- Đức ban đầu ủng hộ việc Ukraine nhanh chóng bị Nga đánh bại thay vì kéo dài cuộc chiến do những lo ngại về kinh tế, cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi đầu tuần đã cáo buộc như vậy. Đức đã nhanh chóng phản bác lại cáo buộc trên, miêu tả những phát biểu của cựu Thủ tướng Johnson là "hoàn toàn vớ vẩn".
Người phát ngôn của chính phủ Đức - ông Steffen Hebestreit |
Phát biểu với hãng tin CNN Bồ Đào Nha, ông Johnson lưu ý rằng trước khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2, một số quốc gia phương Tây đã có “quan điểm rất khác nhau” về cuộc xung đột đang âm ỉ này.
Theo cựu Thủ tướng Anh, “quan điểm của người Đức ở một giai đoạn là nếu điều đó sắp xảy ra, đó sẽ là một thảm họa, thì tốt hơn là toàn bộ sự việc nên nhanh chóng kết thúc và Ukraine nên đầu hàng”. Ông Johnson nói thêm rằng thái độ này được hỗ trợ bởi “tất cả các loại lý do kinh tế hợp lý”.
Ông Johnson tiếp tục tiết lộ rằng giới lãnh đạo Pháp “bác bỏ cho đến giây phút cuối cùng” về kế hoạch đưa quân vào Ukraine của Nga, trong khi chính quyền Italia “chỉ đơn giản nói rằng họ sẽ không thể ủng hộ” lập trường của các nước khác phương Tây khác, do sự phụ thuộc “lớn” của họ vào năng lượng của Nga.
Tuy nhiên, theo cựu Thủ tướng Johnson, các nước phương Tây sau đó đã nhanh chóng tập hợp xung quanh Kiev sau khi chiến dịch quân sự quy mô lớn của Nga nổ ra. “Sau tất cả những lo lắng của tôi… tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với cách mà EU đã hành động. Họ đã đoàn kết. Các biện pháp trừng phạt rất hà khắc,” ông Johnson nói.
Sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các nước phương Tây đã tăng cường đáng kể các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow, đóng băng khoảng một nửa dự trữ vàng và ngoại hối của Nga - một động thái mà Moscow miêu tả là hành động 'ăn cắp'. Phương Tây cũng đã cung cấp cho Ukraine hàng tỷ USD đô la hỗ trợ an ninh. Moscow khẳng định rằng những chuyến hàng vũ khí này chỉ khiến cho cuộc xung đột bị kéo dài.
Ông Boris Johnson tuyên bố từ chức vào đầu tháng 7 sau một loạt bê bối trong chính quyền Anh. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Johnson đã củng cố mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Vladimir Zelensky, người đã gọi ông là "một người bạn thực sự" do "sự ủng hộ vững chắc" của ông này đối với Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Đức phản bác cáo buộc của cựu Thủ tướng Anh
Đức đã miêu tả tuyên bố của cựu Thủ tướng Anh về việc chính phủ Đức muốn Ukraine nhanh chóng đầu hàng Nga là "hoàn toàn vớ vẩn".
Người phát ngôn của chính phủ Đức - ông Steffen Hebestreit đã nói với các nhà báo tại một cuộc họp báo của chính phủ Đức ở thủ đô Berlin rằng: “Những gì mà ông Boris Johnson nói là hoàn toàn vớ vẩn. Chúng tôi biết rằng vị cựu Thủ tướng rất thú vị đó luôn có mối quan hệ riêng với sự thật”. Vị quan chức Đức nói thêm rằng, “lần này cũng chẳng có gì khác biệt.”
Khi được các nhà báo hỏi liệu ông có gọi ông Johnson là kẻ nói dối hay không, phát ngôn viên Heberstreit đã khẳng định lại tuyên bố trước đó của mình nhưng không trả lời trực tiếp câu hỏi. Người phát ngôn của chính phủ Đức trả lời: “Ông Johnson luôn có cách tiếp cận rất cá nhân đối với sự thật”. Ông Heberstreit nói thêm rằng ông ấy biết điều này vì ông ấy "đã trực tiếp tham gia các cuộc đàm phán với Thủ tướng Anh lúc bấy giờ ở Munich chỉ vài ngày trước khi cuộc chiến tranh ở Ukraine nổ ra."
Ông Heberstreit nhấn mạnh rằng cáo buộc của cựu Thủ tướng Anh đơn giản là không có cơ sở thực tế. Thủ tướng Olaf Scholz và chính phủ của ông “đã từ bỏ thông lệ quốc gia kéo dài hàng thập kỷ là không gửi vũ khí đến các khu vực khủng hoảng và chiến sự”, phát ngôn viên chính phủ Đức cho hay, chỉ ra rằng rằng viện trợ quân sự của Đức cho Kiev là “chưa từng có cả về chất lượng và số lượng”.
Sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, Đức đã thực hiện tất cả các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga và gửi một lượng lớn vũ khí tới Kiev, bao gồm cả vũ khí hạng nhẹ và pháo, cũng như các hệ thống phòng không. Tuy nhiên, Thủ tướng Scholz và chính phủ của ông thường xuyên bị cả Kiev và các nước phương Tây chỉ trích vì được cho là miễn cưỡng cung cấp cho Ukraine tất cả các hệ thống vũ khí mà nước này yêu cầu.