- Trái với lập luận của ngành công nghiệp thuốc lá, Ngân hàng Thế giới (Worldbank) khẳng định, tăng thuế thuốc lá không phải là nguyên nhân chính của buôn lậu thuốc lá.
![]() |
Theo báo cáo toàn cầu về “Kinh nghiệm kiểm soát buôn lậu thuốc lá” vừa được Worldbank công bố, việc buôn bán trái phép các sản phẩm thuốc lá làm suy yếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá trên toàn cầu, đặc biệt là chính sách thuế thuốc lá.
Còn từ góc độ sức khỏe cộng đồng, buôn bán thuốc lá lậu làm yếu đi tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với việc tiêu thụ thuốc lá – thông qua việc làm tăng khả năng chi trả, sức hấp dẫn và / hoặc tính sẵn có của các sản phẩm thuốc lá – và từ đó giảm hiệu quả đối với việc giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong sớm do thuốc lá.
“Hơn nữa, buôn bán bất hợp pháp thuốc lá thường phụ thuộc vào quản trị yếu kém và cũng có thể góp phần dẫn tới quản trị yếu kém.” – bài viết trên blog của Worlbank khẳng định.
Tuy nhiên, trái với lập luận của ngành công nghiệp thuốc lá, Ngân hàng thế giới cho rằng, tăng thuế thuốc lá không phải là nguyên nhân chính của buôn lậu thuốc lá.
“Các bằng chứng tích lũy cho thấy ở các quốc gia có thuế và giá thuốc lá thấp thì buôn lậu thuốc lá lại tương đối nhiều hơn, trong khi ở các quốc gia có thuế và giá thuốc lá cao hơn thì buôn lậu thuốc lá lại tương đối ít hơn. Các yếu tố phi giá như tình trạng quản trị, khung pháp lý yếu và sự sẵn có của các kênh phân phối không chính thức mới là các yếu tố quan trọng hơn nhiều ảnh hướng tới tình hình buôn bán thuốc lá lậu.” – báo cáo của Worldbank chỉ rõ.
Một báo cáo mới đây có nhan đề: “Đấu tranh với buôn bán thuốc lá lậu: Đánh giá toàn cầu về kinh nghiệm của các quốc gia”, được chuẩn bị với sự hợp tác của một nhóm chuyên gia đa ngành đến từ các tổ chức khác nhau cho thấy, việc giảm thiểu buôn lậu thuốc lá là rất quan trọng trên cả góc độ y tế công cộng, tài chính công, quản trị hay công bằng.
Báo cáo này trình bày các nghiên cứu điển hình của các quốc gia và khu vực, bao gồm hơn 30 quốc gia ở tất cả các khu vực thu nhập và phát triển, nêu chi tiết bối cảnh tình hình buôn lậu thuốc lá, khung pháp lý và chính sách, chiến lược thực thi, tiến bộ đạt được, bài học và khuyến nghị về tăng cường kiểm soát buôn lậu.
Đáp ứng nhu cầu từ các quan chức chính phủ và các đối tác khác, báo cáo này cung cấp đầu vào và hướng dẫn thực tế về cách giải quyết buôn lậu thuốc lá dựa trên kinh nghiệm đa dạng của các quốc gia. Ấn phẩm này cũng tóm tắt các thực hành tốt và khuyến nghị từ các quốc gia cụ thể, và dựa trên hướng dẫn từ Nghị định thư của Tổ chức Y tế thế giới về Công ước kiểm soát thuốc lá (FCTC) để loại bỏ buôn bán thuốc lá lậu, cũng như từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Thông điệp chính từ Báo cáo này cho thấy, thuế thuốc lá chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong việc buôn lậu thuốc lá. Do đó, việc giải quyết buôn bán thuốc lá nhập lậu và tăng thuế thuốc lá cần được xem là hành động bổ trợ cho nhau.
Đặc biệt, theo Báo cáo, để giảm buôn lậu thuốc lá, giải pháp quan trọng và khả thi đối với tất cả các quốc gia là tăng cường quản lý và thực thi thuế thuốc lá. Việc tăng cường quản lý thuế và cải cách thuế thuốc lá nên được xem là bổ sung cho nhau. Những hành động này củng cố lẫn nhau trong việc giúp các quốc gia giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong sớm và tăng thu ngân sách công.
Theo Báo cáo, các quốc gia báo cáo có những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát buôn bán thuốc lá lậu đã thực hiện một số hành động chính giúp đem đến thành công của họ. Đó là tìm hiểu nguyên nhân, yếu tố thúc đẩy và loại hình buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá, trong đó phân tich các trường hợp quốc gia điển hình khẳng định rằng yếu tố quyết định quan trọng nhất trong kiểm soát buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá là quản lý thuế.
“Các quốc gia khác nhau về trình độ phát triển kinh tế và thể chế như Anh, Kenya và Georgia đều đã cải thiện thành công hiệu quả quản lý thuế thuốc lá và nhờ đó, giảm buôn bán thuốc lá lậu trong khi thuế thuốc lá tăng và thu ngân sách từ thuế thuốc lá tăng.” – Báo cáo nêu rõ.
Đặc biệt, Báo cáo chỉ ra rằng, các quốc gia cần tăng cường các dữ liệu quốc gia, phân tích, lập kế hoạch, có quy trình thực hiện và tránh phụ thuộc vào dữ liệu do ngành công nghiệp thuốc lá tạo ra bởi các nghiên cứu trường hợp đặc biệt từ Colombia, Úc, Georgia và Malaysia xác nhận những phát hiện trước đó rằng, ngành công nghiệp thuốc lá thường xuyên phóng đại quá mức và thay đổi trong buôn bán thuốc lá lậu để phản đối cải cách thuế thuốc lá.
Về việc xây dựng các liên minh chính trị toàn diện chống buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá, Báo cáo cho biết, các chiến lược quốc gia được thực hiện thành công đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các bộ và cơ quan chính phủ hàng đầu, cũng như xây dựng liên minh với các bên liên quan chính trong xã hội dân sự, như đã được nhấn mạnh từ kinh nghiệm của Kenya, UK, Georgia, Colombia và Bangladesh.
Cũng theo Báo cáo của Worldbank, các nghiên cứu điển hình của Úc, Mexico và Bangladesh nhấn mạnh rằng, các chương trình can thiệp mạnh, thành công để chống buôn bán thuốc lá lậu và thực hiện cải cách thuế thuốc lá cần có sự hỗ trợ tích cực và phối hợp từ nhiều bộ, cơ quan Chính phủ, giữa các đối tác khác (các Bộ Tài chính, Thương mại, Công nghiệp, Đối ngoại, Tư pháp, Nội vụ, Hải quan, Giáo dục và Y tế, cùng với xã hội dân sự và truyền thông).
Báo cáo cũng khẳng định, giải quyết buôn bán bất hợp pháp là một phần không thể thiếu trong cải cách thuế thuốc lá và kiểm soát thuốc lá nói chung. “Ở tất cả các trường hợp nghiên cứu, khi có sự tăng thuế hoặc tăng giá thuốc lá đáng kể, doanh thu của chính phủ đã tăng và tỷ lệ hiện mắc giảm (ở nơi có dữ liệu)” - Báo cáo nhấn mạnh.
Xuân Hưng