- Ankara đang yêu cầu Kiev phải có lời giải thích sau khi một số ngân hàng và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ bị đưa tên lên một trang web có liên quan đến chính phủ Kiev - một trang web chuyên đưa tên những lực lượng ủng hộ Nga mà Ukraine muốn trừng phạt, tờ Aydınlık đưa tin.
Thổ Nhĩ Kỳ hồi cuối tuần vừa rồi đã gặp Đại sứ Ukraine tại Ankara và “thể hiện phản ứng mạnh mẽ đồng thời yêu cầu có lời giải thích cụ thể” về tình hình, các nguồn tin ngoại giao hôm qua (13/9) cho biết.
Phái đoàn ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Kiev cũng yêu cầu giới chức Ukraine có lời giải thích cho vụ việc nói trên.
“Cân nhắc đến mối quan hệ đối tác chiến lược hiện có, tình đoàn kết và sự hợp tác với Ukraine, chúng tôi mong đợi rằng các cá nhân và tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt”, các nguồn tin nhấn mạnh.
Aydınlık trước đó đưa tin các dữ liệu về các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Ngân hàng nhà nước Ziraat Bank, ngân hàng tư nhân lớn Denizbank và hãng bia Anadolu Efes cũng như một loạt các doanh nhân của Thổ Nhĩ Kỳ - những người làm việc với Nga, đã xuất hiện trên website “War and Sanctions” (Chiến tranh và Trừng phạt).
Trang web trên được ủng hộ bởi Bộ Ngoại giao Ukraine và Cơ quan Quốc gia về Chống Tham nhũng của Ukraine. Trang web này liệt kê những cá nhân và tổ chức mà theo quan điểm của Kiev là nên bị trừng phạt “vì ủng hộ cho cuộc chiến tranh của Nga chống lại Ukraine”.
Thổ Nhĩ Kỳ lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine nhưng kiên quyết không tham gia vào các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từng bày tỏ mong muốn toàn bộ các thành viên áp đặt biện pháp trừng phạt lên Nga. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO. Tuy nhiên Thổ Nhĩ Kỳ liên tục khẳng định họ không có ý định áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga để không làm phương hại đến nền kinh tế của chính họ mà còn để mở ra cánh cửa đối thoại với Nga.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có nhiều cuộc đối thoại, gặp gỡ với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky kể từ khi cuộc xung đột nổ ra hồi tháng Hai. Ankara có mong muốn đóng vai trò trung gian giữa Nga và Ukraine để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine.
Cựu nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Uluc Ozulker cho rằng Kiev thật là “điên rồ” khi đòi trừng phạt các doanh nghiệp và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ.
“Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất có thể đàm phán với cả Ukraine và Nga…. Ukraine bán lúa mỳ với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và kiếm tiền…. Ukraine cần Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Ozulker nói thêm.
Tuy nhiên, gần đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên tiếng chỉ trích phương Tây về “chính sách khiêu khích” nhằm vào Nga. “Tôi phải nói với những người đánh giá thấp Nga rằng, các bạn đang mắc sai lầm. Nga không phải là một quốc gia có thể bị đánh giá thấp”, Tổng thống Erdogan đã nói như vậy tại một cuộc họp báo ở Belgrade, Serbia.
“Tôi có thể nói rõ ràng rằng tôi không thấy thái độ của phương Tây đối với Nga là đúng. Bởi vì có một phương Tây đang theo đuổi chính sách dựa trên sự khiêu khích”, ông Erdogan nói thêm.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh rằng ông không thấy được ánh sáng cuối đường hầm trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine – một cuộc xung đột đã kéo dài hơn nữa năm. Tổng thống Erdogan nhấn mạnh nước ông đang theo đuổi “một chính sách đối ngoại cân bằng giữa Nga và Ukraine”.