- Theo số liệu chính thức mới nhất, hơn 20.000 người đã thiệt mạng và gần 80.000 người bị thương sau hàng loạt trận động đất thảm khốc xảy ra ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền bắc Syria hồi đầu tuần. Trong khi đó, hàng chục nghìn người đã mất nhà cửa trong cái lạnh của mùa đông.
Vào tối ngày hôm qua (9/2), Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ đã cập nhật số người chết lên đến con số 17.406 người, với 71.866 người bị thương được ghi nhận do trận động đất xảy ra ở nước này. Về phía Syria, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đưa ra con số thiệt mạng là 1.347 người, trong khi lực lượng nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn tuyên bố có thêm gần 1.800 người chết trong các vùng lãnh thổ do họ kiểm soát.
Một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã tấn công tỉnh Kahramanmaras của Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu giờ thứ Hai (6/2). Hai trận dư chấn mạnh nhất xảy ra ở tỉnh Gaziantep có cường độ lần lượt là 6,4 và 6,5 độ richter.
Những người sống sót đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nơi trú ẩn trong nhiệt độ khắc nghiệt của mùa đông lạnh giá, và một số người được cho là đã yêu cầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sơ tán họ đi nơi khác.
Ahmet Tokgoz – một cư dân ở Antakya, tỉnh Hatay, đã nói với phóng viên AP rằng: “Không thể sống được ở đây, đặc biệt là trong thời tiết giá lạnh như thế này.”
“Nếu mọi người chưa chết vì mắc kẹt dưới đống đổ nát, thì họ sẽ chết vì lạnh,” Tokgoz nói thêm.
Đến thăm Hatay hôm 8/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng không ai có thể chuẩn bị sẵn sàng cho một thảm họa lớn như vậy, nhưng Ankara “sẽ không bỏ mặc bất kỳ công dân nào của chúng tôi”.
Hơn 110.000 nhân viên cứu hộ đang nỗ lực làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ với sự hỗ trợ của hơn 5.500 phương tiện, bao gồm máy ủi, cần cẩu, máy xúc và máy kéo. Trong số lực lượng cứu hộ này còn có các thành viên của Bộ Khẩn cấp Nga. Lực lượng Nga cũng được triển khai đến Syria để giúp quốc gia này trong công tác cứu hộ.
Quân đội Nga hoạt động tại các tỉnh Aleppo, Latakia và Hama của Syria đã giải cứu 47 người khỏi đống đổ nát, viện trợ y tế cho 225 người khác và vận chuyển 38,5 tấn hàng viện trợ nhân đạo, Thiếu tướng Oleg Yegorov cho các phóng viên biết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ước tính rằng các trận động đất có thể ảnh hưởng đến 23 triệu người trong thời gian dài. Tình hình ở Syria đặc biệt nghiêm trọng sau 12 năm xung đột vũ trang và phong tỏa kinh tế do Mỹ và các đồng minh áp đặt. Các tổ chức từ thiện và quốc tế đã nhiều lần kêu gọi phương Tây dỡ bỏ hoặc ít nhất là đình chỉ các biện pháp trừng phạt để tạo điều kiện cho viện trợ tiếp cận dễ dàng hơn.
Ông El-Mostafa Benlamlih - điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Syria, cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (8/2) rằng: “Chúng tôi chỉ hy vọng rằng những cân nhắc chính trị sẽ được gạt sang một bên và để chúng tôi làm công việc của mình”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây cũng lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Syria đang làm gián đoạn các nỗ lực cứu trợ sau trận động đất thảm khốc hồi đầu tuần. Bắc Kinh thúc giục Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và “mở cửa cho viện trợ nhân đạo”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Gueterres nói rằng người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang phải chịu hết cơn ác mộng này đến cơn ác mộng khác do hậu quả của trận động đất và những trận dư chấn thảm khốc cũng như tình trạng thiếu nguồn cung cấp để giúp đỡ cho họ trong bối cảnh vô cùng khó khăn này.
“Mọi người đang đối mặt với cơn ác mộng chồng lên cơn ác mộng,” ông Guterres hôm qua phát biểu.
Liên hợp quốc đang gấp rút đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ và đây là lý do tại sao Điều phối viên phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc Martin Griffiths sẽ tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất vào cuối tuần này, ông Guterres nói thêm.