine xe tăng Leopards, trong khi Đảng Dân chủ Xã hội của chính ông lại miễn cưỡng. Bộ trưởng Quốc phòng Christine Lambert đã từ chức trong tuần này, một phần do tranh cãi về vấn đề cung cấp xe tăng cho Kiev. Người thay thế bà - ông Vladimir Pistorius hôm qua thừa nhận rằng Đức “gián tiếp” tham gia vào cuộc xung đột nhưng không bình luận về vấn đề xe tăng Leopard.