Trì hoãn tăng thuế thuốc lá: Tổn hại sức khỏe, Chính phủ thất thu

0
0

 - Tăng thuế thuốc lá đã được chứng minh là biện pháp hiệu quả nhất giúp giảm sử dụng thuốc lá, qua đó giảm bệnh tật và tử vong, giảm chi phí khám chữa bệnh do sử dụng thuốc lá, đồng thời còn giúp tăng thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần giảm nghèo. Trì hoãn cải cách thuế thuốc lá, không những gây tổn thất về tài chính mà còn thiệt hại về sức khỏe và kinh tế do gánh nặng bệnh tật, tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

 

Thuốc lá dễ nghiện, khó bỏ dù gây chết người

Thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều loại bệnh tật và tử vong. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc bao giờ cũng ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 05-08 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30-80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư thực quản, vòm họng… và đặc biệt, thuốc lá không chỉ có hại với người trực tiếp hút mà cả với người chỉ ngửi khói thuốc lá một cách thụ động.

Đáng chú ý, thuốc lá dễ gây nghiện nhưng lại cực kỳ khó bỏ. Trên thực tế, có nhiều người bệnh nặng, thậm chí mắc ung thư do thuốc lá nhưng vẫn không thể bỏ thuốc nếu đã có thời gian dài sử dụng thứ sản phẩm độc hại này. Nguyên nhân một phần là bởi thuốc lá là thứ quá dễ dàng để người ta có thể mua được với số tiền không lớn.

Điều này được chứng minh khi ngay cả trong các khuôn viên bệnh viện, kể cả khu vực ngay bên ngoài các khoa điều trị ung thư, không hiếm gặp những người mặc quần áo bệnh nhân, thân hình gầy gò tiều tụy nhưng tay vẫn cầm điếu thuốc lá.

“Dù bị ung thư thực quản – một loại ung thư mà nguyên nhân hàng đầu là do thuốc lá, nhưng nhiều bệnh nhân trong quá trình hóa, xạ trị vẫn không thể từ bỏ thuốc lá. Có người vừa từ phòng xạ trị ra là tìm ngay chỗ để hút thuốc. Chúng tôi luôn quán triệt với bệnh nhân là phải bỏ thuốc lá “ngay lập tức” nhưng điều đó là không dễ dàng với nhiều người. Dù biết là nguy hiểm đến tính mạng nhưng họ vẫn không thể vượt qua được cơn thèm. Có người bệnh ung thư còn hút trộm ngay trong phòng vệ sinh của bệnh viện” – một bác sĩ chuyên khoa hóa – xạ trị cho bệnh nhân ung thư chia sẻ.

Theo vị bác sĩ này, ngoài ý thức của cá nhân mỗi người thì việc quan trọng cần làm là phải khiến cho việc tiếp cận thuốc lá bị cản trở, đặc biệt là với giới trẻ - càng khó khăn càng tốt.

“Giới trẻ khi tiếp xúc với thuốc lá từ sớm sẽ rất dễ gây nghiện. Tuy nhiên, nếu giá cả đắt đỏ, sẽ không nhiều trẻ có khả năng mua để sử dụng hoặc lôi kéo bạn bè. Giống như tất cả các loại sản phẩm gây nghiện, thuốc lá cần được ngăn chặn bởi nhiều biện pháp tổng hợp để bảo vệ sức khỏe người dân, trong đó có việc tăng giá thông qua tăng thuế” – Chuyên gia Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cũng nêu quan điểm.

 

Tăng giá thuốc lá, người dân hưởng lợi

Theo tổng kết của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ kinh nghiệm của các quốc gia, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Đặc biệt, đây cũng chính là tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ: “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các hàng hoá có hại cho sức khoẻ như đồ uống có cồn, có ga, thuốc lá để hạn chế tiêu dùng”.

Tuy nhiên, dù mặt hàng thuốc lá đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2019, trong thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao.

Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới đã giảm từ 45,3% (2010) xuống 42,3% (năm 2020) nhưng vẫn ở mức cao và chưa đạt được mục tiêu đề ra là giảm xuống 37% vào năm 2020.

Như vậy, việc sử dụng thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra.

Theo TS Angela Pratt, Trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam, cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá 30% tương đối vào năm 2030 so với tỷ lệ của năm 2015, như đã đề ra trong Chương trình Sức Khỏe Việt Nam”, mà một trong những cách hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này là tăng giá thuốc lá thông qua việc tăng thuế thuốc lá.

“Giá thuốc lá ở Việt Nam rẻ đến mức khó tin, đồng nghĩa với việc giá cả không phải là rào cản đối với giới trẻ trong việc hình thành thói quen hút thuốc lá. Chúng ta cần thay đổi điều này, và làm cho việc bắt đầu cũng như tiếp tục hút thuốc ở những người trẻ trở nên khó khăn hơn. Tăng thuế thuốc lá sẽ là cách nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất để đạt được điều này”- TS Angela Pratt, Trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.

CÁC BỆNH DO HÚT THUỐC LÁ
CÁC BỆNH DO HÚT THUỐC LÁ

Tăng thu cho Chính phủ

Không chỉ làm giảm tiêu dùng thuốc lá, ngăn ngừa thanh thiếu niên hút thuốc; giảm gánh nặng bệnh tật cho cả người dân và hệ thống bảo hiểm y tế, tăng thuế thuốc lá còn giúp tăng thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới trên phạm vi toàn cầu, khi thuế tăng 10% sẽ giúp tăng thu thuế thuốc lá của chinh phủ thêm 7%.

Bằng chứng thực tiễn tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam cho thấy, tăng thuế thuốc lá làm tiêu dùng thuốc lá giảm đi nhưng doanh thu thuế vẫn tăng. Đó là vì, thuốc lá là loại hàng hoá có tính gây nghiện nên tốc độ giảm tiêu dùng sẽ chậm hơn so với tốc độ tăng giá. Do sự gia tăng dân số nên ngay cả khi tỷ lệ hút thuốc giảm vẫn luôn có một số người mới gia nhập thị trường và tổng số người hút sẽ giảm nhưng rất chậm.

Ở các quốc gia nơi mà tỷ lệ thuế tính trên giá bán lẻ thấp như ở Việt Nam, thì tăng thuế thuốc lá thường không dẫn tới một mức tăng lớn trong giá bán thuốc lá hoặc mức giảm mạnh đối với tiêu dùng, nhưng lại sẽ làm tăng doanh thu từ thuế thuốc lá ở mức rất đáng kể cho quốc gia đó.

Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng thuế thuốc lá còn góp phần giảm đói nghèo và thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì vậy, tăng thuế được gọi là biện pháp cùng thắng: lợi cho sức khỏe người dân, lợi cho ngân sách của Chính phủ và lợi cho phát triển.

Hoãn tăng thuế thuốc lá, Việt Nam thất thu hàng chục nghìn tỷ

Việc trì hoãn việc cải cách thuế thuốc lá gây tổn thất to lớn cả về tiền bạc và con người: Nghiên cứu mới đây về “Thất thu ngân sách: Nghiên cứu về khoảng trống ngân sách từ thuế thuốc lá ở Việt Nam” cho thấy: Các mô hình thuế cho thấy tiềm năng tăng thu ngân sách và lợi ích y tế công cộng lớn từ các thay đổi thuế được đề xuất ở Việt Nam.

Cụ thể, với đề xuất tăng thuế 2000 VNĐ/bao thuốc lá bên cạnh thuế tỷ lệ 75% từ 1/1/2020, thu ngân sách từ thuế thuốc lá sẽ tăng khoảng 38,8% vào năm 2020- so với năm 2019;

Với đề xuất tăng thuế lên 5000 VNĐ/bao thuốc lá bên cạnh thuế tỷ lệ 75% từ 1/1/2021, thu ngân sách sẽ tăng 7,4 nghìn tỷ đồng vào năm 2021.

Với việc không áp dụng cải cách thuế vào năm 2020 và 2021, Chính phủ Việt Nam đã thất thu khoảng 19 nghìn tỷ đổng (825 triệu USD) thuế tiêu thụ đặc biệt (nguồn: Hana Ross (2021). Lost Funds: A Study on the Tobacco Tax Revenue Gap in Vietnam. Southeast Asia Tobacco Control Alliance. Bangkok. Thailand.)

 

Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.