- Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hôm qua (29/1) đã nói với khán giả là giới trẻ ở tỉnh Bilecik rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đưa ra quyết định khác nhau đối với các đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, ám chỉ rằng “Thụy Điển sẽ bị sốc khi chúng tôi có câu trả lời cho họ khác với câu trả lời đối với Phần Lan”.
"Nhưng Phần Lan không nên phạm sai lầm tương tự", Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ |
Cả hai quốc gia Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển đều đã đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 năm ngoái về việc gia nhập khối quân sự phương Tây do Mỹ lãnh đạo. Theo đó, hai nước này cam kết không hỗ trợ các nhóm mà Ankara coi là khủng bố, dẫn độ các nghi phạm khủng bố và tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí liên quan đến bộ ba nước này. Đổi lại, Ankara được cho là sẽ ủng hộ Phần Lan và Thụy Điển gia nhập vào liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, thỏa thuận nói trên đã bị rạn nứt vào đầu tháng này, khi chính trị gia cực hữu người Thụy Điển gốc Đan Mạch Rasmus Paludan đốt một cuốn kinh Koran ngay trước Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Điển và thề sẽ phá hủy cuốn sách thánh của đạo Hồi vào thứ Sáu hàng tuần cho đến khi Stockholm được phép gia nhập NATO.
Tổng thống Erdogan đã đề cập đến hành động khiêu khích của chính trị gia Paludan trong bài phát biểu mới nhất của ông vào ngày hôm qua. Trong đó, ông này đã đặt ra câu hỏi rằng: “Có phải Thụy Điển đã quét sạch đạo Hồi bằng cách đốt kinh Koran của chúng tôi không?…Họ chỉ thể hiện cho chúng tôi thấy họ hành động đáng xấu hổ như thế nào. Đan Mạch cũng làm như vậy.”
Ông Paludan đã đốt thêm các bản kinh Koran vào thứ Sáu (27/1), lần này là trước một nhà thờ Hồi giáo, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ và Lãnh sự quán Nga ở Copenhagen.
Trong khi Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson lên án hành động của lãnh đạo đảng Stram Kurs (Đường lối cứng rắn) Paludan là “vô cùng thiếu tôn trọng”, thì ông này không kêu gọi bất kỳ hình phạt chính thức nào đối với ông Paludan - người đã được cảnh sát cho phép làm như vậy với lý do bảo vệ quyền tự do ngôn luận của Stockholm. Thổ Nhĩ Kỳ lên án cách xử lý vấn đề của Thụy Điển, cho rằng hành động này “rõ ràng cấu thành một tội ác do thù ghét.”
Trong khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tiết lộ vào tuần trước rằng một cuộc họp theo kế hoạch để thảo luận về tư cách thành viên NATO với cả Phần Lan và Thụy Điển đã bị hoãn vô thời hạn, thì ông Erdogan nói với khán giả của mình vào ngày hôm qua rằng Thụy Điển dù sao cũng đã được đưa ra danh sách 120 người mà nước này sẽ dẫn độ với tư cách là “những kẻ khủng bố” để mở đường cho việc “gia nhập NATO.”