- Philippines rất muốn nối lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc về việc khai thác dầu mỏ và khí đốt chung với Trung Quốc ở Biển Đông nhằm mở rộng và đa dạng hóa các nguồn năng lượng của nước này, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. mới đây đã nói như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg TV.
Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. |
Quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách thỏa hiệp với Trung Quốc – nước đang đòi chủ quyền một số khu vực ở Biển Đông nằm trong lãnh thổ của Philippines, ông Marcos cho biết đồng thời nhấn mạnh bất kỳ thỏa thuận nào cũng không được vi phạm luật pháp của quốc gia.
Trong khi Philippines và Trung Quốc không thể nhất trí với nhau về việc sẽ áp dụng luật của nước nào thì “chúng tôi tiếp tục khai thác, có lẽ là có thể có các cách khác để làm việc này”, ông Marcos nói. “Có những trường hợp khác xung quanh khu vực mà ở đó có những lập trường khác nhau tương tự về những vùng đặc quyền kinh tế cũng như đường cơ sở nhưng họ vẫn tìm được cách để có các hoạt động khai thác chung với Trung Quốc, với Mỹ”, Nhà lãnh đạo Philippines nói thêm.
Trước đó, hồi tháng 6, người tiền nhiệm của ông Marcos – cựu Tổng thống Rodrigo Duterte đã chấm dứt các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về hoạt động khai thác dầu mỏ ở Biển Đông. Ngoại trưởng Philippines lúc đó – ông Teodoro Locsin cho biết, các cuộc đàm phán đã đi xa quá mức Hiến pháp cho phép.
Tân Tổng thống Marcos đã cam kết thúc đẩy quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc, miêu tả mối quan hệ này là “thuận lợi” cho cả hai nước. Ông này cũng miêu tả Bắc Kinh là “đối tác mạnh nhất” của Philippines trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên, chính phủ mới của Phillippines vẫn phản đối “các cuộc thâm nhập” của Trung Quốc vào Biển Đông. Ông này cam kết không nhượng bộ lãnh thổ.
Trước đó, Trung Quốc hồi cuối tuần vừa rồi tuyên bố nước này sẽ "xử lý một cách đúng đắn" các cuộc tranh chấp trên Biển Đông với một loạt quốc gia trong khu vực trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden tái cam kết sự ủng hộ của cường quốc này với sự tự do hàng hải và tự do bay trên bầu trời ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục xử lý đúng đắn các cuộc tranh chấp trên biển với các nước có liên quan trực tiếp, trong đó có Philippines, thông qua đối thoại và tham vấn cũng như hợp tác với các nước ASEAN để duy trì hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông", ông Wang Wenbin - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết tại cuộc họp báo.
Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr. hồi tuần trước đã có cuộc gặp bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York. "Hai nhà lãnh đạo này đã bàn về vấn đề Biển Đông.và nhấn mạnh sự ủng hộ của họ dành cho sự tự do hàng hải và tự do bay qua bầu trời cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp", tuyên bố từ Nhà Trắng cho hay.
Mỹ thường xuyên cáo buộc Bắc Kinh "khiêu khích" ở Biển Đông. Đáp lại, Trung Quốc cũng tức giận trước việc Mỹ thường xuyên triển khai các tàu chiến và máy bay chiến đấu đến Biển Đông.
Trong thông điệp mới nhất vừa được gửi đến Mỹ, phát ngôn viên Wang đã kêu gọi các nước bên ngoài "tôn trọng các nỗ lực" của những nước trong khu vực nhằm duy trì hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông.
"Không có vấn đề gì với sự tự do hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc luôn tôn trọng và ủng hộ sự tự do hàng hải cũng như tự do bay qua bầu trời của tất cả các nước ở khu vực Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế", ông Wang đã nhấn mạnh như vậy.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines thỉnh thoảng leo thang kể từ sau khi xảy ra cuộc đối đầu giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với hai tàu hải giám của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough thuộc Biển Đông hồi tháng 4 năm 2012. Cả Manila và Bắc Kinh đều đòi chủ quyền đối với bãi cạn này.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải chiến lược quan trọng. Đây là lý do khiến Trung Quốc có tham vọng nuốt trọn Biển Đông. Trung Quốc đưa ra yêu sách đường lưỡi bò (9 đoạn) hết sức vô lý, theo đó nước này đòi chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông.
Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tiếp có nhiều hành động hiếu chiến nhằm “khẳng định chủ quyền” ở Biển Đông. Điếu đó đã khiến các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế bất bình.
Philippines và các nước có tranh chấp khác muốn đưa các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông ra toà án quốc tế để giải quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn phản đối nỗ lực quốc tế hóa các cuộc tranh chấp này. Bắc Kinh khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp này trên cơ sở song phương. Với tư cách là nước lớn nhất khu vực, Trung Quốc muốn giải quyết với từng nước nhỏ hơn để dễ bề gây áp lực, giành lợi thế trong những cuộc tranh chấp đó.