- Trong nhiều năm, Liên minh châu Âu (EU) đã phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ và khí đốt của Nga để cung cấp năng lượng cho các ngành công nghiệp và sưởi ấm cho các hộ gia đình. Năm ngoái, 40% lượng khí đốt mà người dân châu Âu sửa dụng có nguồn gốc từ Nga và khối này đã đem lại khoản tiền 108 tỷ USD cho điện Kremlin.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga ở Ukraine vào tháng 2 đã buộc EU phải thay đổi hoàn toàn chiến lược năng lượng của mình để loại bỏ dần sự phụ thuộc của liên minh này vào nguồn dầu mỏ và khí đốt của Nga cũng như để hạn chế nguồn tiền từ năng lượng mà Nga thu được cho cuộc chiến của nước này. Trong sáu tháng qua, khối EU đã bắt đầu loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga, đồng thời tìm kiếm các nhà cung cấp khác. Vào tháng 12, EU sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga và đến tháng 2 tới, EU sẽ cấm các sản phẩm xăng dầu của Nga (mặc dù các sản phẩm được cung cấp qua hệ thống đường ống không nằm trong lệnh cấm). EU cũng đã tuyên bố sẽ loại bỏ toàn bộ khí đốt của Nga vào cuối thập kỷ này.
Nhưng tất cả dầu mỏ và khí đốt đó của Nga cần phải được thay thế để các ngành công nghiệp của EU tiếp tục hoạt động và mọi người ở Châu Âu tiếp tục được sưởi ấm cho ngôi nhà của họ.
Cùng với một số quốc gia khác, EU hiện đang hy vọng rằng Azerbaijan - một quốc gia tương đối nhỏ nằm giữa Dãy núi Caucasus và Biển Caspi, sẽ trở thành một sự thay thế quan trọng cho năng lượng của Nga. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von der Leyen đã coi Azerbaijan là một đối tác năng lượng “đáng tin cậy, đáng dựa vào… [và] là đối tác năng lượng then chốt” – một đối tác có thể tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt sang EU chỉ trong“ vài năm ”khi châu Âu cố gắng đa dạng hóa nguồn cung cấp để nhanh chóng thoát khỏi năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có nhiều vấn đề khi đặt cược lớn vào Azerbaijan. Quốc gia này hiện không có nguồn cung cấp hoặc năng lực để đáp ứng những gì họ nói rằng họ có thể làm được. Và trong nỗ lực tách mình khỏi Nga, châu Âu đang rơi vào vòng tay của một nước khác không khác Nga là mấy — một chiến lược có thể phản tác dụng vì mối quan hệ truyền thống gần gũi, gắn bó của nhà nước hậu Xô Viết Azerbaijan với Nga.
Chương mới trong hợp tác năng lượng của EU hay đối tác không hoàn hảo?
Tháng 7 năm nay, EU và Azerbaijan đã ký một thỏa thuận mới, đánh dấu điều mà bà von der Leyen nói vào thời điểm đó là “một chương mới trong hợp tác năng lượng của EU với Azerbaijan — một đối tác quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi nhằm rời bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga”.
Brussels cho rằng thỏa thuận nói trên sẽ “đóng góp đáng kể vào an ninh nguồn cung của châu Âu”. Biên bản ghi nhớ (MoU) cam kết tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt của Azeri lên ít nhất 20 bcm vào năm 2027 - tương đương khoảng 6% nhu cầu khí đốt của EU - nhưng các chuyên gia đã nghi ngờ về việc liệu Azerbaijan có thể thực hiện được cam kết này hay không.
Mặc dù nguồn cung từ Azerbaijan là tương đối nhỏ, nhưng việc chọn Azerbaijan làm đối tác năng lượng quan trọng là điều hấp dẫn đối với EU vì liên minh này tin vào sự ổn định cũng như khả năng mở rộng tiềm năng của các dự án và đường ống dẫn khí Azeri.
Azerbaijan - quốc gia có biên giới với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và Nga – vận chuyển khí đốt của mình đến châu Âu qua Đường ống xuyên Adriatic (TAP), chặng cuối cùng của mạng lưới đường ống Hành lang khí đốt phía Nam (SGC) dài 3.500 km, được công bố vào năm 2013 và bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, Azerbaijan còn lâu mới có thể trở đối tác đáng tin cậy mà bà von der Leyen đang kỳ vọng. Nước này không có cơ sở hạ tầng khí đốt cần thiết hoặc nguồn vốn để mở rộng cơ sở hạ tầng nhằm thực hiện thỏa thuận với EU, một số chuyên gia đã nhận định như vậy.
Thỏa thuận của EU với Azerbaijan thực sự không giúp các công dân EU hết lo “trong mùa đông này hoặc mùa đông tới… và có lẽ cả những mùa đông tiếp sau đó”, ông Julian Bowden – nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES), cho biết. Theo ông Bowden, thỏa thuận nói trên thực chất chỉ là một động thái để thể hiện cho công dân EU thấy rằng các nhà hoạch định chính sách đang “làm điều gì đó”.