- Liên minh châu Âu (EU) muốn 44 quốc gia Châu Âu tụ họp tại một hội nghị thượng đỉnh mới lần đầu tiên được tổ chức để nhấn mạnh đến việc Nga bị cô lập quốc tế vì cuộc chiến ở Ukraine và tìm cách xây dựng một trật tự mới mà không có Nga.
Các nhà lãnh đạo từ khoảng 44 quốc gia hôm qua (6/10) đã tụ họp lại với nhau để khởi động một “Cộng đồng Chính trị Châu Âu” nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng kinh tế trên khắp lục địa. Tuy nhiên, Nga - một cường quốc lớn của châu Âu không được mời đến tham dự hội nghị này.
Cuộc họp diễn ra tại thủ đô Praha của Cộng hòa Séc là ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và được sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh Nga đang thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, bắt đầu từ ngày 24/2, và EU đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc kết nạp Ukraine làm thành viên.
Hội nghị thượng đỉnh sẽ có sự tham gia của 27 nước thành viên EU, các đối tác triển vọng ở vùng Balkan và Đông Âu, cũng như các nước láng giềng như Anh - quốc gia duy nhất rời EU - và Thổ Nhĩ Kỳ.
“Cuộc họp này là một cách tìm kiếm một trật tự mới mà không có Nga. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi muốn loại trừ Nga mãi mãi, nhưng nước Nga này - nước Nga của Tổng thống Putin - không có chỗ ở đây”, vị quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU - ông Josep Borrell cho các phóng viên biết.
“Thật không may là bạn không thể xây dựng một trật tự an ninh có Nga. Nga đã bị cô lập, ” ông Borrell đã nói như vậy.
Những người chỉ trích ý tưởng của Tổng thống Pháp cho rằng diễn đàn mới là một nỗ lực nhằm hãm đà mở rộng của EU. Những người khác lo ngại rằng hội nghị này có thể trở thành một nơi để thảo luận, bàn chuyện, có thể họp một hoặc hai lần một năm nhưng không có bất kỳ ảnh hưởng hoặc nội dung thực sự nào.
Trong một bài phát biểu công bố ý tưởng của mình hồi tháng 5, Tổng thống Macron có thể đã làm dấy lên những lo ngại về kế hoạch mở rộng EU.
Nhà lãnh đạo Pháp đã nói: “Cuộc chiến ở Ukraine và nguyện vọng chính đáng của người dân, cũng như của Moldova và Georgia, là gia nhập Liên minh châu Âu. Điều đó thúc đẩy chúng tôi suy nghĩ lại về vị trí địa lý và cách tổ chức lục địa của chúng ta”.
Nhưng thậm chí ngay cả khi các nước EU hỗ trợ ồ ạt cho Ukraine - dưới dạng vũ khí để nước này có thể chống trả hoặc bảo vệ cho những người dân đang chạy trốn thì Tổng thống Macron vẫn thừa nhận rằng, “tất cả chúng ta đều biết rõ rằng quá trình cho phép họ gia nhập liên minh trên thực tế sẽ mất nhiều thời gian, nhiều năm và rất có thể là vài thập kỷ”.
Theo Tổng thống Macron, điều cần thiết ở đây là “một không gian mới cho hợp tác chính trị và an ninh, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, vận tải, đầu tư, cơ sở hạ tầng, sự di chuyển tự do của con người và đặc biệt là giới trẻ của chúng ta”.
Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu tại Lâu đài Praha sẽ bắt đầu bằng lễ khai mạc, sau đó là một loạt các cuộc họp - nơi các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những thách thức chính mà châu Âu đang phải đối mặt: an ninh, năng lượng, khí hậu, tình hình kinh tế tồi tệ và di cư.
Không có khoản viện trợ hay chương trình nào cũng như không có tuyên bố chính thức nào được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh.
Một quan chức EU tham gia vào việc chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh mới đã khẳng định, diễn đàn này "không thay thế cho các tổ chức, cấu trúc hoặc tiến trình hiện có nào hiện nay và cũng không nhằm tạo ra những tổ chức, cấu trúc hay tiến trình mới nào ở giai đoạn này."
Bằng chứng về giá trị của hội nghị có lẽ sẽ chỉ được biết được khi một hội nghị thượng đỉnh thứ hai được tổ chức.