- Người bị bạo lực gia đình chưa biết rõ mình cần cầu cứu đến ai? Cơ quan có trách nhiệm nào? vẫn còn việc coi đó chỉ là việc riêng nên cứ việc đóng cửa bảo nhau, dẫn đến những hậu quả rất nặng nề như tình trạng vợ chồng giết nhau…
Đóng góp ý kiến cho luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Quốc hội Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) phân tích: Thời gian qua, dù đã có luật phòng, chống bạo lực gia đình nhưng thực tế, khi có hành vi bạo lực gia đình xảy ra thì việc nhận diện và hỗ trợ kịp thời cho người bị bạo lực gia đình còn chưa kịp thời, chưa thật sự hiệu quả.
“Người bị bạo lực gia đình còn lúng túng, chưa biết rõ mình cần cầu cứu đến ai? Cơ quan có trách nhiệm nào? Cơ quan được người bị bạo lực gia đình báo tin thực tế cũng lúng túng, đâu đó vẫn còn xem nhẹ, coi đó chỉ là việc riêng của gia đình nên cứ việc đóng cửa bảo nhau” – Đại biểu tỉnh Ninh Thuận nói.
Theo Đại biểu Chamaléa Thị Thủy, điều này vô hình chung sẽ làm mất lòng tin của người bị bạo lực gia đình, dẫn đến việc họ tiếp tiếp tục chịu đựng bạo lực gia đình hoặc tự phản vệ theo cách tiêu cực để chống trả lại người thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
“Nhiều trường hợp đã dẫn đến những hậu quả rất nặng nề, đáng tiếc, gây bất bình, phẫn nộ cho xã hội. Ví dụ như tình trạng con giết cha mẹ, vợ chồng giết nhau vì tâm lý bức xúc dồn nén lâu ngày của người bị bạo lực gia đình.” – Đại biểu Chamaléa Thị Thủy dẫn chứng.
Với những phân tích trên, Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị việc sửa đổi luật lần này cần chú trọng đến quy định cụ thể về trách nhiệm và cơ chế phối hợp trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức; Chú trọng quy định rõ các biện pháp xử lý thật cụ thể, phù hợp với người có hành vi bạo lực gia đình; Tránh tình trạng, biện pháp xử lý không kịp thời, không phù hợp, không tương xứng với hành vi vi phạm, dẫn đến người thực hiện hành vi bạo lực gia đình có tâm lý coi thường pháp luật, tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình.
Đại biểu Quốc hội Chamaléa Thị Thủy |
Về công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Chamaléa Thị Thủy cho rằng, thời gian qua, việc tuyên truyền và phòng chống bạo lực gia đình có thực hiện nhưng chưa hiệu quả.
Đại biểu tỉnh Ninh Thuận cho biết, bà rất tâm đắc về vấn đề giáo dục nhằm chuyển đổi hành vi. Nếu làm tốt công tác này sẽ làm cho nhận thức về pháp luật và xã hội của người dân được nâng lên, mọi người biết đến quyền, nghĩa vụ của mình đối với các thành viên của gia đình. Tránh tình trạng nhân danh với vai trò là ông bà, cha mẹ nên được quyền dạy dỗ con cháu theo cách "thương cho roi cho vọt" hoặc là tình trạng đổ lỗi vì thành viên trong gia đình có lỗi này, lỗi khác nên thành viên khác trong gia đình được quyền xử lý dẫn đến những hành vi bạo lực gia đình.
Nhận định thực tế cho thấy hành vi bạo lực gia đình vẫn diễn ra phổ biến và mức độ bạo hành ngày càng nghiêm trọng hơn Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) cho rằng, việc nhận diện được những hình thức bạo hành là rất quan trọng, đây là cơ sở để triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, bảo vệ người bị bạo lực gia đình.
“Bạo lực tình dục sẽ được hiểu như thế nào? Liệu rằng có cần bằng chứng trong điều tra bạo lực tình dục hay là dựa trên báo cáo của nạn nhân và nhân chứng? Do đó, cần phải có thang đo đặc thù cũng như cách khảo sát đặc thù của các cơ quan về giới để nhận diện đúng, rõ hơn các hình thức cũng như các hành vi bạo lực gia đình trong thực tế, để tránh trường hợp người bị bạo lực gia đình không biết mình bị bạo lực, dẫn tới việc không thể hoặc gây khó khăn trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hành vi và bảo vệ người bị bạo lực gia đình.” – Đại biểu tỉnh Hà Giang phân tích.
Tán thành với ý kiến của đại biểu Vương Thị Hương, Đại biểu Cao Mạnh Linh (Thanh Hoá) cho rằng, các nhóm hành vi bạo lực có tính chất, phương thức thực hiện, mức độ nhận diện, hậu quả xảy ra là rất khác nhau, nên về nguyên tắc, để phòng, chống có hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần phải có cách thức xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng nhóm hành vi cũng như mức độ nghiêm trọng của từng hành vi.
ĐBQH Vương Thị Hương |
Quan tâm đến vấn đề hòa giải, Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) nhấn mạnh, biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình và phòng ngừa tái diễn bạo lực gia đình sẽ không thay thế các biện pháp xử lý vụ việc bạo lực gia đình.
“Dự thảo luật chưa quy định rõ khi nào phải xử lý một tình huống bằng hòa giải và khi nào cần các biện pháp can thiệp khác. Trong thực tiễn, việc hòa giải đôi khi lại dẫn đến tình trạng bạo lực kép do người thực hiện hòa giải thiếu kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình và về giới cũng như về quyền con người. Vì vậy, luật cần bổ sung quy định những tiêu chí về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của tổ hòa giải.” – Đại biểu tỉnh Bắc Ninh đề nghị.