- Nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Châu Âu (EU) - ông Josep Borrell mới đây đã thẳng thắn phát biểu rằng, sự thịnh vượng của EU đã phụ thuộc quá lâu vào Trung Quốc và Nga, trong khi an ninh được giao cả cho Mỹ.
Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao và nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế nguồn cung cấp dầu và khí đốt từ Nga như một phần của các chiến dịch trừng phạt nhằm vào Mscow vì cuộc chiến ở Ukraine.
“Sự thịnh vượng của chúng ta dựa trên nguồn năng lượng giá rẻ đến từ Nga. Khí đốt của Nga - giá rẻ và được cho là hợp lý, an toàn, ổn định. Hiện tại, điều này đã được chứng minh là không đúng”, ông Borrell cho biết trong một bài phát biểu tại hội nghị các đại sứ EU mới đây.
Nhà ngoại giao của EU nói thêm rằng khối 27 nước thành viên cũng phụ thuộc quá nhiều vào thương mại với Trung Quốc, cũng như đầu tư của Trung Quốc và “hàng hóa giá rẻ” từ Trung Quốc.
Ông Borrell lập luận: “Tôi nghĩ rằng công nhân Trung Quốc với mức lương thấp đã làm tốt hơn nhiều và nhiều hơn nữa để kiềm chế lạm phát so với tất cả các nỗ lực của các Ngân hàng Trung ương hợp lại”.
“Vì vậy, sự thịnh vượng của chúng ta dựa trên Trung Quốc và Nga - năng lượng và thị trường. Rõ ràng, ngày nay, chúng ta phải tìm ra những cách thức mới để cung cấp năng lượng từ bên trong Liên minh Châu Âu, càng nhiều càng tốt, bởi vì chúng ta không nên thay đổi từ sự phụ thuộc này đến sự phụ thuộc khác”, ông Borrell nhấn mạnh.
Vị quan chức EU nói thêm rằng, trong khi liên minh ngày càng phụ thuộc kinh tế vào Moscow và Bắc Kinh thì “chúng ta cũng phụ thuộc an ninh của mình vào Mỹ”. Ông Borrell cho rằng, việc phụ thuộc quá nhiều vào Washington tạo ra cảm giác bất ổn ở Brussels, đặc biệt nếu thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Mỹ không ủng hộ EU.
“Ai biết được điều gì sẽ xảy ra sau hai năm kể từ bây giờ, hoặc thậm chí là ngay vào tháng 11 tới? Điều gì sẽ xảy ra nếu, thay vì là ông Joe Biden, đó sẽ là ông Donald Trump hoặc là một người nào đó giống ông ấy ở trong Nhà Trắng? Câu trả lời của Mỹ đối với cuộc chiến ở Ukraine là gì? Câu trả lời của chúng ta sẽ là gì trong một tình huống khác?”
“Và câu trả lời đối với tôi là rất rõ ràng: chúng ta cần phải tự mình gánh vác nhiều trách nhiệm hơn. Chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh,” ông Borrell tuyên bố.
Lo ngại về giá khí đốt và lo ngại về khả năng thiếu hụt năng lượng cũng đã thúc đẩy một số công ty lớn chuyển hoạt động sản xuất từ EU sang Mỹ. Volkswagen - nhà sản xuất ô tô lớn nhất châu Âu đã tiết lộ vào tháng trước rằng họ đang xem xét di dời các nhà máy sản xuất khỏi Đức do chi phí năng lượng tăng cao.
Những thừa nhận trên của ông Borrell đã chỉ ra thực tế đang tồn tại trong EU và đây không phải là lần đầu EU nói đến điều này. Trong cuộc chiến trừng phạt kéo dài với Nga, EU đã hiểu rõ sự phụ thuộc của họ vào nguồn năng lượng của Nga và đang loay hoay tìm lối thoát. Liên minh Châu Âu đã tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế. Tuy vậy, việc này không phải một sớm một chiều. Trong bối cảnh EU phải áp dụng chính sách trừng phạt hà khắc hơn đối với Moscow, sự phụ thuộc của EU vào Nga đã khiến liên minh này chịu tổn thất không thua gì nước bị trừng phạt, nếu không nói là nhiều hơn.
Các nước EU đang phải mua năng lượng từ Mỹ với “giá cắt cổ”. Thực tế này khiến không ít quan chức EU bất mãn với đồng minh.
Về an ninh, EU cũng đang loay hoay tìm cách thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ, đặc biệt sau khi ông Trump lên cầm quyền. Dưới thời Tổng thống Trump, ông này không chấp nhận việc EU để Mỹ phải hứng chịu phần lớn gánh nặng ngân sách quốc phòng cho toàn khối. Ông Trump nhiều lần thẳng thừng tuyên bố Mỹ sẽ không bảo vệ EU nếu liên minh này không chia sẻ bớt gánh nặng tài chính với Washington.