- Berlin hôm qua (24/11) đã lên tiếng khẳng định rõ ràng rằng các đơn vị phòng không Patriot mà nước này cung cấp cho Ba Lan chỉ nhằm mục đích sử dụng trên lãnh thổ NATO, thẳng thừng từ chối yêu cầu của Warsaw về việc gửi những hệ thống này đến cho Ukraine – nước đang trong cuộc chiến với Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho biết: “Những tên lửa Patriot này là một phần trong hệ thống phòng không tích hợp của NATO, có nghĩa là chúng dự định được triển khai trên lãnh thổ của NATO”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht |
"Bất kỳ việc sử dụng nào bên ngoài lãnh thổ NATO sẽ cần phải được thảo luận trước với NATO và các đồng minh," bà Lambrecht nhấn mạnh.
Berlin đã cung cấp cho Warsaw hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để giúp bảo vệ không phận của nước này sau khi một tên lửa đi lạc đã rơi xuống lãnh thổ Ba Lan hồi tuần trước, khiến hai người dân nước này thiệt mạng.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak hôm 23/11 cho biết ông đã yêu cầu Đức thay vì gửi các hệ thống Patriot đến Ba Lan thì hãy gửi tới Ukraine.
“Sau các cuộc tấn công tên lửa thêm nữa của Nga, tôi đã yêu cầu Đức chuyển các khẩu đội Patriot được cung cấp cho Ba Lan đến Ukraine và triển khai ở biên giới phía tây của nước này”. Bộ trưởng Blaszczak cho biết trên Twitter.
Trước đó, Ba Lan cho hay họ sẽ đề xuất triển khai thêm các bệ phóng tên lửa Patriot ở gần biên giới với Ukraine.
Các hệ thống phòng không trên mặt đất như hệ thống Patriot của Raytheon được chế tạo để đánh chặn các tên lửa đang bay tới. Tuy nhiên, các hệ thống này đang bị thiếu hụt trong NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy các nước NATO tăng cường dự trữ đạn dược và khắc phục tình trạng thiếu hụt hệ thống phòng không.
Đức sở hữu 36 đơn vị Patriot trong thời Chiến tranh Lạnh. Ngày nay, lực lượng Đức chỉ còn 12 đơn vị Patriot, hai trong số đó được triển khai tới Slovakia.